Một ngày đầu tháng 6 này, ông Phạm Minh Hoàng, một nhà hoạt động dân chủ, đến cơ quan ngoại giao Pháp ở thành phố Hồ Chí Minh và gặp ông Tổng lãnh sự. Chuyện không có gì đặc biệt bởi ngoài quốc tịch Việt Nam, ông còn là công dân Pháp và đã đi lại với các cơ quan ngoại giao của Pháp ở Việt Nam nhiều lần. Ông hoàn toàn không chuẩn bị đón nhận tin dữ nào.
“Nghe ông Tổng lãnh sự thông báo tôi đã bị tước quốc tịch Việt Nam, tôi như chết lặng, choáng váng đầu óc”, ông Hoàng nói với tôi qua một cuộc gọi trên internet.
Trước đó hai tuần, ngày 17/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định tước quốc tịch của ông mà không nói rõ lý do cũng như không thông báo cho ông biết.
Ông Hoàng nói “họ chỉ thông báo miệng cho phía Pháp rồi ông Tổng lãnh sự nói cho tôi biết”.
Quyết định tước quốc tịch này chỉ xuất hiện trên Công báo ngày 7/6, tức một tuần sau cuộc gặp của ông với lãnh sự quán Pháp. Bản thân ông Hoàng chỉ nhận được quyết định qua đường bưu điện vào ngày 10/6.
Đây là tai nạn pháp lý – chính trị lớn thứ hai mà ông từng phải đối mặt, sau 17 tháng trong tù vì tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo Điều 79, Bộ luật Hình sự và chỉ được trả tự do vào tháng 1/2012.
Sinh năm 1955 tại Vũng Tàu, ông đi du học và sinh sống ở Pháp từ năm 1973. Trở về Việt Nam năm 2000, ông trở thành giảng viên Toán của Đại học Bách Khoa TP. Hồ Chí Minh và được cấp giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam năm 2007. Ông công khai là một đảng viên Việt Tân ở trong nước.
Về cơ bản, dù quyết định tước quốc tịch này rõ ràng là trái pháp luật như phân tích của cựu luật sư Lê Công Định, trong mắt chính quyền, ông là một người nước ngoài cư trú ở Việt Nam và có nguy cơ bị trục xuất bất cứ lúc nào.
“Điều tôi lo lắng hơn cả là việc gia đình phải ly tán. Cả vợ và con tôi đều sống cùng tôi ở Sài Gòn. Tôi còn một anh trai là thương phế binh thương tật gần như 100%, phải có người chăm sóc. Mẹ vợ tôi năm nay cũng đã già yếu”, ông Hoàng nghẹn ngào nói.
Điều an ủi với ông là đứa con gái 13 tuổi của ông đang được học một trường của Pháp ở Việt Nam theo diện được cấp học bổng đến năm 18 tuổi. Ông không phải lo lắng gì nhiều về điều kiện vật chất và học hành của cô. Duy chỉ có việc chia cách cha con là khiến ông đau lòng.
“Giờ tôi không biết phải tính như thế nào. Tôi đã mời luật sư làm thủ tục khiếu nại, nhưng biết đâu họ ập vào nhà khiêng tôi đi thì tôi cũng chẳng làm gì được”, ông nói bằng một chất giọng không mấy lạc quan.
Chỉ bốn tiếng sau khi nói chuyện với tôi, điều ông lo sợ đã trở thành sự thật: một toán công an sắc phục lẫn thường phục lấy cớ vào nhà kiểm tra hộ khẩu và bắt ông đi, không quên để lại lời nhắn: ông sẽ bị trục xuất khỏi Việt Nam ngay ngày mai (24/6).
Nửa đêm ngày 24/6, ông bị trục xuất trên một chuyến bay của Vietnam Airlines và tới Paris nửa ngày sau đó.
Không phải người đầu tiên
Ông Phạm Minh Hoàng không phải là người đầu tiên bị nhà nước từ chối tư cách công dân của mình.
Ngày 27/5 vừa qua, ông Phan Châu Thành, một người định cư ở Ba Lan có song tịch Việt Nam và Ba Lan, bị nhân viên cửa khẩu Tân Sơn Nhất từ chối cho nhập cảnh. Việc ông Thành xuất trình hộ chiếu Việt Nam tại cửa khẩu không giúp ích được gì cho ông.
Ông bị giam giữ tại một phòng làm việc của an ninh cửa khẩu trong nhiều giờ đồng hồ. Nhân viên an ninh giải thích rằng ông bị cấm nhập cảnh vì lý do “an ninh”, mà bằng chứng là ông đã có nhiều bài viết trên các trang Dân Luận và Dân Làm Báo, những trang mạng độc lập và có xu hướng phê phán chính quyền. Điều này hoá ra chỉ là một sự trùng tên.
Tuy nhiên, khó có khả năng cơ quan an ninh nhầm lẫn, vì bản thân ông Phan Châu Thành là một doanh nhân tham gia rất tích cực trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Ba Lan, đồng thời là người thường xuyên lên tiếng về những mặt trái của xã hội Việt Nam, cũng như tài trợ cho nhiều tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam.
Bảy tiếng sau đó, ông Thành bị ép lên một chuyến bay của Vietnam Airlines rời khỏi Việt Nam.
Trở về Ba Lan, ông khẳng định sẽ theo đuổi việc đấu tranh pháp lý cho quyền được trở về quê hương của ông, vốn đã ghi rõ trong cả Hiến pháp lẫn các công ước quốc tế về nhân quyền.
Nỗ lực này cũng không suôn sẻ chút nào. Khi ông tới Đại sứ quán Việt Nam đề nghị chứng thực giấy uỷ quyền cho luật sư Đặng Đình Mạnh ở Việt Nam thì bị nhân viên sứ quán từ chối xác nhận.
Trao đổi với Luật Khoa tạp chí, ông Thành cho biết: “Tôi chất vấn thì sau cùng họ nói là họ tiếp nhận hồ sơ nhưng không biết đến khi nào mới trả lời, trong khi việc của họ đơn thuần là xác nhận một chữ ký”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng chính là người được ông Phạm Minh Hoàng mời làm người đại diện trong việc khiếu nại quyết định tước quốc tịch của ông.
Bốn ngày trước khi ông Hoàng bị công an bắt tại nhà, luật sư Mạnh đến Bộ Tư pháp nộp đơn khiếu nại nhưng cũng bị từ chối với lý do “không có thẩm quyền”.
“Họ cũng chỉ nhận đơn của tôi, ghi vào sổ công tác của họ nhưng từ chối cấp giấy biên nhận cho tôi”, luật sư Mạnh cho biết.
Xói mòn quốc gia
Theo luật pháp quốc tế, một quốc gia được hình thành nên bởi bốn yếu tố: lãnh thổ, dân cư, chính quyền, và chủ quyền. Bốn yếu tố này có mối liên hệ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau và từ đó hình thành nên một quốc gia.
Mối quan hệ giữa công dân và chính quyền, do đó, là một trong những mối quan hệ căn bản nhất của quốc gia. Bất cứ khi nào công dân khước từ thực hiện nghĩa vụ của mình với quốc gia (đóng thuế, tôn trọng trật tự công,…) thì khi đó quốc gia suy yếu.
Ở chiều ngược lại, bất cứ khi nào chính quyền từ chối cho công dân được thực hiện những quyền công dân của mình, khi đó quốc gia cũng suy yếu. Trong những quyền công dân đó, có quyền được cư trú trên lãnh thổ quốc gia của mình. Quốc gia là gì nếu không dựa trên căn bản là một nhóm người cùng cư trú trên một lãnh thổ?
Hành động đơn phương tước quốc tịch của ông Phạm Minh Hoàng mà không cho ông bất cứ cơ hội nào để kháng cáo chính là hành động cắt bỏ mối quan hệ công dân – chính quyền. Nói nôm na, chính quyền hiện nay đang có xấp xỉ 95 triệu sợi dây liên kết với 95 triệu công dân của mình, nay nó đã quyết định cắt đi một sợi.
Hành động khước từ cho ông Phan Châu Thành được nhập cảnh vào chính quốc gia mà ông là công dân cũng vậy. Chỉ có một lý do duy nhất mà một chính quyền có thể cấm ai đó nhập cảnh, đó là vì người đó là người nước ngoài. Nói cách khác, nếu bạn bị cấm trở về nhà mình thì có nghĩa rằng bạn không còn được coi là chủ nhà nữa. Thông điệp của chính quyền khá rõ ràng: họ đã không còn coi ông Thành là một trong 95 triệu người chủ của quốc gia Việt Nam. Hành động cấm nhập cảnh, trên thực tế, không khác việc bị tước quốc tịch là bao. Thêm một sợi dây liên kết giữa công dân và chính quyền bị cắt đứt.
Bạn có thể cho rằng chỉ cắt hai sợi trong số 95 triệu sợi dây đó thì đâu ảnh hưởng gì? Nhưng ảnh hưởng của hành động này không chỉ nằm ở hai sợi dây đứt, mà còn nằm ở cái thông điệp mà nó gửi cho tất cả các công dân còn lại: chính quyền sẵn sàng cắt thêm nhiều sợi dây nữa nếu nó cảm thấy không còn muốn coi ai đó là công dân.
Ít ai để ý, đúng ba năm trước ngày ông Phạm Minh Hoàng bị trục xuất, ngày 24/6/2014, chính quyền đã từng suýt cắt bỏ quốc tịch của hàng triệu công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài. Theo Luật Quốc tịch 2008, hàng triệu người này sẽ phải đăng ký giữ quốc tịch trước ngày 1/7/2014, nếu không họ sẽ mất quốc tịch. Tuy nhiên, chỉ một tuần trước khi hết thời hạn này, Quốc hội đã kịp bãi bỏ quy định nói trên.
Cũng không nên lạc quan là nếu bạn chỉ có quốc tịch Việt Nam thì chính quyền không dám trục xuất bạn. Chính quyền Trung Quốc từng quẳng một công dân của mình, một thủ lĩnh phong trào Thiên An Môn, qua biên giới với Hong Kong vào năm 1993. Người đó sau này trở thành một nhà hoạt động công đoàn nổi tiếng bậc nhất thế giới: Han Dongfang.
Nguồn: Luật Khoa Tạp Chí
Leave a Comment