Ðộc giả Người Việt đang bàn tán về kế hoạch “huy động vàng” của nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Ngày đầu Tháng Bảy, ông Nguyễn Xuân Phúc họp chính phủ đã “giao Ngân Hàng Nhà Nước nghiên cứu” vấn đề “huy động vàng” để lấy vốn tăng tưởng kinh tế. Bên ngoài, Hiệp Hội Kinh Doanh Vàng Việt Nam đã đề nghị thành lập sàn giao dịch vàng, tương tự thị trường mua bán chứng khoán.
Trong thế giới hiện nay, sức mạnh kinh tế không tùy thuộc vào những nguyên liệu và nhiên liệu đào từ dưới đất lên nữa. Sức mạnh lớn nhất là trí óc, là những con người có cái đầu chứa kiến thức. Con người chính là những “mỏ vàng” của quốc gia. Nước Việt Nam sẽ mạnh hay yếu là do có khai thác được kho tàng đó hay không.
Dân Việt Nam đang cất giữ một “kho vàng,” hơn 13 triệu lượng, khoảng 20 tỷ đô la, bằng 10% Tổng Sản Lượng Nội Ðịa. Ðảng Cộng Sản chắc vẫn nhìn vào 500 tấn vàng của dân với con mắt thèm thuồng. Bây giờ họ không thể tổ chức “Tuần Lễ Vàng” như thời 1946, vì dân Việt đã mở mắt rồi. Nay bỗng nhiên, đảng lại đưa vấn đề “huy động vàng” lên hàng quốc sách! Một lý do dễ hiểu là “đảng ta” cần tiền! Một nguồn thu lớn trước đây trong ngân sách là dầu lửa. Từ ba năm nay, giá dầu thô thế giới tụt từ 140 đô la xuống dưới 50 đô la một thùng. Tiền bán dầu giảm 57%, ngân sách mất 255 triệu đô la. Huy động vàng có hy vọng bù lấp vào lỗ hổng đó chăng?
Nhưng muốn phát triển kinh tế, “thấy vàng là tối mắt” không thể trở thành một chính sách quốc gia đứng đắn và lâu dài.
Trong thế giới hiện nay, sức mạnh kinh tế không tùy thuộc vào những nguyên liệu và nhiên liệu đào từ dưới đất lên nữa. Sức mạnh lớn nhất là trí óc, là những con người có cái đầu chứa kiến thức. Con người chính là những “mỏ vàng” của quốc gia. Nước Việt Nam sẽ mạnh hay yếu là do có khai thác được kho tàng đó hay không.
Những mỏ vàng này là con người, tất cả tự có nhu cầu sống. Cho nên họ cũng không chịu “nằm ngủ” yên dưới đất. Những con người đó tự họ phải “cựa quậy,” không cần ai “huy động.” Vì thế, rất nhiều người phải “đứng dậy” tìm dường kiếm sống cho chính mình, và giúp kinh tế phát triển. Chúng ta có thể lạc quan khi theo dõi hoạt động kinh doanh của giới trẻ Việt Nam, nhất là trong vùng thành phố Sài Gòn trong mấy năm gần đây. Hàng ngàn người đã dấn thân vào đường kinh doanh, và đã thành công trong ngành tin học áp dụng.
Một bản tin trên trang mạng The News Lens (viết tên chữ Hán là Quan Kiện Bình Luận, 關鍵評論), nhà phân tích kinh tế Liu Tong cho biết trong bốn tháng đầu năm 2017 đã có 39.580 dự án kinh doanh mới (start ups) ra đời, số vốn sẽ lên tới 370 tỷ đồng, tương đương với 17 tỷ đô la. Con số này lớn cũng gần bằng giá trị vàng trong cả nước, chứng tỏ con người và tri thức là một kho tàng nhiều triển vọng cao gấp bội vàng.
Những dự án kinh doanh mới này đều do tư nhân, phần lớn là những người trẻ tuổi khởi xướng. Năm ngoái, có 110.000 dự án và xí nghiệp mới ra đời, mà Bộ Kế Hoạch-Ðầu Tư cho biết 90% đã khai thuế; năm nay có thể sẽ tăng thêm hơn 10%. Trong môi trường các doanh nghiệp mới, những “start ups” nổi bật nằm trong lãnh vực “kinh tế tri thức,” dùng Internet, điện thoại di động, mua bán và phục vụ qua mạng Internet.
Một vụ thành công nổi tiếng ở Mỹ đã khích lệ giới trẻ Việt Nam bước vào đường kinh doanh tự lập là chuyện Misfit Wearables. Công ty này bán những hàng hóa “Wearables, đeo được,” thí dụ, những chiếc đồng hồ “tinh khôn” rẻ và đẹp với giá 50 đến 100 đô la, chiếm phần thị trường thấp hơn các đồng hồ giá 500 đô la như Apple của Google! Năm 2015 đã được đại công ty Fossil mua với giá 260 triệu đô la. Khi bán Misfit, một nhà sáng lập Sonny Vũ, 42 tuổi, vốn đã hợp tác với Apple, nay trở thành chủ tịch của công ty Fossil mới, đang bán 50 triệu đồng hồ một năm, với những bạn hàng lớn như Adidas, Emporio Armani, DKNY,…
Lên sáu tuổi khi cùng gia đình tìm tự do, Sonny Vũ đã trở về Sài Gòn tìm cơ hội kinh doanh. Nhưng 100 nhân viên trong công ty của anh ở Sài Gòn chỉ phục vụ cho thị trường ngoại quốc, không chế tạo một thứ hàng nào bán trong nước! Từ Việt Nam, công ty đã “xuất cảng” món hàng “tri thức” là các tác quyền, bằng sáng chế. Vũ cho biết, giấy quảng cáo và website của công ty anh đã được dịch qua 17 ngôn ngữ, kể cả tiếng Do Thái và tiếng Tagalog của Philippines. Nhưng chưa có bản tiếng Việt!
Nhưng thành công của Misfit Wearables đã trở thành một huyền thoại trong giới trẻ tốt nghiệp đại học. Từ hai năm nay, rất nhiều người đã bắt đầu tự gây vốn kinh doanh, không chịu sống cuộc đời làm công “sớm vác ô đi tối vác về,” dù có an toàn hơn.
Một gương thành công là anh Trần Tuấn Anh, 33 tuổi. Năm 2013, anh bắt đầu dùng mạng Ticketbox “bán vé” dự các cuộc trình diễn. Trong 9 tháng đầu, số thu tăng lên 24 lần. Và Ticketbox đã tiến sang các thị trường Singapore, Thái Lan và đang nhắm sẽ qua các nước Ðông Nam Á khác.
Nhà sáng chế Nguyễn Ðồng là tác giả trò chơi điện tử Flappy Bird, đã bán sản phẩm tinh thần của mình và mỗi ngày được trả 50.000 đô la tiền bản quyền. Một thành công khác là Big Cat Entertainment, sản xuất các video phổ biến trên mạng, nay đã bán cho tập đoàn Asia Innovations Group. Cô Trương Thủy cũng bán sản phẩm của mình, Tappy, một “áp” (app) dùng trong mạng xã hội cho công ty Weeby, ở Silicon Valley.
Nhà kinh doanh Nguyễn Khôi đã lập công ty WeFit, nhắm vào các khu tập thể dục, vận động. Sau bốn tháng hoạt động, WeFit đã có 500 hội viên đóng tiền và hợp tác với 150 nhà thể dục thể thao. Thể dục là một thị trường lớn với số doanh thu 60 triệu đô la mỗi năm và tăng trưởng 20% một năm.
Một dự án kinh doanh đáng chú ý nhất có lẽ là Mimosatek, ra đời năm 2015, vì họ dùng kỹ thuật tin học giúp cho các nhà trồng trọt tính toán số nước cần tưới cây mỗi ngày. Cô Lê Lan Anh, tổng giám đốc công ty cho biết họ giúp các nông gia lập hệ thống tưới nước tự động. Cô cho biết một nhà trồng trọt, đã tiết kiệm được 30% số nước tưới, số điện dùng để chạy máy tưới, và năng suất tăng thêm 25% mà chỉ dùng điện thoại tinh khôn (martphone) điều khiển! Từ số thân chủ 35 người, công ty hy vọng sẽ lên tới 200 trong vòng một năm!
Nhà kinh doanh trẻ Ðinh Việt Hùng lập công ty Designbold vào Tháng Mười năm 2016; dùng kỹ thuật tin học trong việc thiết trí hình ảnh. Trong hai tuần lễ, công ty đã thâu 130,000 đô la và mỗi tháng 8,000 người sử dụng hơn một nửa trở lại. Một nhà kinh doanh Mỹ gốc Việt, Trần Hùng với công ty GotIt ở Mỹ đã góp phần khuyến khích các đồng nghiệp trong ngành này ở trong nước; GotIt đã chịu đứng hạng nhì, nhường chức quán quân trong giải “Best Startup of the Year” cho Designbold.
Có hàng ngàn nhà kinh doanh trẻ ở trong nước có triển vọng sẽ thành công như các thí dụ trên.
Trong dân số hơn 90 triệu, một nửa là những người tuổi dưới 35, Việt Nam có 37 triệu người đang dùng Internet và 29 triệu người dùng smartphone. Hiện nay Việt Nam đã trở thành một nơi được các công ty quốc tế khai thác để sử dụng nguồn “năng lượng tri thức,” như nhà kinh doanh Sonny Vũ đang làm. Với đầu óc sáng tạo, cần cù sẵn có, khối người trẻ này sẽ giúp Việt Nam sẵn sàng trở thành đất dụng võ cho “kinh tế tri thức.” Nếu họ có đủ điều kiện để phát triển. Một điều kiện không thể thiếu được, là các quyền tự do, bắt đầu với tự do kinh doanh.
Câu hỏi là: Chính quyền Cộng Sản Việt Nam có thể chuẩn bị môi trường cho “kinh tế tri thức” phát triển hay không?
Nếu họ chỉ nghĩ đến vàng mà không biết đến người thì không có hy vọng. Chúng tôi sẽ nêu lên những khó khăn trong môi trường kinh doanh trong một bài tới.
Ngô Nhân Dụng – Người Việt
Leave a Comment