Các chuyên gia dầu khí nước ngoài, theo báo chí ngoài nước, đã tỏ ra bất ngờ trước việc chính phủ Việt Nam bất ngờ và nhanh chóng xuống thang (yêu cầu ngừng khoan thăm dò và khai thác) trong vụ việc giàn khoan của hãng Repsol đang khoan thăm dò dầu khí ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc lô 136 trên thềm lục địa Việt Nam- địa điểm mà Trung Quốc tuyên bố có đường 9 đoạn( hay còn gọi là đường lưỡi bò) đi qua.
Theo báo chí nước ngoài, cách đây không lâu, chính quyền Trung Quốc đã gửi đến chính quyền Việt Nam một thông điệp cứng rắn: nếu Việt Nam cứ để cho Repsol khai thác dầu khí ở lô (block) 136, Trung Quốc sẽ tiến đánh các cứ điểm của Việt Nam ở Trường Sa. Báo chí nước ngoài không đề cập đến nguyên nhân xuống thang bất ngờ của Việt Nam là do đâu.
BBC News, trong bài của nhà báo Bill Hayton(là một nhà báo, đồng thời cũng là một học giả về tranh chấp Biển Đông, người có xu hướng ủng hộ Việt Nam trong tranh chấp Biển Đông, và cũng là người bị Việt Nam từ chối cấp visa vào Việt Nam để tham dự một hội thảo chuyên đề về Biển Đông vào năm 2011), cho biết Repsol đã đầu tư vào dự án mỏ Cá Rồng Đỏ khoảng 300 triệu USD. Thông tin này sẽ cho ra đời một câu hỏi cần thiết: Repsol mất trắng 300 triệu USD hay nhà nước Việt Nam phải đền bù cho Repsol 300 triệu USD và hơn thế nữa theo các qui định về bảo hộ và bảo vệ đầu tư? Vấn đề này tùy thuộc vào các điều khoản bất khả kháng trong hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí giữa chính quyền Việt Nam (có thể do PetroVietnam đại diện như trước đây) và hãng Repsol.
Thế nào là bất khả kháng? Trường hợp chính quyền Trung Quốc gây áp lực lên chính quyền Việt Nam để chính quyền Việt Nam yêu cầu Repsol ngưng khoan thăm dò và khai thác dầu khí ở lô 136 có được coi là trường hợp bất khả kháng trong hợp đồng phân chia sản phẩm hay không? Về lý, chỉ có hợp đồng phân chia sản phẩm giữa Việt Nam và Repsol mới cho ta biết chính xác.
Nhưng, cũng chính thực tiễn ngành dầu khí Việt Nam cho ta biết chính xác một điều rằng, trong các hợp đồng phân chia sản phẩm dầu khí giữa Việt Nam và các hãng dầu nước ngoài, phía hãng dầu nước ngoài bao giờ cũng đưa ra các hợp đồng rất chi tiết, cụ thể, và các chính sách đột ngột hay yêu cầu bất ngờ của chính phủ không bao giờ là điều kiện bất khả kháng cả. Qua vụ mỏ Cá Rồng Đỏ, Việt Nam có thể bị Repsol kiện ra một tòa quốc tế (thường được nêu rõ trong hợp đồng phân chia sản phẩm) để đòi bồi thường thiệt hại. Trong trường hợp đó, Repsol chỉ có thắng kiện chứ không bao giờ thua kiện.
Áp lực của Trung Quốc đối với các hãng dầu nước ngoài đang thăm dò, tìm kiếm và khai thác dầu khí ở Việt Nam không phải đến bây giờ mới xuất hiện. Statoil, một hãng dầu của nhà nước Na Uy vào năm 2000 đã rút lui khỏi Việt Nam sau khi bị áp lực từ phía Trung Quốc mà không nhận được bảo đảm từ phía Việt Nam. Vào năm 2009, đến lượt tập đoàn dầu khí khổng lồ của Anh Quốc là BP cũng đã rút lui khỏi dự án khai thác mỏ khí đốt có trữ lượng cực lớn ngoài khơi Khánh Hòa do áp lực từ Trung Quốc trong khi cũng không nhận được sự bảo đảm, cam kết bảo vệ từ phía Việt Nam.
Nguồn: VNTB
Leave a Comment