Bộ đôi “Dự thảo Luật an ninh mạng” và “Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước” vừa được Bộ trưởng Tô Lâm trình Quốc hội, có rất nhiều điều khoản cho thấy đi ngược lại với “Luật Tiếp cận thông tin” sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2018.
Từ 1-7-2018, chính quyền không được giấu thông tin với dân?
Luật Tiếp cận thông tin năm 2016 cho phép công dân được tiếp cận bằng hai cách: tự do vì nhà nước đã công khai, và yêu cầu cơ quan nhà nước cung cấp. Người nước ngoài cũng bình đẳng tiếp cận mọi thông tin như công dân Việt Nam.
Vụ trưởng Pháp luật Hình sự – Hành chính (Bộ Tư pháp), bà Nguyễn Thị Kim Thoa nói rằng luật đã điều chỉnh để buộc cơ quan nhà nước cung cấp thông tin cho người dân. Tuy nhiên, vùng thông tin mà người dân được quyền tiếp cận rất rộng, còn thông tin bị cấm “là rất nhỏ” (!?) nên luật chỉ liệt kê thông tin người dân không được tiếp cận.
Theo đó, thông tin công dân không được tiếp cận bao gồm: thông tin thuộc bí mật nhà nước (thông tin có nội dung quan trọng thuộc lĩnh vực, chính trị, quốc phòng, an ninh quốc gia, đối ngoại, kinh tế, khoa học, công nghệ…); thông tin mà nếu để tiếp cận sẽ gây nguy hại đến lợi ích của Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến quốc phòng, an ninh quốc gia, quan hệ quốc tế, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe cộng đồng, gây nguy hại đến tính mạng, cuộc sống hoặc tài sản của người khác; thông tin thuộc bí mật công tác; cuộc họp nội bộ của cơ quan nhà nước; tài liệu do cơ quan nhà nước soạn thảo cho công việc nội bộ.
Luật cũng cho phép tiếp cận những thông tin thuộc diện bí mật song có kèm điều kiện. Chẳng hạn, người dân có thể được nắm thông tin liên quan bí mật kinh doanh nếu chủ sở hữu bí mật kinh doanh đó đồng ý. Thông tin liên quan bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, gia đình được tiếp cận trong trường hợp người đó, gia đình đó đồng ý.
Thông tin nhà nước phải công khai bao gồm: văn bản quy phạm pháp luật; thông tin hướng dẫn thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách đối với những lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của cơ quan nhà nước; dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật, nội dung và kết quả trưng cầu, tiếp thu ý kiến của nhân dân; chiến lược, chương trình, dự án, đề án, kế hoạch; thông tin về danh mục dự án, chương trình đầu tư công, mua sắm, quản lý, sử dụng vốn đầu tư công…
Thế nào là thông tin “bí mật nhà nước”?
Chưa có câu trả lời, bởi đến nay thế nào là “bí mật nhà nước” còn là nội dung nằm trong Dự thảo Luật Bảo vệ bí mật nhà nước, đang trong giai đoạn lấy ý kiến đóng góp của các đại biểu tại Nghị trường.
Nói về Dự luật này, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng các thông tin được xem là “bí mật nhà nước” hoàn toàn là chuyện “tự biên – tự diễn – tự quyết” của bộ máy nhà nước, bao gồm cán bộ, công chức, mà không thể hiện sự liên quan gì đến người dân. Từ việc quy định và ban hành Danh mục bí mật nhà nước, quá trình sử dụng, sao chép thông tin bảo mật, cho đến việc giải mật.
“Trong khi đó, ai cũng hiểu rằng về nguyên tắc, tiếp cận thông tin là một trong những quyền công dân cơ bản. Thông tin, gồm cả thông tin mật, là tài sản quốc gia chứ không phải là của một nhóm người hay của một giai đoạn lịch sử. Hiến pháp Việt Nam quy định công dân có quyền tiếp cận thông tin, có quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia thảo luận và kiến nghị với cơ quan nhà nước về các vấn đề của đất nước.
Hay nói khác đi, thông tin càng bị mật hóa càng nhiều, thì quyền tiếp cận thông tin càng ít. Và cũng chính vì vậy, tôi lo ngại là những quy định của luật này, nếu không có cơ chế khoa học, giám sát, xử lý hay ngăn chặn xu hướng mật hóa tràn lan có thể sẽ gây ra những vấn đề lợi bất cập hại.
Đơn cử như dự thảo luật quy định chủ tịch UBND tỉnh có quyền và trách nhiệm lập danh mục bí mật nhà nước địa phương. Như vậy, sẽ có 63 danh mục bí mật nhà nước của mỗi địa phương khác nhau, dài ngắn khác nhau, nội dung khác nhau, tùy theo cảm nhận, đánh giá của từng địa phương. Chỉ riêng trong lĩnh vực kinh tế, với lý do bảo vệ bí mật “chiến lược kinh tế – xã hội” (là một trong những nội dung thuộc phạm vi bí mật nhà nước theo dự thảo luật), có thể có địa phương sẽ “bưng bít” thông tin về các dự án đầu tư, hay các vấn đề về quy hoạch các ngành nghề sản xuất, chẳng hạn. Rõ ràng điều này sẽ gây bất lợi cho người dân trong việc tiếp cận thông tin, thực hiện kế hoạch kinh doanh của mình…”. Luật sư Trần Hồng Phong biện giải.
Ở một tầm nhìn rộng hơn, nếu cái gì cũng mật hóa và xu hướng mật hóa càng tăng thì quyền tự do, dân chủ càng mang tính hình thức. Chính vì vậy, bảo vệ bí mật nhà nước phải bảo đảm không tách rời quyền và lợi ích của công dân. Ngoại trừ những bí mật mang tính quốc gia, mà việc bị tiết lộ gây tổn hại cho an ninh quốc phòng, thì trong các lĩnh vực khác, cần ngăn chặn xu hướng mật hóa.
Tự do ngôn luận trong chính sách ngu dân để trị
Trong Dự thảo Luật An ninh mạng – theo luật sư Trần Hồng Phong, đã đưa ra nhiều khái niệm, quy định đã được quy định hay điều chỉnh trong nhiều luật khác, nhưng lại theo hướng khó khăn, cấm đoán nặng nề hơn. Chẳng hạn như quyền tự do ngôn luận trong Hiến pháp, các quyền dân sự trong Bộ luật dân sự, Luật báo chí…vv.
“Đơn cử như tại Điều 22 quy định về việc xử lý thông tin trên không gian mạng “có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; làm nhục, vu khống; tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam”. Tuy nhiên đây rõ ràng là những nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của nhiều luật khác, như Hiến pháp, Bộ luật dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính hay Bộ luật hình sự… Theo đó, trước khi xử lý phải tiến hành thẩm định, giám định làm rõ một bài viết hay ý kiến của ai đó có phải là “vu khống”, hay “chống phá Nhà nước” không – thuộc thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng. Chứ không thể chỉ từ đánh giá cảm tính là cơ quan an ninh có quyền “chặn”, “xoá”… vv.
Chúng ta cần nhớ rằng tự do ngôn luận, tự do báo chí là quyền công dân được Hiến pháp bảo đảm. Và chính nhờ thông tin của người dân trên mạng xã hội, mà đã khám phá, phanh phui ra nhiều vụ tham ô, tham nhũng, phát hiện rất nhiều trường hợp cán bộ sa đoạ, giàu bất chính… và bị cơ quan chức năng xử lý”. Luật sư Trần Hồng Phong nhấn mạnh.
Một luật sư là cựu quân nhân thì cho rằng an ninh mạng là thành tố không thể tách rời của an ninh quốc gia, nên Dự thảo Luật An ninh mạng cần phải bám sát các nội dung, quy định của Luật An ninh quốc gia năm 2004.
Lập luận của vị luật sư từng khoác áo lính rằng quốc phòng cùng với an ninh quốc gia là hai nội dung quan trọng của bảo vệ Tổ quốc. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Lực lượng vũ trang nhân dân trung thành với Tổ quốc, Nhân dân, với Đảng và Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; cùng toàn dân xây dựng đất nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế”. Trong đó, “Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng” và “Công an nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng chống tội phạm”. Chính vì thế, cần lược bỏ bớt một số nội dung đã được đề cập trong các luật trên, với quan điểm tránh gây phức tạp cho đối tượng áp dụng, hạn chế chồng chéo giữa chức năng nhiệm vụ của các bộ ngành và bảo đảm môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của xã hội.
Pháp luật Việt Nam sao cứ là bản sao của Trung Quốc
Trong Hồ sơ Dự án Luật Bảo vệ bí mật nhà nước do Bộ Công an chấp bút soạn thảo, có một tài liệu kèm theo Dự thảo Luật để trình Quốc hội cho ý kiến. Tài liệu ấy có tên “Luật bảo vệ bí mật Nhà nước Cộng hòa nhân dân Trung hoa năm 2010”.
Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an soạn thảo cũng được căn cứ từ Luật An ninh mạng xã hội của Trung Quốc, hiệu lực hôm 1-6-2017. Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh mạng xã hội vào ngày 7-11-2016, chỉ một tuần sau khi bản dự thảo thứ ba được đề xuất với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc.
Có thể tham khảo nội dung bản dịch tiếng Anh của Luật An ninh mạng xã hội Trung Quốc , và Dự thảo Luật An ninh mạng do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo sẽ thấy gần như giống hệt nhau.
Trần Thành – Việt Nam Thời Báo
Leave a Comment