Thêm một cái chết đầy nghi vấn trong lúc làm việc với công an phường Tam Bình, quận Thủ Đức, TPHCM, khiến dư luận xôn xao.
Nguyên nhân tử vong được thông báo là do “tự tử bằng dây thun quần”.
Tối 16/6, chị Từ Thị Nhường, 39 tuổi, vợ của anh Ngô Chí Tâm, sinh năm 1977, nói với VOA rằng chị không thấy có lý do gì khiến chồng phải lên đồn công an tự vận.
Sự việc, theo lời chị Nhường kể, bắt đầu từ lúc công an phường đến nhà tìm chồng chị vào chiều 13/6. Lúc đó, anh Tâm đang phụ vợ giặt quần áo sau khi đi làm về.
“Nghe thằng con trai nói ‘Ba ơi, có cảnh sát kiếm ba’, ông xã tôi mới đi lên gặp anh công an phường, rồi anh đi lấy bộ đồ dơ buổi sáng đi làm về thay ra để bận vô rồi đi xuống phường. Tôi thấy ảnh cầm quần áo nên hỏi ‘Anh đi đâu vậy?’. Ảnh nói ‘Tui xuống phường có chút việc. Công an phường mời’. Không có thư mời, chỉ nói miệng vậy thôi rồi ông xã tôi lấy xe nhà chạy theo xuống phường”.
“Tôi làm mệt quá nên trong lúc chờ ảnh tôi ngủ quên, nhịn đói luôn vì chờ ảnh mà. Đến 2 giờ đêm, tôi giật mình dậy, chưa thấy ông xã về. Lúc đó trong lòng tôi thấy sao đó”.
“8 giờ sáng hôm sau, công an phường lên mời tôi với má chồng xuống phường có chút việc. Khi xuống dưới đó, họ hỏi tôi rằng ở gia đình có làm gì cho ảnh buồn phiền không mà ảnh thắt cổ. Ảnh lấy dây dù rút ra từ lưng quần thắt cổ chết”.
“Tôi mới nói ‘Tui nói thiệt với anh, vợ chồng tôi lấy nhau hai mươi mấy năm nay rồi, chưa bao giờ gây lộn chứ đừng nói tôi làm cho ảnh thắt cổ chết kiểu đó. Chưa bao giờ giận nhau được một ngày nữa. Gia đình cũng không ai làm gì cho ảnh buồn đến tự vận chết kiểu đó. Mà có tự vận đi nữa thì cũng ở nhà tự vận, mắc gì xuống phường tự vận làm gì?’”.
Ngày 15/6, chị Nhường gửi đơn khiếu nại lên công an phường Tam Bình và TPHCM, yêu cầu làm rõ nguyên nhân dẫn đến cái chết của chồng. Trong thư, chị Nhường nói lúc gia đình đến thì xác chồng chị đã được đưa xuống bệnh viện An Bình, quận 5, TPHCM. Chị cho biết trên thi thể chồng chị, “hai mắt có tụ máu, mặt mày sưng”.
Chị nói tiếp với VOA:
“Tại sao lúc [chồng tôi] hôn mê sâu trong bệnh viện lại không cho người nhà biết trước? Tại sao không gọi điện cho tôi ngay lúc đó để tôi vào nhìn mặt chồng tôi lần cuối? Mà lại để đến lúc đưa lên nhà xác rồi mới mời tôi lên nhận xác về là sao?”
Chị Nhường cho biết vợ chồng chị có 3 đứa con và anh Tâm là trụ cột tài chính trong gia đình. Cái chết bất ngờ của anh khiến chị rất sốc và đau xót.
Ngày 16/6, lãnh đạo công an phường Tam Bình cho biết đã chuyển hồ sơ vụ việc lên công an quận Thủ Đức và công an TPHCM để điều tra, theo báo Thanh Niên.
Những năm gần đây, Việt Nam bị nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án về những cái chết bất thường xảy ra trong lúc đang bị tạm giam hay mời “làm việc” với công an.
Theo báo cáo chính thức của Bộ Công an, trong vòng ba năm (2012–2014), tại Việt Nam đã có 226 trường hợp chết trong trại tạm giam, nhà giam giữ.
Tháng trước, trường hợp anh Nguyễn Hữu Tấn “tự sát” bằng cách tự cắt cổ (theo công an), trong lúc bị tạm giam tại đồn công an ở Vĩnh Long, đã được đưa đến điều trần tại Quốc hội Mỹ.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về nhân quyền Việt Nam hồi tháng 3 nhận định trong hầu hết các trường hợp chết bất thường trong lúc bị tạm giam, chính quyền cung cấp rất ít thông tin về cuộc điều tra, và thường đưa ra kết luận chết vì tự sát hay bệnh lý.
Leave a Comment