Cuối cùng, điều 19.3 Bộ Luật Hình sự sửa đổi vẫn được thông qua. Ngày 20-6 hàng năm, từ giờ trở đi, sẽ là một ngày nhắc nhớ về sự thụt lùi của nền tư pháp VN.
Có tới 88,39% đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết thông qua Bộ Luật hình sự sửa đổi, trong đó quy định trách nhiệm luật sư phải tố giác thân chủ trong một số trường hợp. Nếu luật sư không tố giác sẽ bị xử lý hình sự.
Giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội như sau: “Việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa”.
Tôi có thể hiểu, 434 đại biểu Quốc hội bỏ phiếu thông qua điều luật này đang đứng ở vị trí của người quản lý nhà nước, thay vì người đại biểu nhân dân như chức trách của họ khi ngồi trong nghị trường. Ở góc độ của người quản trị xã hội, họ làm mọi cách để bảo vệ cho bộ máy của họ.
Ngày 20-6 hàng năm, từ giờ trở đi, sẽ là một ngày nhắc nhớ về sự thụt lùi của nền tư pháp VN.
Tôi cũng có thể hiểu các luật sư phản đối điều luật 19.3 vì nó đặt luật sư vào một tình thế oái oăm, phải lựa chọn giữa đạo đức hành nghề với việc thực thi pháp luật theo quy định của chính quyền. Họ cho rằng, quy định mang tên 19.3 này sẽ hạn chế việc hành nghề của luật sư trong các vụ án hình sự. Vì đơn giản, chẳng ai dám nhận bào chữa trong những trường hợp mà 19.3 quy định.
Nhưng vấn đề chính lại nằm ở đó. Cái đáng sợ của điều luật 19.3 này là nó trực tiếp hạn chế quyền của giới luật sư, từ đó gián tiếp tước mất quyền được bào chữa của công dân. Hiến pháp quy định mọi công dân đều được sử dụng luật sư bào chữa. Nhưng nếu quy định luật sư phải tố giác thì còn ai dám bào chữa?
Tôi không chấp nhận tất cả mọi hành vi phạm pháp. Nhưng, khi toà chưa tuyên án thì mọi công dân đều phải được đối xử bình đẳng và được hưởng đầy đủ quyền công dân.
Tôi nghĩ rằng, hoạt động tư pháp văn minh thì mới có thể quản trị xã hội một cách văn minh. Công tố viên đưa ra các cáo buộc để buộc tội bị can nhằm đảm bảo lợi ích của bên công tố. Sự có mặt của luật sư, với vai trò bào chữa, không phải là để chạy tội, để kẻ phạm tội được trắng án, mà là để bị can được pháp luật đối xử một cách công bằng. Khi công tố viên và luật sư tranh tụng thì toà án mới được cung cấp đầy đủ dữ liệu hai chiều khách quan, từ đó đưa ra bản án đúng người, đúng tội.
Loại bỏ những điều này chỉ khiến cho pháp luật không những không văn minh mà còn lùi dần vào u tối.
Uỷ ban thường vụ Quốc hội dẫn ra kinh nghiệm của một số nước như Thái Lan, Trung Quốc, Đức, Thụy Điển, Hoa Kỳ, Canada, Tây Ban Nha… cho thấy: các nước đều quy định trong những trường hợp nhất định, luật sư được tiết lộ thông tin về thân chủ của mình trong quá trình hành nghề để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích của xã hội, cộng đồng, nhằm ngăn chặn hậu quả của tội phạm.
Theo thông tin trên, tôi thấy họ quy định luật sư có QUYỀN được tiết lộ thông tin trong một số trường hợp, chứ không phải quy định luật sư có NGHĨA VỤ phải tố giác thân chủ. Quyền và nghĩa vụ là hai khái niệm khác nhau. Được và Phải có nghĩa khác nhau. Tiết lộ và Tố giác là hai khái niệm rất khác nhau.
Mới năm ngoái, tôi còn tính nộp hồ sơ thi vào trường ĐH Luật vì muốn trở thành một luật sư, vì muốn được đứng trước toà tranh tụng… Lúc ấy có vài luật sư khuyên không nên. Nay thì thấy thật may vì tôi vẫn chưa đi học. Bởi nếu tôi là luật sư, hôm nay tôi sẽ xấu hổ vô cùng. Chính luật sư còn chẳng bảo vệ được quyền hành nghề của mình khi nó có nguy cơ bị xâm phạm, thì bảo vệ được cho ai bây giờ?
Nguồn: Fb. Bạch Hoàn
Leave a Comment