Việt Nam có muốn chia miếng bánh hàng ngàn tỷ đô la do IT thế giới tạo ra hay một mình trên hoang mạc và tự hội nhập bởi một lý do mơ hồ “an ninh quốc gia” được ghi trong Dự thảo Luật An ninh mạng gần đây.
Google và Facebook trong kinh tế toàn cầu
Cách đây 20 năm (9-1998), một công cụ tìm kiếm trên internet được gọi là Google được thành lập bởi hai sinh viên của Stanford (California) là Larry Page và Sergey Brin.
Đây được coi là phương tiện cứu rỗi internet vì mạng toàn cầu nối mọi ngõ ngách thế giới nhưng tìm kiếm kém thì internet và PC chỉ là đồ chơi đắt tiền.
Tính đến ngày hôm nay Google đã tạo ra một thị trường 676 tỷ đô la gấp 3 lần GDP (nominal) của Việt Nam.
Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, công ty này tạo ra thị trường giá trị khoảng 200 tỷ đô tương đương với GDP Việt Nam năm 2016, 9 trên 10 công ty dùng internet để tìm kiếm thông tin hay kết nối phục vụ cho các mối làm ăn.
Facebook tạo ra miếng bánh kinh tế toàn cầu khoảng 300 tỷ đô, gấp rưỡi GDP Việt Nam năm 2016, cách đây 3 năm đã tạo ra 4,5 triệu việc làm (2014), theo báo cáo của Deloitte.
Tại Hoa Kỳ, Facebook tạo ra nền kinh tế 100 tỷ đô la, miền Trung và Mỹ La Tin con số này là 30 tỷ, các nước châu Âu 13 tỷ, và châu Á thì Facebook đã tạo ra khoảng 13 tỷ đô cho kinh tế vùng.
Tại Việt Nam, Google được 92% người dùng để tìm kiếm, trong khi Bing chỉ vẻn vẹn 3%. Một nửa số dân dùng Facebook (50 triệu tài khoản).
Bài liên quan:
Thị trường viễn thông Việt Nam 10 tỷ đô la và hơn thế nữa
Vào năm 1993, MobiFone là nhà cung cấp dịch vụ không dây đầu tiên ở Việt Nam với giá 1.000$ đắt như vàng để sở hữu một thiết bị như củ gạch và chỉ để gọi phone, chưa kể 200$ chi cho nối mạng, 30$ phí dịch vụ và 0,3$ cho mỗi phút.
Sau 20 năm thì cái smart phone giá 50$ đủ chức năng video, text, gọi phone, duyệt nét, vào Facebook 24/7 với phí 10$/tháng, gọi khắp thế giới miễn phí nếu dùng viber.
So với năm 2016, thị trường Viễn thông đạt 127%, chỉ tính riêng nửa năm 2017 đã đạt gần 10 tỷ đô la, trong đó Viettel chiếm 55%, VNPT chiếm 31%, Mobifone chỉ còn 10%.
Từ công nghệ 3G nay chuyển sang 4G đang giúp kích cầu khách hàng mua dịch vụ viễn thông từ smart phone đến internet tại gia đình, công sở.
Theo thống kê của Bộ TTTT, hiện có khoảng 69 triệu người dùng 2G, 54 triệu dùng 3G và 7 triệu dùng 4G.
Xu hướng 4G ngày càng tăng do dịch vụ online, dùng công cụ Google và Facebook trong kinh doanh và quảng cáo hàng, tạo động lực phát triển cho nền kinh tế, thì miếng bánh do viễn thông mang lại không chỉ là 10 tỷ đô la.
Một ngày thế giới bán ra khoảng 300 ngàn PCs nhưng số smartphone là 1,6 triệu do tiện ích mang lại. Hầu hết lựa chọn smart phone bởi sự tiện lợi của Google, Facebook, Twitter hay Youtube “mọi nơi, mọi lúc”.
120 triệu SIM do dân Việt Nam mua có thể trùng lắp và khoảng 40-50 triệu người đang dùng smartphone để đọc tin, tìm kiếm, giao tiếp, tìm mối làm ăn và kinh doanh online. Smart phone sẽ chiếm lĩnh thị trường viễn thông trong những năm tới.
Điều gì sẽ xảy ra
Một hôm nào đó 40-50 triệu người này sẽ ngừng vì Google, Facebok, Youtube, Viber không còn, chả còn gì hấp dẫn trên mạng, chưa kể các dịch vụ kiếm tiền dựa vào nền tảng đó. Muốn phát triển IT mà không có Google để tìm kiếm thì sự thể sẽ ra sao.
Nếu họ rút khỏi Việt Nam do Dự thảo Luật An ninh mạng vừa trình Quốc hội, trong đó có những đòi hỏi như đảm bảo thông tin trung thực, quy định phải đặt máy chủ tại Việt Nam, xác thực thông tin của người dùng… sẽ ảnh hưởng đến quyết định của hai nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm và mạng xã hội “ở hay đi”.
Về chuyện đặt máy chủ ở Việt Nam thì nhà nước cũng không thể truy nhập vào server của họ để theo dõi. Thế giới có tính toán đám mây, người dùng có thể truy nhập thông tin ở mọi nơi mọi chỗ với giá thành rẻ bất ngờ. Chỗ nào an toàn và giá thấp họ sẽ chọn.
Nếu các công ty IT lớn rút đi thì không hiểu thị trường viễn thông có còn là 10 tỷ đô đóng góp cho GDP và ảnh hưởng domino do viễn thông mang lại cho quốc gia cũng không chỉ 10 tỷ đô la. Viettel, VNPT rải cáp, bên chính sách rải đinh, làm sao IT vượt lên được.
Đó là chưa kể các cam kết quốc tế về WTO và TPP mà Việt Nam đã và đang muốn tham gia đã nói rõ như VCCI từng chỉ ra. Trong thỏa thuận TPP, chương Thương mại điện tử, khoản 2 Điều 14.13 có quy định: “Không bên nào yêu cầu đối tượng áp dụng của Chương này được sử dụng hoặc lựa chọn địa điểm lắp đặt các cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin trong phạm vi lãnh thổ của bên mình để xem đó như là điều kiện để triển khai công việc kinh doanh trong lãnh thổ đó”.
Không hiểu các nhà soạn Dự thảo Luật An ninh mạng có nghĩ đến ảnh hưởng phát triển kinh tế mà miếng bánh viễn thông và cam kết quốc tế của chính Việt Nam.
Thị trường hàng ngàn tỷ đô do những công ty IT toàn cầu này mang lại đáng để IT xứ Việt chia sẻ nếu muốn hướng tới “thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ” như Báo cáo 2035 của CP Việt Nam và World Bank xuất bản gần đây.
Nguồn: hieuminh´s blog
Leave a Comment