Chỉ là chưa quá muộn cho Nguyễn Phú Trọng nếu ông ta vẫn còn muốn bảo vệ “sự tồn vong của chế độ”, tránh cảnh dân có thể vào tận giường quan chức để “hồi tố”.
Ngay sau vụ khủng hoảng Đồng Tâm ở ngay thủ đô chính trị Việt Nam, rất nhiều tổ chức xã hội dân sự đã ra tuyên bố với yêu sách: “đảng lãnh đạo toàn diện” phải từ bỏ ngay lập tức chế độ “sở hữu đất đai toàn dân”, công nhận quyền sở hữu tư nhân về đất đai và chấm dứt phong trào thu hồi đất cực kỳ bất công mà chỉ có thể gây ra “phiến loạn”.
Thật ra, những yêu sách trên không phải lần đầu tiên xuất hiện. Từ năm 2005, khi làn sóng dân oan đất đai khiếu kiện đông người bùng nổ ở các trụ sở tiếp công dân và ủy ban hành chính, rất nhiều ý kiến và công luận đã lên tiếng đòi hỏi nhà nước phải bỏ sở hữu đất đai toàn dân – nguồn cơn chính yếu đẩy người dân vào cảnh mất đất, mất kế sinh nhai, bị bần cùng hóa và phát sinh hàng ngàn cuộc biểu tình lớn nhỏ hàng năm.
Nhưng trái ngược với mong mỏi của người dân về quyền sở hữu đất cần được quy định trong luật, Hiến pháp 2013 vẫn cho rằng: vì đất đai thuộc sở hữu toàn dân nên không đặt vấn đề trưng mua vì tổ chức, cá nhân chỉ có quyền sử dụng, không có quyền sở hữu; đặc biệt là vẫn thu hồi đất đối với các dự án kinh tế xã hội.
Thậm chí vào năm 2013, trong một tư duy bị xem là không thể điên loạn hơn, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội là ông Phan Xuân Dũng đã đề một “phát kiến”: “Cần có quy định bắt buộc người khiếu nại tố cáo ứng ra một khoản tiền đặt cọc. Thua thì coi như mất tiền đặt cọc, còn kiện đúng thì tiền cọc mới được nhà nước hoàn trả”.
Đến thế! Để sau khi Hiến pháp năm 2013 được một Quốc hội bị xem là ‘bù nhìn” đồng loạt gật đầu, các nhóm lợi ích vẫn ung dung trục lợi với sự “bảo kê” mới từ bản tân Hiến pháp về cơ chế thu hồi đất.
Trong tận cùng tâm não của mình, Đảng và Quốc hội “của dân, do dân, vì dân” vẫn chưa hề nhận ra những sự kiện Ô Khảm ở Trung Quốc vào cuối năm 2011, Tiên Lãng ở Việt Nam vào đầu năm 2012, Thái Bình năm 2013… đã quá đủ để cấu thành một bài học nhãn tiền cho những gì có tính quả báo thời nay. Từ đó đến nay, đảng vẫn cố thủ trong lớp bê tông ý thức hệ mác xit, mà thực chất bên trong là bộ ruột lòng lợi ích nhóm của các tập đoàn tài phiệt và mafia bất động sản.
Cuối cùng, cái gì phải đến đã đến. Sau vụ giáo dân Hà Tĩnh chiếm trụ sở Ủy ban nhân dân huyện Lộc Hà vào tháng 3/2017, vụ nông dân Đồng Tâm đặt dấu ấn trong lịch sử phản kháng chế độ bằng hành động bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động cùng một số quan chức vừa công an vừa chính quyền đã chính thức chấm dứt thời hoàng kim công an trị. Khác hẳn với cảnh trước đây công an gần như muốn bắt ai thì bắt và không hề nương tay với dân oan đất đai, bây giờ hầu như toàn miền Bắc, một phần miền Trung và có thể cả một số địa phương ở miền Nam, đều tràn ngập “điểm nóng đất đai” mà có thể phát sinh việc bắt giữ cá nhân công an hay đơn vị công an vào bất kỳ lúc nào nếu bị đàn áp.
Cũng là lần đầu tiên, đảng phải hạ mình đầu hàng trước tinh thần quyết tử giữ đất của người dân.
Chỉ sau khi xảy ra vụ khủng hoảng Đồng Tâm, một ít quan chức đảng như Trần Đại Quang, Nguyễn Đức Chung mới bắt dầu hé miệng về “sửa Luật Đất đai”. Nhưng lại không có một “sáng kiến” nào về việc sẽ sửa như thế nào.
Nhưng dù có sửa chăng nữa thì vẫn là quá muộn. Quá muộn đối với người dân, bởi sau hai chục năm kể từ cuộc cách mạng Thái Bình của nông dân phản kháng nhà cầm quyền, ở Việt Nam đã sinh ra một giai tầng mới hàng triệu người mất đất hoặc bị thiệt hại bởi chính sách đền bù rẻ mạt.
Chỉ là chưa quá muộn cho Nguyễn Phú Trọng nếu ông ta vẫn còn muốn bảo vệ “sự tồn vong của chế độ”, tránh cảnh dân có thể vào tận giường quan chức để “hồi tố”.
Không còn cách nào khác, ông ta – Nguyễn Phú Trọng – phải chấp nhận xóa bỏ ngay “sở hữu đất đai toàn dân” trong Luật Đất đai, công nhận quyền sở hữu đất đai tư nhân và do đó đồng thời phải sửa luôn Hiến pháp 2013 về nhu cầu sinh tử này.
Thiền Lâm – VNTB
Trả lại quyền tư hữu đất đai cho người dân là góp phần ổn định xã hội
Video: Youtube Chân Trời Mới Media
Leave a Comment