Nếu để ý sẽ thấy có 1 kỷ lục: Cả phiên tòa xử ông Thăng, ông Thanh chỉ có một bị cáo duy nhất đại diện cho phái yếu. Nhưng lạ thay, đó lại là phiên tòa trình diễn nhiều nước mắt nhất, nhiều lời cầu xin nhất và nhiều hoàn cảnh éo le nhất.
Chi tiết ám ảnh trong phòng giam ông Thăng và câu hỏi khó cho người nhà các bị cáo
Có những gì trong tiếng nghẹn ngào của ông Đinh La Thăng?
Nếu điểm lại các từ khóa được bị cáo dùng để nói những lời sau cùng, thì không khó nhận ra sự giống nhau đến ngạc nhiên.
Trịnh Xuân Thanh (Nguyên chủ tịch PVC): Thương vợ nuôi 3 con nhỏ rất vất vả bên Đức. Sụt cân. Không còn cơ hội chăm sóc bố mẹ nữa. Xin lỗi bác Tổng Bí thư. Xin sang Đức chăm sóc vợ con. Cảm ơn cán bộ trại giam. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Vũ Đức Thuận (Nguyên TGĐ PVC): Bố tham gia kháng chiến. Bố vợ là liệt sĩ. Khóc hơn 1 phút. Hối hận. Xin lỗi. Xin khoan hồng.
Nguyễn Mạnh Tiến (Nguyên Phó TGĐ PVC): Sức khỏe vợ không tốt, hai lần lên bàn mổ. Con mắc bệnh hiểm nghèo. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Phạm Tiến Đạt (Nguyên kế toán trưởng PVC): Bố mất sớm. Mẹ suy giảm sức lao động, suy thận, mắt kém. Vợ hai lần mổ, sức khỏe yếu. Cảm ơn cán bộ trại giam. Khóc. Xin khoan hồng.
Nguyễn Anh Minh (Nguyên Phó TGĐ PVC): Con nhỏ dại. Một anh trai vừa mất. Một anh trai khác hiếm muộn. Không còn cơ hội phụng dưỡng bố mẹ già. Khi cải tạo về sợ hai con không nhận ra bố. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Nguyễn Quốc Khánh (Nguyên Phó TGĐ PVN): Bản thân nhiều bệnh tật. Là con duy nhất. Mẹ già 80 tuổi. Xin được tại ngoại ăn tết với mẹ. Hối hận. Xin lỗi. Xin khoan hồng.
Đinh La Thăng (Nguyên Chủ tịch PVN): Vợ đẻ hai con cũng không có nhà vì đi công trường. Tết luôn phải đi công trường. Bố bị bệnh hiểm nghèo. Cháu ngoại hỏi ông sao chưa về. Xin về nhà ăn Tết và chăm sóc bố. Hối hận. Xin lỗi. Khóc. Xin khoan hồng.
Có một chi tiết rất hay là bị cáo nữ duy nhất trong phiên tòa Lê Thị Anh Hoa, khi được nói lời cuối cùng dù vẫn nghẹn ngào, lại không xin giảm án cho mình, mà xin giảm cho chồng.
Bị cáo bị ung thư tuyến giáp giai đoạn 3 này đã xin cho Nguyễn Thành Quỳnh được khoan hồng để có thể về chăm sóc con nhỏ.
Tôi tin là trong những giọt nước mắt kia, có phần trăm thật sự của sự đau đớn, hối lỗi, mềm yếu. Nhưng việc nhắc lại rất nhiều lần gia cảnh éo le như một lá bùa, lại ảnh hưởng đến sự nguyên chất của nước mắt.
Xét về mặt hiệu ứng tâm lý, nước mắt là thứ có thể lây lan. Nhiều người sẽ rơi nước mắt chỉ vì thấy nhiều người khác đồng loạt sụt sùi, dù bản thân họ không có gì đáng khóc.
Tôi không phải người trong cuộc, nên lý trí tôi không rõ ở phiên tòa này, nước mắt có lây lan một cách nhất quán hay không, nhưng cảm xúc của tôi thì lại mách bảo một điều khác.
Giữa rất nhiều nước mắt sụt sùi của các đấng nam nhi đã từng rất quyền lực, tôi chỉ thấy lòng chùng xuống, khi thấy Hoa nghẹn ngào khi xin giảm án cho chồng.
Trong rất nhiều bình luận nghiêng ngả của độc giả, cảm xúc của tôi cũng mách bảo để dừng lại khá lâu trước 4 ý kiến.
Người thứ nhất đã nhận xét về phiên xử hôm qua bằng một câu ngắn gọn “màn trình diễn của lời cầu xin và nước mắt”.
Người thứ 2 tự nhủ: “Cũng có thể các hoàn cảnh éo le ấy là có thật, nhưng nếu là tôi, tôi sẽ không đem tất cả điều đó phơi bày trước tòa để cầu viện tình thương. Làm thế, những người thân của họ lại đau thêm một lần nữa”.
Người thứ 3 đưa ra một câu hỏi: “Đọc thấy tình cảm của các ông với gia đình mà ứa nước mắt. Cũng ngày này năm xưa, chúng tôi còn không biết Tết này mua được gì cho gia đình, mấy đứa nhỏ chúng nó có manh áo mới không? Thậm chí có những lúc chẳng biết có đủ tiền về quê ăn Tết với bố mẹ không? Chúng tôi cũng có gia đình, ông biết không?”.
Người thứ 4 thở dài: “Những ai không bị tắc tuyến lệ thì đều biết chảy nước mắt. Có mấy loại nước mắt: Nước mắt khiến người ta mạnh mẽ hơn hoặc nước mắt khiến họ hèn nhát đi. Nước mắt giúp người rơi lệ được cảm thông hơn và nước mắt khiến kẻ khóc bị xấu xí đi.
Khóc vào lúc nào và khóc vì cái gì là rất quan trọng. Chỉ mong họ nghĩ đến nước mắt của bao người khác trước khi định nhúng chàm”./.
Leave a Comment