Quảng Cáo

Nền kinh tế Việt Nam đang thoi thóp

Ảnh: Internet

Quảng Cáo

Hết tiền, chảy máu ngoại tệ, chảy máu chất xám, kiều hối giảm 60% là đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017.

Ba vấn nạn nói trên cho thấy căn bệnh cấp tính của nền kinh tế “dưới định hướng Xã hội chủ nghĩa” đang ở mức nguy kịch. Ngoài ra, nền kinh tế Việt Nam còn bị những biến động của tình hình thế giới – cả chính trị lẫn kinh tế – tác động mạnh. Ảnh hưởng này tốt xấu ra sao, đó chính là điều mà bài phân tích này muốn nêu ra trong bối cảnh hiện nay của đất nước.

Nguồn vào giảm, nguồn ra tăng

1/ Kiều hối giảm mạnh: Kiều hối về VN đã sụt giảm mạnh sau 25 năm gia tăng gấp 100 lần – từ 140 triệu Mỹ Kim (MK) năm 1993 lên tới cao điểm 13,3 tỷ MK năm 2015 – đã rớt xuống 9 tỷ MK năm 2016, và sẽ chỉ còn khoảng 5,4 tỷ MK năm 2017 theo ước tính dựa trên 6 tháng đầu năm của Pew Research Center.

Ngoài số tiền do người Việt ở khắp nơi trên thế giới và nhân công xuất khẩu gởi tiền về giúp thân nhân (có khoảng 5 triệu người VN sống hoặc ra hải ngoại làm việc), cũng có người đem tiền về đầu tư tại VN. Nhưng nguồn tiền này càng ngày càng giảm vì lỗ lã và độ rủi ro gia tăng đối với Việt kiều.

Theo bản tin của AP ngày 9 tháng 3, 2017, kiều hối gởi về VN có thể bị ảnh hưởng mạnh là do chính sách thắt chặt nguồn di dân và nhân công vào nước Mỹ, và ngăn chặn dòng tiền ra khỏi Mỹ của chính quyền Donald Trump.

Kinh tế gia Nguyễn Minh Phong tại VN cũng cho biết lượng kiều hối giảm vì ngân hàng VN đã giảm tiền lời từ 5%-6% xuống 0% trả cho những khoản ngoại tệ gởi vào ngân hàng. Do đó, tiền được giữ lại hải ngoại để đầu tư hoặc kiếm lời tại các ngân hàng nước ngoài.

2/ Chảy máu ngoại tệ: Dòng tiền chảy ra khỏi Việt Nam là để đầu tư – nhất là vào lãnh vực địa ốc, để “mua” cư trú ở hải ngoại, du học, du lịch, chữa bệnh, buôn lậu, và… đánh bài, cá độ.

Ảnh: Đầu Tư Chứng Khóan.

Việt Nam đã mất khoảng 33 tỷ MK ngoại tệ chuyển phi pháp ra nước ngoài từ 2008-2013, tức trung bình hơn 6,5 tỷ MK một năm. Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một cựu chuyên gia cao cấp về thống kê của Liên Hiệp Quốc cho biết như vậy (13/2/2015), và con số này đã gây sốc cho giới chức Hà Nội.

Dòng tiền thất thoát này tăng tới 9 tỷ Mỹ Kim vào năm 2009, giảm đôi chút rồi tăng trở lại 9 tỷ Mỹ Kim vào năm 2013. Có hai lý do giải thích sự thất thoát này, đó là những người giầu có đã đưa tiền một cách phi pháp ra nước ngoài, và số lớn khác dùng để trả tiền buôn hàng lậu từ Trung Quốc (số tiền này lên tới 11,7 tỷ MK năm 2013, tương đương với 10% hàng nhập cảng).

Chuyển tiền phi pháp và buôn hàng lậu lên tới bạc tỷ như vậy chắc chắn phải có sự chống lưng của các quan chức nhà nước cấp cao, và ảnh hưởng tai hại không ít tới nông dân cùng các thương vụ nhỏ của Việt Nam.

Nếu đồng Mỹ Kim tiếp tục tăng giá, dòng tiền chảy về Mỹ đầu tư sẽ tiếp tục, đồng thời áp suất tăng tiền đồng cũng khiến xuất cảng từ VN giảm vì hàng hóa bán ra đắt hơn và không cạnh tranh nổi với các quốc gia láng giềng.

