Chưa bao giờ ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại ngập tiền như hiện thời!
Núi tiền bất động
Dư nợ cho vay của khối ngân hàng vào cuối năm 2016 đã lên tới 6 triệu tỷ đồng, gấp hơn hai lần so với 6-7 năm trước.
Và “để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng 6,7% như mục tiêu đề ra” cùng “Thủ tướng chính phủ đã giao nhiệm vụ cho ngân hàng nhà nước cố gắng nâng mức tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 21%-22% thay vì mức 18% như kế hoạch đề ra từ đầu năm,” khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017.
Chính phủ “kiến tạo và hành động” của Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng theo đó mà như cuống quýt với núi tiền chết dí trong ngân hàng. Tiền nhiều như quân nguyên mà không lưu thông được thì làm sao tăng trưởng 6,7% GDP và giữ được thành tích điều hành kinh tế xứng đáng với vị thế ứng cử viên tổng bí thư cho đại hội giữa nhiệm kỳ vào năm 2018?
Trong 2/3 thời gian của năm 2017, dù đã “rất cố gắng,” ngân hàng mới chỉ bơm vào thị trường được 500.000 tỷ đồng. Bất chấp việc phần lớn ngân hàng đã thi hành chính sách khoán doanh số cho vay tín dụng đối với nhân viên ngân hàng, tìm nhiều cách khuyến mãi để có thể cho vay được, đa số doanh nghiệp vẫn kiên định lắc đầu. Nhiều người than thở “làm ăn thời buổi này khó quá!” và “chẳng biết vay để làm gì.”
Rất nhiều doanh nghiệp vẫn còn nhớ như in “thuốc độc” vào năm 2011. Khi đó, lãi suất cho vay vọt đến 22% – 30%/năm. Trong cơn túng quẫn tiền bạc, không thiếu doanh nghiệp đã phải nhắm mắt sa chân đi vay ngân hàng để rồi sau đó tự tra đầu mình vào sợi dây thòng lọng. Không chỉ là cái chết theo nghĩa bóng, mà nghe nói còn có cả những vụ quyên sinh theo đúng nghĩa đen vì mất khả năng trả món lãi quá lớn cho ngân hàng…
Còn giờ đây, bất chấp việc chính phủ vẫn quá ảo tưởng trong chỉ tiêu tăng trưởng 6,5 – 6,7% GDP cùng các chỉ số công nghiệp chỉ tiến không lùi, đa số các ngành hàng sản xuất và tiêu thụ hàng hóa ở Việt Nam vẫn nằm nguyên trạng trong năm thứ 9 suy thoái liên tiếp, tính từ năm 2008. Số doanh nghiệp thành lập mới được Tổng Cục Thống Kê báo cáo tăng, nhưng số doanh nghiệp phá sản hoặc phải tạm ngừng hoạt động cũng tăng không kém.
Chưa kể đến việc ngân hàng, dù đã tồn một đống tiền trong những năm qua, nhưng lại khăng khăng không chịu giảm lãi suất cho vay, trong lúc cố ép lãi suất tiền gửi xuống thấp thấp để hưởng chênh lệch tối ưu đến 5-6%, cao hơn hẳn mức chênh lệch bình quân chỉ 2% trên thế giới. Cái tư duy cực kỳ ích kỷ theo kiểu sống chết mặc bay như thế của ngân hàng đang khiến tất cả đều có nguy cơ chết chùm: cả doanh nghiệp lẫn ngân hàng.
Một trong những luồng vốn được xem là nhạy cảm nhất đối với hoạt động sản xuất là kiều hối từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Vào những năm trước, lượng kiều hối tăng khá mạnh, đỉnh điểm lên tới $13.5 tỷ vào năm 2015, trong đó khoảng 70% đầu tư vào sản xuất. Tuy nhiên vào năm 2016, lượng kiều hối về Việt Nam đã đột ngột giảm xuống còn $9 tỷ, và sau 6 tháng đầu năm 2017 còn giảm mạnh hơn nữa. Một doanh nghiệp ở Tây Âu cho biết nếu cách đây 5 năm, có đến 9 trong số 10 Việt kiều được hỏi đã dùng tiền nhàn rỗi để chuyển về Việt Nam để đầu tư, thì nay tỉ lệ này này hoàn toàn ngược lại: 9/10 Việt kiều dùng tiền nhàn rỗi để đầu tư ở nước ngoài, thay vì gửi về Việt Nam. Hiện tượng này đã phản ánh một sự thật: phần lớn sản xuất trong nước kém hiệu quả và bế tắc đầu ra.
Bài liên quan:
– Thấy gì từ việc Kho bạc nhà nước mang 160 ngàn tỷ gửi ngân hàng?
– Thời gian đang là kẻ thù của ngân sách Việt Nam
– Ngân hàng Nhà nước không ngăn nổi chuyển ngân lậu mà chỉ rình mò vàng phòng thân của dân?
Đầu ra lại càng khốn khổ khi chính phủ bất thần phi mã một chiến dịch đè đầu dân chúng và doanh nghiệp bằng đủ mọi sắc thuế mà khiến dân phải nhớ lại thời Pháp thuộc “chúng bòn rút dân ta đến tận xương tủy.” Ý chí thắt lưng buộc bụng của dân chúng cũng vì thế đang được “nâng lên một tầm cao mới,” càng khiến sức tiêu thụ và kéo theo sức sản xuất trì trệ hơn. Thảm thương thay, lòng tham tăng thuế để “bù đắp khó khăn ngân sách” đang khiến cái khó ló… cái ngu.
Đó cũng là tình thế mà một thủ tướng bị dư luận xem là “mơ ngủ” với “chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động” của ông Nguyễn Xuân Phúc đang lâm vào.
In tiền ồ ạt?
Từ giữa năm 2017 đến nay, ông Phúc đã liên tục đôn đốc Ngân Hàng Nhà Nước và Bộ Tài Chính “tìm cách huy động vàng và đô la trong dân.” Cùng với nhiều dấu hiệu khác, hiện tượng này càng cho thấy ngân sách nhà nước đã đến hồi bi kịch. Làm sao để có được ngoại tệ và vàng dùng cho trả nợ hàng chục tỷ đô la cho nước ngoài và bù đắp nhập siêu đến năm chục tỷ đô la mỗi năm từ “bạn vàng” Trung Quốc?
Thực ra, Ngân Hàng Nhà Nước đã âm thầm mua gom từ thị trường tự do được hàng chục tỷ đô la vào năm 2016. Tức cũng phải tung tiền đồng với giá trị vài trăm ngàn tỷ đồng ra thị trường, kéo theo lạm phát thực tế và cả lạm phát tâm lý buôn bán tăng vọt.
Trong khi đó, hệ thống ngân hàng những năm qua lại tràn ứ tiền. Nhưng chẳng có gì đáng tự hào khi đó là tiền đồng chứ không phải đô la.
Bởi Ngân Hàng Nhà Nước đã thu gom một phần đáng kể đô la từ ngân hàng, và thay vào đó là ngân hàng phải nhận tiền đồng từ Ngân Hàng Nhà Nước.
Rồi còn một nguồn cơn khác – rất có thể mang tính quyết định – mà đã khiến cho hệ thống ngân hàng không cách nào tránh được tình trạng tràn ứ tiền đồng: in tiền.
Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân Hàng Nhà Nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần “lạm phát in tiền” đã chiếm đến 10 – 15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây?
Tốc độ in tiền bất chấp lạm phát cũng lý giải việc tại sao trong những năm qua và đặc biệt trong mấy năm gần đây, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.
Trong trường hợp các ngân hàng thương mại buộc phải giảm lãi suất cho vay để cung tiền nhanh, thị trường sẽ ngập tiền. Tuy nhiên, dòng tiền đi vào khu vực nào, có vào sản xuất hay chủ yếu đổ vào hai khu vực đầu cơ truyền thống là chứng khoán và bất động sản, lại là một dấu hỏi rất lớn.
Từ đầu năm 2017 đến nay, với 500 ngàn tỉ đồng đã được các ngân hàng thương mại “bung ra,” hiện tượng rất dễ nhận ra là trong lúc sức sản xuất vẫn ì ạch, hai thị trường chứng khoán và bất động sản lại ồ ạt dân đầu cơ nhảy vào và vẫn đang tăng nóng – phần nào tái hiện hình ảnh sốt kinh hoàng của chúng vào năm 2007 và 2009.
Chính vào năm 2017 này, chính phủ của ông Nguyễn Xuân Phúc cũng có thể sẽ mang một danh nghĩa mới: “kiến tạo lạm phát.”
Chính sách quyết tâm tăng trưởng tín dụng 21-22%” sẽ kéo theo lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường, cho dù các báo cáo của chính phủ vẫn kiên định “chỉ số lạm phát được kềm giữ dưới 5%.” Lạm phát thực tế vốn đã lên đến vài chục phần trăm hàng năm, sẽ càng có cơ hội vùi nhân dân xuống hầm đau khổ.
Phạm Chí Dũng – Người Việt
Leave a Comment