Quảng Cáo

Quy định đầu tiên về luân chuyển cán bộ: gia tăng tập quyền trung ương?

Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng CSVN. Ảnh: EPA/LUOING THAI LINH

Quảng Cáo

Tuy nhiên, những ưu điểm nêu trên cũng dẫn đến một lo ngại là với quy định này, trung ương sẽ quản lý luôn cả tính chủ động của địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế – xã hội.

Quy định đầu tiên của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, cụ thể hóa Nghị quyết Trung ương 3 (Khóa VIII) về “Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị (Khóa IX) về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo và quản lý đã ra đời vào ngày 7/10.

Quy định này được kỳ vọng sẽ trợ giúp các tiêu chuẩn đầu vào của lãnh đạo cấp cao (trung ương) mà trước đó ông Nguyễn Phú Trọng cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã gật đầu đồng ý.

Hai yếu tố mang tính nổi bật nhất của Quy định này là: Chỉ luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý, không luân chuyển cán bộ làm công tác chuyên môn, nghiệp vụ (trừ trường hợp nhằm mục đích tăng cường cán bộ cho cơ sở, cho lĩnh vực hoặc địa bàn cần thiết).

Thứ hai là, không điều động về Trung ương, về địa phương hoặc sang địa phương khác những cán bộ bị kỷ luật, năng lực yếu, uy tín giảm sút, không có triển vọng phát triển.

Thực tế nhìn vào, cả hai quy định này có thể giúp cho trung ương trở thành một khối mang tính vững mạnh hơn, nhưng nhìn sang trường hợp ông Nguyễn Xuân Anh thì Quy định này sẽ gia tăng tính tập quyền trung ương và đảm bảo cho khối địa phương không còn tính “bật” trung ương như trong thời gian vừa qua. Nói đúng hơn, nó gia cố nguyên tắc tập trung quyền lực và sự thống nhất trong đảng.

Với trường hợp Đà Nẵng, truyền thống bật lại trung ương không phải có từ thời ông Nguyễn Xuân Anh, mà trước đó, trong thời kỳ ông Văn Hữu Chiến làm chủ tịch TP. Đà Nẵng (2013), thành phố này từng bật lại kết luận của Thanh tra Chính phủ về vấn đề sai phạm đất đai, đến mức, Phó Tổng thanh tra chính phủ lúc ấy là ông Nguyễn Đức Hạnh đã lên tiếng răn đe: Đây là kết luận cuối cùng của Thủ tướng Chính phủ và Đà Nẵng bắt buộc phải thực hiện.

Nguyễn Thanh Nghị (trái), con trai cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Xuân Anh, con trai cựu chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ủy viên BCT.

Nhưng với quy định lần này, chính quyền địa phương sẽ bị khắc chế, ít nhất là những tiền đồ chính trị trẻ. Diện bao phủ của quy định này dù rộng đến mấy, thì nó vẫn tập trung vào những thái tử đỏ, vốn được cho là “ngông cuồng” trước bệ đỡ của dàn cha chú cách mạng. Ngoài ra, quy định này cũng tập trung răn đe gián tiếp tình hình Kiên Giang, nơi có con trai của ông cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang giữ chức Bí thư tỉnh ủy. Nếu quan điểm của lãnh đạo địa phương không đồng nhất với quan điểm Trung ương, thì lãnh đạo địa phương dễ dàng bị chụp mũ là “năng lực yếu” hoặc không có triển vọng phát triển.

Nói một cách khác, quy định này trước mắt sẽ nhanh chóng khép lại tiền đồ chính trị của ông Nguyễn Xuân Anh, răn đe trực tiếp đối với những vị hạt giống đỏ còn lại. Xa hơn, đây là một Quy định nhằm cải thiện hình ảnh của ĐCSVN trước mắt dư luận xã hội, tạm thời khắc chế quy trình: kỷ luật lại lên trung ương. Nó sẽ thúc đẩy khâu quản lý, giám sát, đào tạo cán bộ trở nên chặt chẽ hơn.

Vấn đề là, dù mang tính “chặt chẽ” về câu từ, thì cả Quy định vẫn chưa rành mạch về cơ quan nào sẽ đứng ra giám sát việc luân chuyển cán bộ trên cơ sở thực hiện các quy định này. Nhưng nhiều suy đoán cho thấy, Ủy ban kiểm tra trung ương sẽ là một tổ chức đứng sau để rà soát công tác thực hiện và đảm bảo các cá nhân không đạt chuẩn sẽ không được tiếp cận chức vụ trung ương trong tương lai. Và như thế, tổ chức kiểm tra đảng đang trở lại quyền lực như cái tên vốn có của nó – sức chiến đấu và lãnh đạo của ĐCSVN bắt đầu len lỏi trở lại.


Bài liên quan:
Một quy định đen tối thâu tóm quyền lực
Kỷ luật Nguyễn Xuân Anh: không bất ngờ


Cũng phải đề cập thêm, quy định này có phần tương tự như cách mà Trung Quốc đang xem xét lại tư cách và tiền đồ của các “hạt giống đỏ” khi mà ĐH 19 sắp tới của ĐCSTQ sẽ không có sự tham dự của tướng Mao Tân Vũ (cháu nội cố Chủ tịch Mao Trạch ĐÔng), đô đốc Lưu Hiểu Giang (con rể cố TBT Hồ Diệu Bang), tướng Lưu Nguyên (con trai của cố Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ),… Tức thế hệ lãnh đạo kế tiếp sẽ “chọn lọc” hơn thay vì sự “nghiễm nhiên”.

Tuy nhiên, những ưu điểm nêu trên cũng dẫn đến một lo ngại là với quy định này, trung ương sẽ quản lý luôn cả tính chủ động của địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế – xã hội. Trở lại với vấn đề Đà Nẵng, thành phố này đang liên tục đề xuất với trung ương về thí điểm thực hiện chính quyền đô thị trong đó nổi bật là: xem xét không duy trì mô hình ba đảng bộ các cơ quan cấp quận, huyện như hiện nay. Thông qua việc này, thì tính tự chủ của thành phố trong quyết định chính trị sẽ tăng lên, dựa trên sự cấp bách và thách thức của chính chính quyền đó đang đối mặt (như quản lý, quy hoạch, an sinh xã hội). Nghĩa là đã có sự phân quyền trong bộ máy nhà nước. Nhưng với quy định mang tính tăng cường sự thống nhất, chỉ đạo và lãnh đạo của đảng nêu trên, thì rõ ràng, tính tự chủ địa phương cũng sẽ ít nhiều phải e dè, đó là chưa kể xu hướng muốn giữ phần chi tài chính cho địa phương thay vì nộp phần nhiều cho trung ương như thực trạng đang diễn ra ở TP. Hồ Chí Minh.

Ngoài ra, câu chuyện quy định nêu trên còn vướng mắc thêm một điểm, nó chỉ điều chỉnh đối tượng là cán bộ có tiềm năng và trẻ. Vậy những cán bộ già và có xu hương vun vét cá nhân như ông Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Phạm Thế Dũng – người từng thách thức luật pháp khi về hưu lại không bị ảnh hưởng, và điều này làm gia tăng tính “hoàng hôn nhiệm kỳ” trong đội ngũ cán bộ. Tiếp theo, những cán bộ nếu không luân chuyển lên Trung ương thì sẽ luân chuyển đi đâu thì Quy định chưa nói rõ, nếu chỉ xoay tua từ địa phương này sang địa phương khác thì tình hình trung ương dù có vững, thì địa phương cũng nát, và như thế tổng thể chung của đất nước vẫn không thể phát triển bền vững được.

Kỳ Lâm – VNTB (ijavn.org)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux