Nếu trên đời này có một dịch vụ mà người nhận sự giúp đỡ biết ơn nhiều nhất thì đó là dịch vụ y tế. Chả thế mà các ông thầy thuốc được gọi là thầy thuốc, thầy lang, Đông Y Sĩ, Bác Sĩ với sự kính trọng, thậm chí còn xem những thầy thuốc giỏi có lương tâm như “mẹ hiền” (lương y như từ mẫu).
Đặc biệt là thân nhân của người bệnh, khi trao người thân cho bệnh viện cứu chữa, người ta mong mỏi vào khả năng cứu chữa cũng như sự tận tâm của bác sĩ; người ta hồi hộp lo âu, chờ tin vui như chờ phép lạ, hay lo lắng tới ngộp thở.
Trong cuộc đời mỗi con người, nếu có lúc người ta cần ai đó giúp đỡ thì chính là lúc này. Khi tính mạng của người thân yêu đang bị đánh cuộc với tử thần, giả thử mà có phải đổi cả gia sản để người thân được cứu sống chắc người ta cũng chẳng ngần ngại.
Nhưng tiếc thay, một số y sĩ lại không giữ lời thề!
Tôi đã viết mấy bài về bà Bộ Trưởng Y Tế CSVN Nguyễn Thị Kim Tiến về sự tắc trách của bà ấy. Lần này thì tôi viết vì khó chịu về thái độ của người phụ tá của bà Nguyễn Thị Kim Tiến là ông Thứ Trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Viết Tiến (cùng họ cùng tên, chỉ khác chữ đệm!).
Trong mấy ngày qua, truyền thông trong nước đã loan tin có ít nhất là 2 vụ bạo lực xẩy ra trong khuôn khổ của bệnh viện ở Việt Nam.
Lần thứ nhất vào ngày 3/5/2017: một sinh viên Đại Học Y Khoa Thái Nguyên khi đang trực tại bệnh viện Đa Khoa Trung Ương Thái Nguyên thì bị người nhà của một bệnh nhân tát vào mặt. Tin không cho biết lý do vì sao xẩy ra sự việc, bệnh viện hay người sinh viên y khoa đã nói gì, làm gì để thân nhân người bệnh giận dữ đến mức động tay như vậy.
Lần thứ nhì, 4 ngày sau đó, ngày 7/5/2017, tại Bệnh Viện Đa Khoa Hùng Vương ở tỉnh Phú Thọ, khi các bác sĩ yêu cầu một người nhà bệnh nhân ra ngoài chờ để cấp cứu thì người này chửi bới và đe dọa nhân viên y tế khiến nhân viên an ninh bệnh viện phải áp tải đương sự ra ngoài. Nhưng đến tối cùng ngày, người này kéo một nhóm côn đồ mang theo súng đến bắn vào nhân viên an ninh tại bãi giữ xe (SBTN dẫn tin báo Dân Việt).
Nguồn tin không kể rõ chi tiết những gì đã trao đổi giữa người nhà bệnh nhân và nhân viên y tế khiến đi đến cãi cọ.
Đây là chỉ kể ra 2 trong số nhiều trường hợp bạo lực da4 xẩy ra.
Ông Nguyễn Viết Tiến, Thứ Trưởng Bộ Y Tế đã nói với Dân Việt là “…Đó là điều quá kinh khủng. Thử hỏi, nhân viên y tế đâu còn tâm trạng mà làm việc nữa?…”. Và ông Tiến cho biết Bộ Y Tế sẽ yêu cầu có điều luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm và đe dọa thầy thuốc.
Nghe những điều ông Nguyễn Viết Tiến nói mà không khỏi bực mình.
Như tôi đã viết ở trên, khi đưa người thân tới bệnh viện, ai ai cũng rất lo lắng, và người ta chỉ còn trăm sự nhờ vào khả năng và lương tâm của thầy thuốc với lòng biết ơn bao la. Chả có ai điên khùng mà lại vô lễ, nói chi đến cản trở hay cãi cọ với bác sĩ. Chỉ có một lý do khiến người ta nổi khùng lên là khi nhận thấy nhân viên y tế thờ ơ, vô trách nhiệm trước nỗi đau và sự nguy nan của thân nhân của họ.
Trong chúng ta, ai là người chưa từng đưa người thân đến bệnh viện chữa trị? Thái độ của chúng ta ra sao đối với các nhân viên y tế? Liệu ai trong quý độc giả tưởng tượng là mình sẽ tát váo mặt người sinh viên y khoa không? Liệu có ai trong quý độc giả nghĩ là sẽ kéo côn đồ mang súng để bắn vào nhân viên y tế bệnh viện hay không?
Ai cũng biết là tát vào mặt hay bắn súng vào nhân viên y tế là điều xằng bậy. Nhưng đây là chuyện đã thật sự xẩy ra. Thiết tưởng cũng nên bỏ ra vài giây phút để suy nghĩ tại sao lại như vậy?
Trong những bài viết trước tôi đã nêu lên một số những sự tắc trách của bà Bộ Trưởng Kim Tiến. Nhưng ngay những việc đó cũng đã không đủ để người ta tát vào mặt hay vác súng bắn vào ai. Nay liên tiếp các sự kiện trên xẩy ra, ta không thể không tự hỏi thật sự việc gì đã xẩy ra khiến cho thân nhân bệnh nhân lại “nổi khùng” lên như vậy.
Những câu chuyện vừa bực mình, vừa đau thương, vừa đáng giận xẩy ra tại các bệnh viện ở Việt Nam thì rất nhiều, chẳng hạn như không nộp tiền trước thì để mặc bệnh nhân nằm đấy, không chữa; hoặc không có phong bì thì chờ mút mùa, … Người dân biết phận mình, năn nỉ không được thì thường … nhịn!
Nhưng nhịn mãi rồi không nhịn nổi nữa nên mới xẩy ra những sự việc như trên.
Ông Thứ Trưởng Tiến khi biết sự việc, lẽ ra thì nên nhìn sự kiện dưới cả 2 góc nhìn, trước tiên là từ phiá bệnh viện, nên tự xét xem bệnh viện đã đối xử với bệnh nhân ra sao mà khiến người ta “nổi điên” dẫn tới bạo lực như vậy, thay vì chỉ biết buông lời than là “thế thì làm sao nhân viên y tế làm việc!”. Ở đây tôi tin là câu “không có lửa làm sao có khói” áp dụng được.
Và rồi ông Tiến lại phán thêm là “Bộ Y Tế sẽ yêu cầu có điều luật nghiêm cấm hành vi xâm phạm và đe dọa thầy thuốc”.
Nói câu này rõ là ông Tiến vừa không có lương tâm thầy thuốc vừa thiếu khả năng điều hành, nhất là khi mang trách nhiệm quan trọng tới cấp Thứ Trưởng. Cái điều luật mà ông Tiến nói là sẽ yêu cầu để có được đó thật sự không cần thiết. Chả ai cần nó cả.
Điều cần làm là các ông các bà Bộ Trưởng, Thứ Trưởng, bác sĩ, nhân viên y tế nhìn lại lương tâm của mình, bớt tham nhũng hối lộ, bớt phong bì, hãy dùng tiền của dân cho đúng chức năng của nó, tu sửa cải tiến bệnh viện, thêm giường thêm thuốc, gia tăng và huấn luyện nhân viên để đối xử với bệnh nhân cho đúng cách.
Khi đó thì sẽ chỉ còn những lời cám ơn chân thành thay vì tát vào mặt hay bắn vào nhân viên khi bệnh viện như hiện nay khi cả nền y tế quốc gia nói chung, đang nằm trong tay của các Bà Bộ, các Ông Thứ toàn là những kẻ ăn hại và chỉ biết đổ vạ!
Leave a Comment