Không biết vô tình hay hữu ý, đúng vào ngày công bố dự thảo kết luận thanh tra tại huyện Mỹ Đức, Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã “thăm và làm việc” tại Viettel với những chỉ đạo không thể vô tình: “trách nhiệm chính trị của đảng bộ quân đội là phải phấn đấu có thêm nhiều doanh nghiệp như Viettel”, và “tham gia phát triển kinh tế, xây dựng kinh tế là chức năng, thể hiện được truyền thống của quân đội nhân dân Việt Nam”.
Ông Ngô Xuân Lịch – nhân vật mất hút trong cơn sóng trào tại kỳ họp quốc hội tháng 5 – 6 năm 2017 liên quan đến một cuộc khủng hoảng khác – “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất” – đã bất thần lộ diện như thế, bất thần và như một cách lên tiếng phủ nhận phát biểu “quân đội sẽ không làm kinh tế nữa” và “đây là chủ trương của Bộ Quốc phòng” của Thứ trưởng quốc phòng Lê Chiêm chỉ mới vào cuối tháng 6/2017.
Mặc dù báo chí và công luận sôi nổi được một thời gian ngắn với đa số ý kiến ủng hộ “chủ trương” của ông Lê Chiêm, nhưng quan điểm này chỉ tồn tại được một thời gian ngắn. Còn sau đó, mặt nước chợt lặng hẳn đi như chưa hề có một hòn đá nào được ném xuống. Thậm chí còn xuất hiện ý kiến nghi ngờ rằng phát biểu của ông Lê Chiêm chỉ mang tính chất cá nhân chứ không phải của “vua tập thể”.
– Quân đội không làm kinh tế: Thật không?
– ‘Quân đội không làm kinh tế nữa’ có phải là chủ trương hay không?
– Kinh tế thị trường và quân đội làm kinh tế
– Quân đội ngưng kiếm tiền: Hãy chờ xem
Nghi ngờ trên phần nào có cơ sở. Tướng Lê Chiêm bật ra những phát biểu trên trong ngữ cảnh không phải là một cuộc họp chính thức của Bộ Quốc phòng, cũng chẳng có văn bản nào của Bộ Quốc phòng đính kèm, mà lại trong một cuộc họp với Thành ủy và chính quyền TP.HCM do Thủ tướng Phúc chủ trì với chủ đề chính là về “sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất”.
Dù ngay đến một cựu sĩ quan quân đội là Trung tá Lê Trọng Sành – nguyên Cục phó Cục tác chiến Quân chủng Phòng không không quân – còn phải nêu ý kiến “Quân ủy trung ương cần có ý kiến”, nhưng từ đó đến nay những đầu não của “Quân ủy trung ương” như Bí thư quân ủy Nguyễn Phú Trọng và Phó bí thư quân ủy kiêm bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch đã chưa bao giờ dám lộ diện để hồi âm trước đòi hỏi “trả sân golf về sân bay” của công luận.
Không dám thể hiện chính kiến trong vụ sân golf Tân Sơn Nhất, nhưng lại sẵn sàng “bảo vệ Tổ quốc” bằng hành động phủ nhận quan điểm “quân đội không làm kinh tế nữa”.
Quân Đội Nhân Dân – tờ báo “cơ quan ngôn luận” của Bộ Quốc phòng – đã mở cả một chiến dịch như thể phản bác và phủ nhận thủ trưởng Lê Chiêm của họ. Vào ngày 30/6/2017, tờ báo chuyên chính này đăng bài “Khẳng định vai trò của Quân đội ta trên mặt trận sản xuất, xây dựng kinh tế”. Sau đó, tờ báo này tổ chức một hội thảo lấy ý kiến các tướng lĩnh và chuyên gia, với tuyệt đại đa số đồng tình với “quân đội làm kinh tế là nhiệm vụ chính trị”.
Cần nhắc lại, ở Trung Quốc, Tập Cận Bình đã tước hẳn quyền làm kinh tế của Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Các doanh nghiệp quân đội Trung Quốc đã phải chấm dứt cảnh “mượn đầu heo nấu cháo” kể từ năm 2016.
Trong khi đó, hàng trăm doanh nghiệp kinh tế quân đội ở Việt Nam vẫn nghiễm nhiên kinh doanh, trong số đó có nhiều vụ việc lợi dụng chính sách như dạng chiếm dụng 157 ha của sân bay Tân Sơn Nhất nhưng đã không hề bị pháp luật sờ gáy.
Những dấu hiệu và biểu hiện liên quan đến “quân đội làm kinh tế” cho thấy dường như trong quân đội đang có hai “trường phái” – một phe muốn chấm dứt thời kỳ đặc quyền đặc lợi của các doanh nghiệp quân đội, còn phe kia đang cố níu kéo lợi ích được ngày nào hay ngày nấy.
Rất có thể, mối bất đồng sẽ trở nên sâu sắc hơn hoặc hơn hẳn chính từ những xung đột lợi ích này.
Chỉ qua vụ việc “quân đội làm kinh tế” mà Quân ủy trung ương còn “đá” nhau đến thế, thử hỏi khi thật sự cần bảo vệ Tổ quốc thì quân đội Việt Nam sẽ làm gì ngoài biển đảo và biên giới?
Thiền Lâm – VNTB (ijavn.org)
Leave a Comment