Ông đáng tuổi cha chú, lại là đại biểu Quốc hội nữa, lẽ thường tôi cũng tôn trọng ông như bao người khác nhưng khi nghe báo chí đưa tin tại buổi thảo luận về dự thảo Luật Tố cáo sửa đổi (8/11) ông phát biểu rằng: “Tôi nghĩ cán bộ đã trải qua nhiều đơn vị, nhiều chức vụ, có những vụ việc thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp, do đó nếu cho phép sẽ ảnh hưởng đến cán bộ nghỉ hưu” – Ngô Tuấn Nghĩa, Đại biểu Quốc hội (TP.HCM) thì nói thật, tôi khinh.
Trong khi tham nhũng đang tàn phá đất nước một cách nghiêm trọng, từ tài sản quốc gia cho đến niềm tin của dân chúng “nhìn đâu cũng thấy, sờ sâu cũng có”, “ăn của dân không trừ thứ gì”.
Trong khi hàng loạt vụ biệt thự, biệt phủ của quan chức về hưu đang làm dân chúng bất bình.
Trong khi nhiều đại biểu Quốc hội có những phát biểu lên án mạnh mẽ nạn tham nhũng và có những quyết tâm chống tham nhũng đến cùng.
Trong khi cả hệ thống chính trị, nhân dân, báo chí, truyền thông vào cuộc chống tham nhũng “không ai đứng ngoài cuộc” (lời Tổng bí Thư Nguyễn Phú Trọng).
Thì ông lại đưa ra đề nghị không nên đưa diện cán bộ công chức đã nghĩ hưu vào diện điều chỉnh của luật tố cáo. Liệu có phải ông đang muốn xây dựng một hàng rào, bức tường bảo vệ tham nhũng?
Ông hãy giải thích cho mọi người hiểu thế nào là “thời điểm đó là đúng nhưng sau này chưa phù hợp”. Ông ạ, làm lãnh đạo là phải có tầm nhìn, nghĩa là nhìn xa, trông rộng ấy chứ không phải chỉ nhìn quanh quẩn đó đây. Tôi ví dụ như dự án xe buýt nhanh ở Hà Nội, từ đầu nhiều chuyên gia và cả người dân lên tiếng là thấy không hợp, không khả thi nhưng vẫn cố phê duyệt làm cho được, kết quả là thất bại, cả ngàn tỷ đồng bỏ sông bỏ bể. Ai ký, ai duyệt? và ai chịu trách nhiệm?
Cho phép tố cáo cán bộ về hưu sẽ làm ảnh hưởng tới họ.
Vậy tôi hỏi ông, hậu quả của việc cán bộ tham nhũng ai chịu? Chẳng phải người dân, đất nước này đang gánh chịu đó sao.
Lũ lụt tàn phá miền trung thời gian qua gây thiệt hại vô số tài sản, vật chất, làm hàng trăm người bị chết là hậu quả của việc phá rừng, xây thuỷ điện ồ ạt. Ai ký duyệt những dự án đó, ai buông lỏng quản lý, bảo kê để rừng bị phá?
Những dự án thua lỗ ngàn tỷ, những công trình đội vốn ngàn tỷ, những dựa án gây ô nhiễm môi trường, những công trình kém chất lượng… ai ký, ai duyệt? Thiệt hại đó ai gánh chịu?
Còn ông nói rằng, quy định quá rộng sẽ dẫn đến tình trạng tố cáo tràn lan hoặc tạo điều kiện cho những phần tử xấu lợi dụng để quấy rối cán bộ. Đúng là tư duy kiểu “rừng rú”. Này nhé, làm cán bộ lãnh đạo mà trong sạch, sống đúng mực thì sợ gì bị tố cáo, bôi nhọ. Mà nếu có ai đó tố cáo sai sự thật, vu khống, bôi nhọ thì đã có luật xử, ông không phải lo xa.
Ông cứ nghĩ đi, nếu không tố cáo cán bộ về hưu thì chuyện gì sẽ xảy ra? Khi ấy các quan sẽ tha hồ vơ vét nhét khi đương chức, nào là xây biệt phủ, cho con du học, mua nhà ở nước ngoài, gửi tiền ngân hàng… khi về hưu coi như hạ cánh an toàn.
Tôi nghĩ với trình độ có hạn, suy nghĩ thiển cận đó nếu không do cái cơ chế “Đảng cử dân bầu” thì chắc rằng người như ông không thể trở thành Đại biểu Quốc hội. Ông có hiểu, có nhận thức được vai trò, nhiệm vụ của Đại biểu Quốc hội là gì không ? Để tôi nhắc cho ông nhớ “đại biểu Quốc hội là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân” chứ không phải là đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cán bộ, ông biết chưa?
Tôi có lời khuyên cho ông. Nếu không nói được gì hay ho, làm được gì tốt cho dân cho nước thì cứ im lặng như nhiều vị đại biểu khác, hết nhiệm kỳ thì nghỉ, còn đã phát biểu thì nên suy nghĩ cẩn trọng như lời cổ nhân dạy “uốn lưỡi 7 lần”. Đừng phát biểu lung tung để dân chửi, nhục lắm.
Nói thêm để ông biết, tiền lương, bổng lộc, những quyền lợi ông đang hưởng là từ tiền thuế dân đóng góp. Trong đó có phần của những người dân miền trung đang thôi thóp trong mưa lũ. Theo tôi, nếu có tự trọng thì ông nên xin thôi Đại biểu Quốc hội về làm người tử tế cho khoẻ.
Đ. An
Nguồn: Dân Luận
Leave a Comment