Người dân kỳ vọng Hội nghị Trung ương 6 ĐCSVN (khóa XII) sẽ bàn và ra nghị quyết về những vấn đề quan trọng, trong đó có 3 chủ đề: Một là lộ trình cụ thể về chủ trương “tinh giảm biên chế”, trọng tâm là việc “nhất thể hóa” bộ máy Đảng và Nhà nước từ trung ương xuống địa phương; Hai là đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng (nhóm lò đốt củi tươi); Ba là tìm lối ra cho cuộc khủng hoảng ngoại giao với CHLB Đức sau việc Trịnh Xuân Thanh “về nước xin đầu thú”, dẫn đến việc Chính phủ CHLB Đức đình chỉ mối quan hệ đối tác chiến lược với VN và khiến Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và VN có thể bị đình hoãn.
Đây là vấn đề quan trọng và rất cấp bách. Song thật đáng tiếc, cả 3 chủ đề lớn và thiết thực này không được đưa ra bàn thảo. Thay vào đó, Hội nghị lại mang ra bàn những vấn đề xưa như cũ, tuy không phải là vô bổ, nhưng không thực chất và cấp thiết, đó là 2 chuyên đề “Dân số” và “Chăm sóc sức khỏe toàn dân”. Hai chuyên đề này đã làm “loãng” trọng tâm, làm “lệch” mục tiêu của Hội nghị. Đây là điều khiến người dân rất thất vọng, cho rằng chương trình nghị sự của Hội nghị đã bị cố tình làm loãng, làm chệch trọng tâm, lẩn tránh những vấn đề gay cấn và cấp bách. Nhiều nhà quan sát nhận định hình như có sự dàn xếp và thỏa thuận ngầm giữa các phe nhóm tại Hội nghị Trung ương 6 (HNTW6). Tiến sĩ Phạm Chí Dũng nghi là có thỏa thuận ngầm tại HNTW6 còn nhà báo Thiện Tùng lại cho rằng nếu có thỏa thuận ngầm thì nó xảy ra trước HNTW6 chứ không phải trong HNTW6.
Do vậy, dù có tuyên truyền HNTW6 thành công và thắng lợi đến đâu đi nữa thì người dân sẽ không dễ tin. Có lẽ thắng lợi cụ thể và nổi bật nhất của HNTW lần này là ĐCSVN đã thành công khi kỷ luật được ông Nguyễn Xuân Anh qua việc cách chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và cho thôi chức Ủy viên Trung ương đảng đối với ông này. Nhưng rất nhiều trường hợp tương tự khác, mức độ còn lớn và nghiêm trọng hơn nhiều thì không thấy ĐCS đề cập. Người dân không thể đòi hỏi, vì đây là chuyện nội bộ của ĐCS. Còn việc ông Nguyễn Xuân Anh có vi phạm pháp luật, có tham nhũng hay không thì cơ quan pháp luật chưa kết luận nên người dân không vội đánh giá. Mọi việc sẽ sáng tỏ khi các cơ quan tố tụng vào cuộc.
Người dân phát hiện một chi tiết đáng chú ý là trong diễn văn bế mạc sáng hôm 11-10-2017, đúng 3 ngày sau khi công bố quyết định kỷ luật ông Nguyễn Xuân Anh, TBT Nguyễn Phú Trọng đưa ra đánh giá: “Dư luận đại đa số cán bộ, đảng viên và nhân dân cho rằng đây là mức kỷ luật vừa nghiêm khắc vừa nhân văn, thấu lý đạt tình, tâm phục khẩu phục, có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa chung rất sâu sắc”. Người viết bài này “thán phục” ông TBT vì đã nhanh chóng nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của dân chúng nhưng độ chính xác đến đâu thì cần bàn vì ĐCS đâu đã tiến hành khảo sát hoặc nắm tình hình? Trong buổi tiếp xúc cử tri quận Tây Hồ và Ba Đình sáng 12-10-2017, TBT Trọng còn tiết lộ: “Lần đầu tiên, người bị kỷ luật còn cảm ơn vì đã kỷ luật tôi”. Rất nhiều người hồ nghi. Người viết bài này đặt nghi vấn “người cảm ơn” đó là ai? Có thật không? Phải chăng người đó là Đinh La Thăng, nếu không thì là Nguyễn Xuân Anh? Ông TBT ngại gì mà không nêu rõ danh tính người đó?
Một điều rất đáng chú ý nữa là trong diễn văn bế mạc nói trên, TBT Trọng kêu gọi 199 ủy viên trung ương và toàn thể đảng viên của ĐCSVN “hãy tránh xa những cám dỗ vật chất, tham vọng, tránh đi vào vết xe đổ, để tay nhúng chàm, và nếu đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa”. Như vậy, rõ ràng là qua lời kêu gọi này, TBT Trọng đã gửi tới những kẻ “đã trót nhúng chàm” (phải hiểu tuyệt đại đa số bọn chúng là những kẻ tham nhũng), một thông điệp không thể rõ ràng hơn là ĐCSVN đã quyết định khép lại quá khứ, không mang ra xem xét kỷ luật và không hồi tố, chỉ yêu cầu các đồng chí “đã trót nhúng chàm rồi thì tự giác gột rửa”. TBT của ĐCS còn nhấn mạnh hơn khi tuyên bố: “Từ nay trở đi, bất cứ trường hợp nào mà vi phạm kỷ luật, chúng ta phải xử lý nghiêm, làm nghiêm từ trên xuống dưới để giữ vững kỷ cương, kỷ luật của Đảng, để lấy lại và củng cố lòng tin và tình thương yêu, quý trọng của nhân dân”.
Như vậy thật là rõ! Đây là quyết định “không hồi tố” của ĐCS và quyết định này có thể “có tác dụng giáo dục, cảnh tỉnh, cảnh báo, phòng ngừa rất sâu sắc” như mong muốn của TBT Trọng. Nhưng quyết định này chỉ đúng khi ĐCS áp dụng đối với những đảng viên tham nhũng, tham ô tiền bạc, công quỹ của riêng ĐCS mà thôi. ĐCS có thể không kỷ luật, không hồi tố và “xí xóa” trách nhiệm pháp lý cho số đảng viên này vì đây là tiền của ĐCS, tài sản của riêng ĐCS, ĐCS có quyền làm theo ý ĐCS còn bọn tham nhũng mà 99% là cán bộ, đảng viên có chức có quyền thì lại khác. Bọn này nay đã trở thành bầy sâu, tập đoàn sâu, đã ăn cắp tiền bạc, tài sản, cướp đất đai, nhà cửa, ruộng vườn của dân. Đây là tội danh hình sự, phải bị pháp luật trừng phạt. Còn người dân là chủ thể bị hại, họ phải được hỏi ý kiến chứ ĐCS không có quyền đơn phương quyết định thay họ và thay cho pháp luật để “xí xóa”, tha bổng cho bọn chúng được.
Bài liên quan:
– Hội nghị TƯ 6: Đầu voi đuôi chuột
– Kết thúc Đại Hội 6: Dân ta tiếp tục ăn bánh vẽ
– Hội nghị TƯ 6: Chỉ ‘diệt ruồi’ và ‘đổi mới chính trị’
Nếu ĐCSVN thực sự muốn giữ lòng tin của người dân thì phải hành động hợp với lòng dân, không được làm trái lòng dân. Chính TBT Trọng đã nói trong diễn văn bế mạc HNTW6 sáng 11-10-2017: “Cần khẳng định, Đảng làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn! Ngược lại, nếu làm trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả. Vâng, muốn tồn tại thì ĐCS phải làm hợp lòng dân, làm trái lòng dân thì ĐCS chắc chắn sẽ sụp đổ. Xin dẫn lại câu nói trên của ông TBT để thay cho lời kết của bài viết này.
Hà Nội, ngày 17-10-2017
Nguyễn Đăng Quang – Blog Bauxite Việt Nam
Leave a Comment