Theo tài liệu của Hiệp hội quốc gia chuyên viên địa ốc Mỹ (NAR) công bố ngày 18 tháng 7, 2017, thì dòng tiền từ Việt Nam vào Mỹ để đầu tư bất động sản chiếm 2% (tương đương 3,06 tỷ MK), xếp hạng thứ 6 trong số các dòng tiền trên thế giới đổ vào mua nhà ở Mỹ, tăng 2 bậc so với năm 2016 và ngang hàng với các nước Đức, Nhật Bản. Ngoài ra, bài báo Nhân Dân ngày 8 tháng 8, 2017 báo động về hiện tượng chảy máu ngoaị tệ còn cho biết, một trong những hoạt động có chiều hướng gia tăng bên cạnh đầu tư vào thị trường Mỹ và Châu Âu là lãnh vực du học và di trú.

Theo nhiều nguồn thống kê, chỉ riêng dòng ngoại tệ chảy khỏi Việt Nam để mua nhà, du lịch, học tập và chữa bệnh ở nước ngoài mỗi năm lên đến hàng chục tỷ Mỹ kim, gần tương đương với khoản kiều hối chuyển về VN (9 tỷ MK), bằng hai phần ba lượng vốn ngoại quốc FDI đầu tư trong năm 2016 (15,8 tỷ MK, mức cao nhất từ trước đến nay). Bộ Y tế cho biết có tới 40.000 người Việt Nam đã chi khoảng 2 tỷ USD ra nước ngoài khám và chữa bệnh, chủ yếu là sang Singapore, Thái Lan, Nam Hàn, Nhật Bản, Pháp…

Thống kê Ngân hàng Nhà nước VN (NHNN) cho biết lượng ngoại tệ từ Việt Nam chảy ra nước ngoài là 14,2 tỷ MK trong năm 2015; trong số này, 4,6 tỷ MK là từ chính các ngân hàng trong nước gởi vào ngân hàng ngoại quốc để lấy lời. Từ quý I-2013 tới quý II-2016, đã có 30,67 tỷ MK được chuyển ra nước ngoài.

Còn một số tiền rất lớn chảy qua Mỹ và một số nước khác, đó là người Việt Nam đầu tư để được cấp thẻ xanh theo diện dành cho các nhà đầu tư nước ngoài. Nếu ở Mỹ theo diện EB-5 thì bỏ ra từ 500 ngàn đến 1 triệu Mỹ Kim. Đa số người giầu có ở Việt Nam và Trung Quốc đã di dân vào Mỹ theo lối này. Theo thống kê của Công ty Tư vấn đầu tư EB-5 có văn phòng giao dịch tại phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), số lượng visa định cư Mỹ diện đầu tư EB-5 gia tăng từ 121 visa (năm 2014) lên 280 visa (năm 2015) và 334 visa năm 2016. Với số lượng visa mới này, Việt Nam đứng thứ hai chỉ sau Trung Quốc.

Sự kiện nói trên cho thấy là những người giàu ở Việt Nam và cả Trung Quốc đều là những quan chức, thân nhân hoặc móc ngoặc với chế độ đã tìm cách tẩu tán tài sản ra bên ngoài bằng con đường EB-5.

3/ Chảy máu chất xám: Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cuối năm 2015 cho biết có 110.000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại 47 quốc gia với tổng số học phí khoảng 3 tỷ MK/năm. Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, con số năm 2016 là 130.000 người.

Trong số du sinh này có đến 90% là du học tự túc, còn lại là du học có học bổng. Hầu hết sinh viên đi du học xong không trở về nước. Có nhiều nguyên nhân, nhưng hai lý do chính là môi trường làm việc và lương bổng chưa tương xứng với trình độ và tài năng của họ.

Hầu hết du học sinh sau khi ra trường không trở về nước. Ảnh minh họa từ internet.

Đặc biệt là ở Việt Nam, hiện tượng con ông cháu cha hoặc quen biết lớn được ưu đãi, bất kể khả năng, hệ thống quan liêu và gia trưởng trong điều hành – lệnh của cấp trên là tuyệt đối, mà không đánh giá cao tính độc lập, sáng tạo, tự do tranh luận như ở nước ngoài, khiến du học sinh không muốn trở về vì không được trọng dụng và thi thố tài năng ngay trên quê hương mình. Từ đó dẫn đến thực trạng chảy máu chất xám và kéo theo chảy máu ngoại tệ cho việc du học.

4/ Thâm thủng mậu dịch: Việt Nam hưởng thặng dư mậu dịch $2.7 tỷ năm 2016 – một điều hiếm hoi trong nhiều năm qua, nhờ tăng xuất khẩu và giảm nhu cầu nhập khẩu. Tuy nhiên, dự đoán cho năm 2017 sẽ là thâm thủng mậu dịch do đồng Mỹ Kim lên giá, tạo áp suất tăng giá tiền đồng khiến hàng xuất khẩu trở nên đắt đỏ hơn và mức xuất khẩu giảm đưa đến thâm thủng. Mức thâm thủng mậu dịch trong 6 tháng đầu 2017 là 2,7 tỷ MK.

Trung Quốc là thị trường lớn nhất trong số các quốc gia có thương giao với Việt Nam. Nhưng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc cũng lớn nhất – tăng lên con số kỷ lục là 32 tỷ trong năm 2015.

So sánh với các nước trong ASEAN, Malaysia và Thái Lan đều có thặng dư mậu dịch với Trung Quốc, trong khi đó mức thâm thủng mậu dịch của Indonesia và Philippines đối với TQ không đáng kể, chỉ khoảng dưới 5 tỷ MK vào năm 2013.

Theo đại biểu Mai Hữu Tín, thâm hụt thương mại Việt Nam với Trung Quốc năm 2016 là 43,8 tỷ MK, cao hơn gần 15 tỷ MK so với con số 29,8 tỷ MK mà Việt Nam công bố. Đại biểu này cho rằng, sự chênh lệch trong thống kê báo hiệu một thực tế là một lượng lớn hàng hóa Trung Quốc đã được nhập lậu vào thị trường Việt Nam và đây là một điều nguy hiểm.

World Bank sẽ chấm dứt ưu đãi cho Việt Nam vay ODA kể từ tháng 7/2017; do đó, nhà nước Việt Nam sẽ phải mượn tiền ở mức lời cao hơn và thời hạn ngắn hơn. Điều này sẽ ảnh hưởng lên tổng số ngoại hối cần thiết. Song song với dòng kiều hối tuôn ra hải ngoại hoặc tàng trữ trong dân nhưng không huy động được (ước tính trên 500 tấn vàng, chưa kể ngoại hối) sẽ đưa đến tình trạng co cụm kinh tế vì không có tiền đầu tư, không có tiền trả nợ, không có tiền trả lương nhân công nhà nước … và cuối cùng là phá sản. Nợ công của Việt Nam tiếp tục tăng cao với con số chính thức là 115,6 tỷ MK, tương đương với 65% GDP (số thực có thể cao hơn rất nhiều).

Ảnh hưởng tiêu cực từ bất ổn địa chính trị

Theo Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế-xã hội Quốc gia, kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh kinh tế quốc tế diễn biến phức tạp, bao gồm bất ổn địa chính trị thế giới, xu hướng gia tăng bảo hộ mậu dịch, đặc biệt tại Hoa Kỳ vì Mỹ là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam với kim ngạch thặng dư.

Chính sách “co cụm” của Mỹ dưới thời Donald Trump đã tạo cơ hội cho Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng trong vùng, kể cả những thao túng trên Biển Đông. Sự kiện Bắc Kinh bắt Hà Nội phải hủy hợp đồng khai thác dầu khí trong lãnh hải Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha, trị giá hàng tỷ MK là một ví dụ.

CSVN tiếp tục lệ thuộc kinh tế Trung Quốc với thâm thủng mậu dịch dài hạn, trong khi đó xuất cảng qua Mỹ sẽ bị thu hẹp do chính sách bảo hộ mậu dịch của Mỹ khiến mức thặng dư mậu dịch với Mỹ bị sút giảm, và tổng thâm thủng mậu dịch gia tăng.

Những điểm nóng trong vùng, như tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Bắc Hàn, khiến vai trò trung gian của Trung Quốc gia tăng đối với Hoa Kỳ và thế giới. Từ đó, Trung Quốc càng dễ dàng thao túng ảnh hưởng chính trị hơn đối với các quốc gia lân cận.

Bên cạnh những thay đổi của điạ chính trị, CSVN Việt Nam hiện đang phải cạnh tranh nguồn vốn này với các đối thủ truyền thống trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan, Indonesia, đồng thời với một số quốc gia mới nổi như Philippines, Lào và Miến Điện.

HSBC là một trong hàng loạt ngân hàng ngoại quốc rút khỏi Việt Nam gần đây. Ảnh: Bộ Công Thương.

Về nhược điểm, môi trường kinh doanh của Việt Nam bị các doanh nghiệp ngoại quốc nhận xét là kém hấp dẫn hơn về các yếu tố như tham nhũng, quy định pháp luật và hành chánh nhiêu khê, phẩm chất dịch vụ công thấp (như giáo dục, y tế và dịch vụ công ích) và độ tin cậy của cơ sở hạ tầng thấp.

Các nhà đầu tư ngoại quốc xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Cam Bốt và Lào. Nghiên cứu của các chuyên gia Viện CIEM chỉ ra rằng hàng xuất khẩu Việt Nam chỉ hơn được Indonesia về tỷ lệ công nghệ cao, còn lại đều kém một số nước ASEAN và bị bỏ xa so với Nam Hàn và Nhật bản.

So với Trung Quốc, Việt Nam bị đánh giá là thiếu nhân công có trình độ công nghệ cao. Do đó, các hoạt động đầu tư vào Việt Nam chỉ gồm các sản phẩm rẻ tiền như quần áo và phụ tùng xe hơi, trong khi đó Trung Quốc thu hút những đầu tư vào mặt hàng cao cấp như máy điện toán, hàng điện tử. Từ những yếu kém này, VN đã trở thành bãi đáp công nghệ thấp cho các nhà đầu tư TQ, vì giá lao động rẻ, và quản lý dễ dãi về an toàn, vệ sinh, môi trường.

Theo số liệu do Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) vừa công bố, trong số 61 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án FDI tại Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2017, Trung Quốc đã vượt qua Hàn Quốc, Nhật Bản để trở thành đối tác lớn thứ 2 về FDI của Việt Nam sau Singapore. Các nhà đầu tư đến từ Trung Quốc đã đăng ký thực hiện 123 dự án tại Việt Nam và 174 lượt mua cổ phần, chiếm 21,1% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Trước thông tin đến tháng 7-2017 Việt Nam sẽ không còn được vay theo điều kiện ưu đãi của ODA mà phải theo điều kiện thị trường, TS Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng vốn từ Trung Quốc sẽ đổ vào Việt Nam nhiều hơn, và VN sẽ lại càng thêm lệ thuộc kinh tế vào TQ.

Kết luận

Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhận định những thách thức mà nền kinh tế phải đối mặt trong năm 2017 sẽ vô cùng to lớn và khó khăn hơn năm 2016.

Ngoài các vấn nạn thiên tai, hạn mặn, lũ lụt, thời tiết bất thường, những điều kiện căn bản để phát triển nông nghiệp vẫn còn kém cỏi, khó khăn. Bài học đáng chú ý là tình hình kinh tế Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn lớn, phải điều chỉnh mạnh mô hình hiện tại, và phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Chắc chắn những diễn biến tiêu cực của nền kinh tế Trung Quốc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng lên Việt Nam – đối tác thương mại lớn nhất của TQ trong khối ASEAN.

Những vấn nạn cốt lõi mà VN phải đương đầu là nợ công tăng nhanh, nợ xấu ngân hàng gia tăng vì doanh nghiệp vỡ nợ ở tỷ lệ quá lớn (từ 70.000 – 80.000 trên 110.000 doanh nghiệp ra đời năm 2016 phải đóng cửa), lãng phí trong chi tiêu và đầu tư với hàng chục dự án nghìn tỉ rồi bỏ mặc vì mục tiêu là “rút ruột” dự án để làm giàu cá nhân.

Trong bối cảnh nói trên, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục lệ thuộc vào Trung Quốc. Điều này phản ảnh rất rõ trong chuyến viếng thăm Trung Quốc vào đầu tháng 5, 2017 của ông Trần Đại Quang khi đưa ra mục tiêu nâng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam – Trung Quốc từ 72 tỷ USD lên 100 tỷ USD/năm.

Nói tóm lại, với tình trạng thoi thóp của nền kinh tế hiện nay, nhà cầm quyền Hà Nội không có khả năng cải thiện mà càng lúc càng lún sâu vào vòng lệ thuộc Bắc Kinh, khi mà Trung Quốc tìm mọi cách khống chế CSVN và ngăn chặn ảnh hưởng của Hoa Kỳ.

Nguy cơ lệ thuộc kinh tế quá nhiều vào TQ đã từng được Đại biểu quốc hội Trương Trọng Nghĩa cảnh báo: “Thua kém có nhiều mức độ, nhưng lệ thuộc về kinh tế là sự thua kém đáng sợ nhất, nhất là khi nó đi kèm với mối đe dọa về chủ quyền lãnh thổ.”

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux