Quảng Cáo

Cách loại các đối thủ của Nguyễn Phú Trọng

Quảng Cáo

Blogger Người Buôn Gió |

Quy định nhân sự độc tài (*)

Chưa bao giờ có đời tổng bí thư nào lại ra nhiều quyết định về nhân sự như thời tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đầu tiên là nghị quyết 244 mà Nguyễn Phú Trọng ban ra đầy khôi hài như ứng cử viên chức tổng bí thư khoá 12 phải do Bộ Chính Trị giới thiệu, nếu trung ương giới thiệu thì người đó phải từ chối khi ra đến đại hội 12. Đai hội sẽ bỏ phiếu đồng ý hay không đồng ý việc chối.

Có nghĩa nếu ra đến đại hội đảng, phải có một cuộc bỏ phiếu của trung ương bầu người nào đó, tiếp đến người đó phải từ chối, rồi trung ương tiếp tục bỏ phiếu xem có đồng ý với từ chối đó hay không. Thường thì người ta đã từ chối rồi, số phiếu bầu không đồng ý với từ chối ấy tất nhiên sẽ nhiều hơn. Đây là cách mà Nguyễn Phú Trọng loại các đối thủ, vì trên ở cương vị tổng bí thư khoá 11 nắm Bộ Chính Trị, điều hành các cuộc thảo luận ở Bộ Chính Trị, Trọng dễ dàng đưa mình ra là người duy nhất Bộ Chính Trị đưa ra ứng cử.

Hãy hình dung người gieo quẻ xin âm dương khi lễ, người ta gieo lần 1 không được, gieo lần 2 không được, gieo lần 3, lần 4 đến bao giờ như ý mình thì thôi. Trọng chủ trì họp trung ương, bộ chính trị cũng vậy, đến khi nào kết quả là bản thân Trọng khi đó mới thôi. Vì thế người ta thấy trước đại hội 12 trung ương, bộ chính trị họp liên tục, đơn từ đấu đá liên miên đến khi ứng cử viên duy nhất là Trọng thì lúc đó Trọng tuyên bố trung ương họp đã thành công.

Nhưng việc ép được Bộ Chính Trị giới thiệu mình, Trọng còn gặp phải khó khăn nữa là y đã quá nhiều tuổi, để giải quyết vấn đề này, Trọng đẻ ra một quyết định có một không hai nữa là đại hội lần này có một trường hợp đặc biệt quá tuổi ra ứng cử tổng bí thư, vì lý do giữ được yếu tố 3 độ tuổi trong trung ương.

Ngày 4 tháng 8 năm 2017, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ra quyết định 89 về nhân sự. Quy định này gồm 5 mục, những mục mà Trọng có lợi thế mà người khác bị hạn chế được Trọng liệt kê rất dài như trình độ lý luận chính trị, trung thành với đường lối Mác Lê, đặt lợi ích của đảng lên trên hết, không có biểu hiện suy thoái, diễn biến….

Còn mục nào mà Trọng hạn chế thì chỉ có hai dòng như mục ngoại ngữ, tin học và mục độ tuổi.

Mấy ngày sau khi ban hành quyết định 89, Trọng cảm thấy chưa an tâm nên soạn tiếp một quyết định tiếp theo mang số 90 ban ra vào ngày 22 tháng 8 năm 2017. Cũng hệt như ở trước đại hội 12 Trọng ra quyết định về trường hợp đặc biệt, mới hơn 15 ngày Trọng thay mặt Bộ Chính Trị ra hai quyết định về nhân sự, xưa nay không tổng bí thư nào trắng trợn và dày mặt để làm những điều quy định có lợi cho mình như vậy.

Để rõ ràng hơn, trong quyết định 90 tiêu chuẩn về tổng bí thư, Trọng quy định rằng.

– Phải có trình độ lý luận và xây dựng đảng.

Ngoài Trọng ra, những người trong tứ trụ như Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân ai là người có bằng lý luận chính trị chuyên ngành xây dựng đảng như Trọng. Cái này mỗi mình Trọng có. Lại thêm một lần nữa Nguyễn Phú Trọng ra  quy định chỉ có mình y có mà thôi.

Đinh Thế Huynh, Trần Đại Quang, Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân

Ngày 19 tháng 12 năm 2017, Nguyễn Phú Trọng lại tiếp tục ban hành quy định 105 về nhân sự, trong đó có mục những ai không đảm bảo sức khoẻ không đảm bảo sẽ bị thay thế. Quy định này Trọng ban ra nhằm vào Đinh Thế Huynh và Trần Đại Quang là hai người đã bị ốm hồi giữa năm, Trọng đã cho tay chân tung tin về sức khoẻ hai người này ra ngoài để làm cơ sở cho quyết định sau đó Trọng ban ra. Nhưng cũng như các quy định trước mà Trọng ban, không có mục nào nói về người quá tuổi phải về hưu cả. Có lẽ mỗi mình Trọng là khoẻ.

Trong quy đinh 105 có điểm độc tài và phi dân chủ mà Nguyễn Phú Trọng công khai đưa ra là:

– Nếu một trường hợp do tập thể lãnh đạo giới thiệu và một trường hợp do người đứng đầu giới thiệu mà bằng phiếu nhau, thì sẽ chọn người do người đứng đầu giới thiệu.

Cái gọi là dân chủ của đảng cộng sản do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu là như vậy, tập thể lãnh đạo quyết định không bằng người đứng đầu tập thể lãnh đạo quyết định.

Hãy xem một đoạn trong quy định 105 của Nguyễn Phú Trọng vừa ban hành.

Yêu cầu đối với việc bổ nhiệm lại, giới thiệu tái ứng cử, quy định của Bộ Chính trị cũng nêu rõ:

“Những cán bộ sau khi được bổ nhiệm vì những lý do cụ thể như sức khỏe không bảo đảm, uy tín giảm sút, không phù hợp với điều kiện làm việc, sinh hoạt, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật đảng, pháp luật nhà nước… các cơ quan tham mưu đề xuất và cấp lãnh đạo có thẩm quyền cần xem xét, thay thế kịp thời, không chờ hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm”.

Quy định này của Bộ Chính trị có hiệu lực từ ngày ký và thay thế các Quyết định số 67, 68 của Bộ Chính trị khóa 10 và các quy định trước đây trái với Quy định này.

Trong quy định 67 năm 2007 của Bộ Chính Trị thì việc xem xét miễn nhiệm cán bộ phải qua ba bước tùy theo diện cán bộ từng cấp nào thì cấp đó thực hiện, ví dụ như Đinh Thế Huynh phải có những trình tự sau:

Bước 1 là Ban bí thư họp đưa ra ý kiến

Bước 2 Bộ Chính Trị họp lấy ý kiến.

Bước 3 đưa ra trung ương lấy ý kiến.

Tất cả ý kiến đều được biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín.

Quy định mới của Nguyễn Phú Trọng thì không cần ban thường vụ nơi nhân sự công tác họp, mà do ban tham mưu nào đó đề xuất và cấp lãnh đạo xem xét quyết đinh ngay.

Diễn giải điều này là chỉ cần một ban tham mưu trong đảng, dù không phải cơ quan đảng với đối tượng, ban tham mưu đó đề xuất với lãnh đạo, tức đề xuất đến Trọng thì Trọng có quyền xem xét và thay thế luôn. Khỏi phải qua các trình tự như trong quyết định 67.

Quy đinh mới này của Trọng nhằm chữa cho những vi phạm độc tài mà y đã dùng trước đó đối với Đinh La Thăng và Đinh Thế Huynh, bắt các ủy viên trung ương phải im họng. Ngoài ra cũng là bước đệm để y loại trừ bất cứ ai mà y muốn.

Nguyễn Phú Trọng một mặt y nói rằng không tham vọng quyền lực, xây dưng dân chủ trong đảng, tập thể lãnh đạo….mặt khác y công nhiên chà đạp nên mọi quy định trước đó của đảng, bất chấp hàng trăm uỷ viên trung ương đảng. Y tự ban cho mình những quyền hành độc tài, muốn xử lý ai đều được.

Vì sao mấy trăm uỷ viên trung ương đảng không ai dám ý kiến về những việc làm sai trái, độc đoán của Nguyễn Phú Trọng. Vì họ hèn nhát và muốn giữ ghế, điều đó là tất nhiên. Nhưng không hẳn tất cả uỷ viên trung ương đều vì hèn, sợ mà như vậy. Một số khác hiểu rằng, đằng sau Nguyễn Phú Trọng là Trung Quốc đỡ. Nếu sự phản đối độc tài của Nguyễn Phú Trọng trong trung ương dâng cao, lập tức Trung Quốc sẽ có những động thái gây sự trên mọi mặt khiến đất nước đang khó khăn giải quyết nhiều vấn đề kinh tế, lại phải đối phó với tình trạng căng thẳng chiến tranh.

Đem đất nước ra làm bình phong để giữ quyền lực, Nguyễn Phú Trọng chính là một Lê Chiêu Thống thứ hai.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux