Chỉ một ngày trước lễ quốc khánh Việt Nam 2/9 năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã tung một đòn hiểm hóc và tước luôn quyền được “nghỉ lễ” của khá nhiều nhân vật thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN).
Ngày 1/9, Cơ quan Cảnh sát điều tra – Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt các đối tượng trong vụ án Cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại PVN.
Mục đích của chiến dịch bắt quan chức kinh tế mới nhất này đã được công khai: điều tra mở rộng (giai đoạn II) vụ án Hà Văn Thắm, nguyên Chủ tịch HĐQT OceanBank và đồng phạm.
Theo đó, các ông Nguyễn Xuân Sơn, nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Ninh Văn Quỳnh, nguyên Kế toán trưởng PVN, hiện là Phó Tổng giám đốc PVN; Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Thanh Liêm, Vũ Khánh Trường, nguyên Thành viên Hội đồng thành viên PVN đã có hành vi Cố ý làm trái gây thiệt hại 800 tỷ đồng trong việc PVN góp vốn điều lệ vào OceanBank.
Chiến dịch bắt bớ trên có vai trò và ý nghĩa quan trọng như thế nào trong công cuộc được xem là “chống tham nhũng” của Tổng bí thư Trọng?
Nếu vụ Hà Văn Thắm – Ngân hàng Đại Dương được xem là “đại án” thì có lẽ vụ PVN khi lôi ra tòa sẽ trở thành “đại đại án”.
Tháng Ba năm 2017, việc Hội đồng xét xử tạm ngưng xử vụ “Hà Văn Thắm và đồng bọn” để trả hồ sơ và yêu cầu điều tra làm rõ hơn một số vụ việc, trong đó có số tiền 800 tỷ đồng “biến mất” mà trước đây PVN đã góp vào Ngân hàng Đại Dương, cho thấy chiến dịch “chống tham nhũng” của Tổng Bí thư Trọng không hề muốn “khoanh” vụ án chỉ nằm trong phạm vi ngân hàng này như một số đồn đoán trước đây.
Mà còn “phát triển” đến PVN – mảnh đất từ đó đi lên của ông Đinh La Thăng…
Đinh La Thăng lại là lãnh đạo Tập đoàn PVN giai đoạn 2006 – 2011, thời kỳ của con số 800 tỷ đồng biến mất không dấu vết.
Có một nét gì đó khá tương đồng của ông Đinh La Thăng với hai kỳ lễ lớn ở Việt Nam: chỉ ít ngày trước thời điểm 30/4 – 1/5 năm 2017, Ủy ban Kiểm tra trung ương đã bất ngờ công bố một bản kết luận kiểm tra về tình hình tài chính của PVN với nhiều sai phạm được xem là nghiêm trọng của ông Đinh La Thăng. Hai tuần sau đó, Hội nghị trung ương 5 đã quyết định truất phế ông Thăng khỏi chức vụ ủy viên bộ chính trị và cái ghế bí thư thành ủy TP.HCM.
Bài liên quan:
– Liệu ông Thăng có thoát được ‘quy trình 5 bước’?
– Ông Nguyễn Phú Trọng quyết liệt chống tham nhũng?
– Thăng về Ban Kinh tế TW với Bình: ‘Nhốt quyền lực vào lồng’
Nhưng vẫn chưa hết. Ít ngày sau, công luận lại một lần nữa ồn ào như ong vỡ tổ. Nguyễn Phú Trọng – người còn có ý khen Đinh La Thăng vào nửa đầu năm 2016 nhưng lại đổi ý kỷ luật ông Thăng vào nửa đầu năm 2017 – đã bóng gió với cử tri Hà Nội rằng việc kỷ luật Đinh La Thăng mới chỉ là xử lý về mặt đảng, còn “hình sự ta đang làm”.
Còn lần này là “lễ 2/9”. Một lần nữa, ông Đinh La Thăng không còn tâm trạng nào mà “nghỉ lễ”. Vụ Bộ Công an bắt hàng loạt quan chức của PVN vào ngày 1/9 đã như một bóng đen kề sát cửa nhà ông Thăng.
Hiện thời, Đinh La Thăng vẫn còn giữ được chức ủy viên trung ương. Song vị thế này đang quá đỗi mỏng manh khi ông Thăng chỉ được đảm nhiệm chức vụ Phó ban Kinh tế trung ương – cơ quan đang sở hữu một nhân vật đặc biệt mang chức trưởng ban: cựu thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Bình – từng một thời được xem là cánh tay mặt của “anh Ba Dũng”.
Hình như “ông giáo làng” Nguyễn Phú Trọng đã quyết định chơi một đòn thâm nho. Ai nhìn vào Ban kinh tế trung ương cũng hiểu ra rằng đó là nơi để “nhốt quyền lực vào lồng” – cụm từ mà theo một tác giả thì Tổng bí thư Trọng đã mượn của Tập Cận Bình Trung Quốc và rất sính dùng.
Câu chuyện đã rất rõ: Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm về 800 tỷ đồng của PVN đã biến mất trong Ngân hàng Đại Dương. Tương lai rất cận kề đối với ông Thăng là quy trình tố tụng hình sự. Khi đó, ông Thăng sẽ chắc chắn phải “ra tòa” một lần nữa. “Tòa án” vẫn lại là Ban chấp hành trung ương. Nhưng thay vì chỉ bỏ phiếu kỷ luật như lần trước, các ủy viên trung ương sẽ phải bấm bụng quyết định để ông Thăng không còn là “đồng đảng” của mình theo ý chỉ của Bộ Chính trị.
Một khi mất cả chức ủy viên trung ương, Đinh La Thăng còn có thể bị tước cả đảng tịch, sau đó đương nhiên bị bãi miễn tư cách đại biểu quốc hội.
Đó chính là một tiền đề của quy trình tố tụng hình sự: một quan chức đã bị khai trừ đảng và mất ghế đại biểu quốc hội thì đương nhiên không còn “quyền bất khả xâm phạm”. Để khi đó, cơ quan điều tra pháp luật có thể “tùy nghi xâm phạm”.
Trong trường hợp tồi tệ, Đinh La Thăng Việt Nam có thể trở thành Bạc Hy Lai Trung Quốc.
Năm 2012, Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai bị cách chức, để sau đó đã bước đi tuần tự, “đúng quy trình”, bị bắt giam và cuối cùng phải ra tòa nhận án đến chung thân.
Thiền Lâm – Cali Today
Leave a Comment