Theo tôi, nhân dịp sắp kỷ niệm 30/4 năm nay, nhất là khi các vỉa hè Sài Gòn đang bị đập phá như thời chiến tranh, bài hát “Du mục” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất nên bị cấm lưu hành vĩnh viễn, vì có nhiều lời lẽ ám chