Khánh An – VOA |
Hàng loạt dự án BOT giao thông sẽ bị kiểm toán vào năm 2018, theo kế hoạch vừa được Kiểm toán Nhà nước công bố hôm 5/12, một ngày sau khi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ra lệnh tạm ngừng thu phí ở trạm BOT Cai Lậy vì cuộc “biểu tình” bằng tiền lẻ của các tài xế.
Các động thái của chính phủ Việt Nam được một nhà phân tích nhận định là “khá dè dặt” trước phản ứng dữ dội nhưng ôn hòa và thông minh của người dân, vốn là “bên thứ ba” đã bị gạt ra ngoài trong hợp đồng giữa nhà nước và chủ đầu tư.
Một nhà phân tích và vận động cho xã hội dân sự tại Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho rằng chính phủ Việt Nam đang rơi vào tình trạng “lúng túng” và “dè dặt” trước tình trạng “nóng lên từng hồi” của trạm thu phí BOT Cai Lậy.
Ông nói: “Tôi cho rằng phản ứng của chính phủ khá dè dặt và chứng tỏ sự tranh giành giữa các quan điểm khác nhau còn rất mạnh trong chính phủ”.
Theo kế hoạch được Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc ký ban hành ngày 4/12, một loạt các dự án xây dựng và đầu tư theo hình thức BOT trong lĩnh vực giao thông như dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 1 ở Đồng Nai, Lâm Đồng, Quốc lộ 18 ở đoạn Bắc Ninh-Uông Bí, dự án đường cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, công trình cầu Việt Trì-Ba Vì, hầm đường bộ qua đèo Cả-Quốc lộ 1, cầu Bạch Đằng-TPHCM… sẽ nằm trong chương trình làm việc của cơ quan kiểm toán vào năm tới.
Theo cơ quan này, đã có 27 dự án BOT bị kiểm toán vào năm 2016 và bị rút chi phí đầu tư xuống 1.150,46 tỷ đồng, giúp giảm thời gian thu phí hoàn vốn so với dự án ban đầu tổng cộng hơn 107 năm.
Phản ứng “dè dặt”
Kế hoạch kiểm toán các dự án BOT được đưa ra vào thời điểm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa hạ lệnh dừng thu phí ở trạm thu phí Cai Lậy, Tiền Giang, từ 1 – 2 tháng, sau những ngày hỗn loạn vì cuộc “biểu tình” bằng tiền lẻ của giới tài xế. Trạm thu phí Cai Lậy đã phải xả trạm nhiều lần trong ngày đầu tiên mở cửa thu phí trở lại hôm 30/11 vì các tài xế đồng loạt nộp tiền phí dư 100 đồng và đòi thối lại tờ tiền rất ít được sử dụng này.
Trước đó vào tháng 8, trạm này cũng đã phải dừng thu phí chỉ sau 2 tuần khai trương vì “chiến thuật” trả phí bằng tiền lẻ của người dân, gây ách tắc giao thông nhiều giờ liền. Bộ Giao thông Vận tải ngay sau đó phải ra quyết định giảm mức phí qua trạm từ 35.000 đồng – 180.000 đồng xuống còn 25.000 đồng – 160.000 đồng, nhưng người dân vẫn cho rằng việc họ phải đóng phí trên con đường mà họ đã đóng thuế xây dựng là phi lý.
Nguyên nhân cốt lõi của “cuộc chiến” giữa người dân và nhà đầu tư-nhà nước, theo TS. Nguyễn Quang A, là do người dân – bên thứ ba trong hợp đồng BOT – đã bị loại ra ngoài vì lợi ích của nhà đầu tư và nhà nước. Ông phân tích:
“Bản thân BOT, nếu làm đúng, là rất tốt. Nhưng đáng tiếc là ở Việt Nam có sự cấu kết giữa chính quyền với các doanh nghiệp thực hiện dự án BOT để bóp méo sơ đồ vì lợi ích riêng tư của họ”.
“Sự phản kháng dân sự một cách rất ôn hòa và đúng pháp luật của người dân là một điều rất đáng hoan nghênh. Bây giờ người dân đã biết họ là một bên thứ ba trong hợp đồng của bất kỳ dự án BOT nào vì họ là người chi trả trực tiếp khoản phí đấy, nhưng họ lại bị loại ra ngoài”.
Bài liên quan:
– Làm gì trong tháng tạm ngưng thu phí BOT Cai Lậy
– Phe tài xế cần làm gì nếu lợi thế đang không thuộc về họ?
– Đấu tranh bất bạo động: thất thủ BOT là tất yếu
Bên thứ ba đang cầm lái?
Những ngày qua, cuộc chiến ở BOT Cai Lậy có vẻ như đã trở thành cuộc chiến chung khi những tin tức về vụ này được cập nhật và chia sẻ chóng mặt trên cả truyền thông chính thống lẫn mạng xã hội. Đọc bình luận của người dân, ai cũng có thể hiểu họ đang ủng hộ và đứng về phía nào.
Luật sư Phạm Công Út, Đoàn Luật sư TPHCM, cho rằng cuộc chiến này nhận được sự ủng hộ của công chúng một phần còn là vì cách đấu tranh rất “dí dỏm” và “sáng tạo” của các anh tài xế “lầy”.
“Người dân miền Tây Nam Bộ thứ nhất là người khí khái, thứ hai họ cũng có những cái láu cá của họ. Khi gặp những sự cố này, họ cũng có cách để họ tồn tại được. Ở đây, người ta dùng từ mới gọi họ là những tài xế ‘lầy’, nhưng ‘lầy’ dễ thương vì cách cư xử không gay gắt nhưng lại khiến phía bên kia lúng túng. Với cách xử lý rất linh hoạt, dí dỏm, hiệu quả của mấy anh nông dân Hai Lúa này thì không một thế lực cường quyền, thế lực tài phiệt nào có thể bóp chết được họ”.
Trong cùng ngày 5/12, tỉnh Khánh Hòa cũng phải tổ chức “họp khẩn” liên quan đến trạm thu phí BOT Ninh An, thuộc thị xã Ninh Hòa. Trước đó, hôm 4/12, các tài xế ở đây cũng sử dụng chiêu thức trả tiền lẻ hoặc tiền mệnh giá cao để đi qua trạm khiến cho giao thông khu vực bị kẹt xe nhiều giờ liền.
Trả lời báo Người Đưa Tin hôm 5/12, lãnh đạo tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an Việt Nam, cho biết đã phải tăng cường lực lượng tại BOT Cai Lậy và nhiều trạm thu phí khác để bảo đảm an inh trật tự.
Trong báo cáo gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 4/12, Bộ Công an nói họ ghi nhận được 12 xe thường xuyên qua lại trạm Cai Lậy để gây rối, kích động, cản trở giao thông. Nhưng theo TS. Nguyễn Quang A, việc đi qua lại trạm là quyền hợp pháp của công dân.
“Người ta bảo có 14 người thường xuất hiện. Nhưng tôi nghĩ nếu những người đó mà có ở Lạng Sơn và đi đi lại lại 20 lần, 50 lần [qua trạm] thì đấy vẫn là quyền hoàn toàn hợp pháp của người ta, không có cớ gì để bảo rằng đấy là gây rối cả”.
Tin cho hay chủ đầu tư BOT Cai Lậy, ông Nguyễn Phú Hiệp, cũng vừa có báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan hữu trách trong ngày 5/12. Trong đó, ông Hiệp yêu cầu Chính phủ, Bộ Công an, Bộ GTVT và chính quyền Tiền Giang phải sớm điều tra các hành vi gây rối, làm mất an ninh trật tự trong khu vực.
Nhưng bất chấp phát ngôn của giới hữu trách, các tài xế được cho là “gây rối” đã được người dân tung hô như những “anh hùng” trên mạng xã hội. Còn TS. Nguyễn Quang A cho rằng chính phủ nên trân trọng những người bị cho là “gây rối” để từ họ, có thể phát hiện ra tiêu cực, tham nhũng, điều mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cổ vũ trong thời gian qua.
Leave a Comment