Quảng Cáo

Lãnh đạo tỉnh muốn có cảnh vệ: Thêm tín hiệu về bất ổn xã hội

Cuộc thanh toán giữa các lãnh đạo Tỉnh Yên Bái. Chi cục trưởng Kiểm Lâm đột nhập văn phòng bắn chết bí thư tỉnh ủy và chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái. Ảnh: Internet

Quảng Cáo

Đề xuất của nhiều lãnh đạo tỉnh cần có cảnh vệ đang gây ra nhiều phản ứng trái chiều trong dư luận với nhiều ý kiến cho rằng điều này chứng tỏ bất ổn xã hội đã tăng lên một mức mới.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, Võ Trọng Việt, nêu lên đề xuất này từ nhiều tỉnh thành tại một buổi thảo luận của Quốc hội về dự án Luật Cảnh vệ hôm 6/6. Trên các trang mạng xã hội, nhiều người đã lên tiếng lo ngại về sự bất tín của lãnh đạo với người dân và đặt ra những câu hỏi về sự an toàn của xã hội Việt Nam hiện nay.

Trong cuộc họp Quốc hội ở Hà Nội, các đại biểu đã thảo luận về những đối tượng sẽ được đưa vào danh sách cần sự bảo vệ của cảnh vệ quốc gia. Theo dự thảo luật được truyền thông trong nước đưa tin, đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của đảng, nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Tuy nhiên, có những đại biểu đề nghị đưa vào danh sách này những vị trí ở mức thấp hơn như người đứng đầu các tòa án và các tỉnh.

“Sau khi có sự việc xảy ra ở một tỉnh nhiều tỉnh đề nghị Bí thư, Chủ tịch tỉnh là đối tượng cảnh vệ,” ông Võ Trọng Việt được báo chí trong nước dẫn phát biểu.

Theo TuoiTreNews, sự việc mà ông Việt đề cập đến tại Quốc hội là vụ án mạng xảy ra ở Yên Bái vào năm ngoái khi Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh bắn chết Bí thư và Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh này trước khi tự sát.

Vụ thảm sát ở Yên Bái năm ngoái đã làm dấy lên những lo sợ trong giới lãnh đạo ở nhiều tỉnh thành.

⇒  Những phát súng từ Yên Bái

⇒ Những cánh sen Yên Bái

Đề xuất vừa kể, theo luật sư Trần Thu Nam, cho thấy “một sự bất ổn trong xã hội.”​

“Tại sao những người đó phải có cảnh vệ? Nếu như trong một đất nước an bình và bình yên thì những chức vụ đó làm gì phải cần cảnh vệ. Nó thể hiện rằng một đất nước không hòa bình, không bình an thì mới phải như vậy.” Luật sư Nam nói “Đã có những cơ quan sẵn có rồi, mỗi tỉnh đều có công anh tỉnh. Chả lẽ những cơ quan hiện có tại sao không đáp ứng được yêu cầu về anh ninh mà lại phải lập thêm vấn đề cảnh vệ cho từng chủ tịch tịch hoặc bí thư tỉnh.”

Theo chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng An ninh, nhiều ý kiến của đại biểu quốc hội muốn tăng thêm đối tượng cảnh vệ là những người “chống tiêu cực, chống tham nhũng, đụng độ, đụng chạm đến rất nhiều lợi ích, nhất là lợi ích nhóm.”

Vào tháng 3 năm nay, theo ghi nhận của truyền thông trong nước, Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh bị đe dọa sau khi quyết định phát động chiến dịch ngăn chặn nạn khai thác cát sông bất hợp pháp ở tỉnh này.

Một đại biểu của Hải Phòng được báo điện tử VnMedia trích lời tại buổi hội thảo của Quốc hội rằng “Nếu để xảy ra tình huống không đảm bảo an toàn, an ninh cho các đồng chí này thì ảnh hưởng nghiêm trọng địa phương, anh ninh trật tự chung của cả nước.”

“Bây giờ quan chức rất bất an, bất ổn. Trước vụ Yên Bái thì họ sợ ngầm nhau. Sợ ngấm ngầm mà chưa bộc lộ ra. Còn sau vụ Yên Bái nỗi sợ hãi trong nội bộ đã bộc lộ ra hẳn.”
Phạm Chí Dũng, nhà báo độc lập

Dư luận xã hội cho rằng đề xuất này cho thấy các lãnh đạo, ngay cả cấp tỉnh, cũng đang “sợ dân”. Một người dùng mạng xã hội có tên Loi Dai phản hồi về bài viết của báo Tiền Phong trên Facebook rằng “Nếu ai cũng chính trực đàng hoàng cần gì phải cảnh vệ”. Một Facebooker khác có tên Hong Le Nguyen bình luận “Không bảo vệ nào bằng sự bảo vệ của nhân dân, muốn vậy thì các vị phải đúng là Đại biểu của dân, do dân bầu ra, vì dân mà phục vụ…một cách đúng nghĩa.”

Minh chứng cho lập luận rằng các cấp lãnh đạo đang “run sợ,” nhà báo Phạm Chí Dũng đưa ra ví dụ về trường hợp một quan chức cấp tướng phải huy động một trung đội công binh để mở một gói quà mà ông nghi rằng có bom hoặc mìn trong khi đó chỉ là một chiếc bánh trung thu.

Nhiều người khác cùng tham gia bình luận đều có chung ý kiến rằng nếu các lãnh đạo trong sạch, làm việc vì dân, không vụ lợi, thì không cần đến sự bảo vệ nào.

Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “trước đây quan chức sợ dân, nhưng từ sau vụ (sát hại ở) Yên Bái thì quan chức sợ nhau.”

“Thực ra không biết nỗi sợ nào lớn hơn nỗi sợ nào nhưng quả là bây giờ quan chức rất bất an, bất ổn.” Nhà báo Dũng nói “trước vụ Yên Bái thì họ sợ ngầm nhau. Sợ ngấm ngầm mà chưa bộc lộ ra. Còn sau vụ Yên Bái nỗi sợ hãi trong nội bộ đã bộc lộ ra hẳn.”

Giám đốc Công an Nghệ An và đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu nói với Tiền Phong bên lề cuộc hội thảo hôm 6/6 rằng ông cũng không đồng tình với việc đề xuất bảo vệ lãnh đạo tỉnh ở cấp quốc gia vì “cảnh vệ càng nhiều thì xã hội càng bất ổn.”

Luật sư Trần Thu Nam đồng tình với quan điểm đó vì “càng nhiều cảnh vệ thì càng bất ổn và càng bất ổn thì càng tăng cường cảnh vệ – đó là một vấn đề tỷ lệ thuận với nhau giữa bất ổn và cảnh vệ.”

Phân tích sự yếu kém trong điều hành của đảng dẫn tới xã hội bất ổn, thành viên Hội Nhà báo Độc Lập, Phạm Chí Dũng, nhấn mạnh “sự bất ổn đó là từ trong nội bộ đảng, lấy xã hội ra làm bình phong che chắn.”

Kinh tế, tài chính, môi trường và nhân quyền là những vấn đề lớn góp phần gây bất ổn xã hội tại Việt Nam trong những năm gần đây. Hiện nợ công của Việt Nam đã vượt ngưỡng cho phép 65% GDP. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thừa nhận điều này hồi đầu năm nay. Nợ xấu tại Việt Nam, qua số liệu thống kê, tăng cao đột biến 5 năm gần đây, hiện ở mức 600.000 tỷ đồng. Trong khi đó, nhiều cuộc biểu tình vì môi trường nổ ra từ tháng 4 năm ngoái vì cách giải quyết của chính quyền đối với thảm họa Formosa. Nhiều nhà hoạt động vì môi trường đã bị đàn áp và bắt giam.

Ngoài những bất ổn trong xã hội, theo nhà báo Phạm Chí Dũng, “đến cả đảng bây giờ cũng bất ổn.” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây 5 năm đã đề cập đến sự tồn vong của đảng và “sự tồn vong đó sắp đến” với sự bất ổn tăng cao, theo phân tích của nhà quan sát này.

VOA

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux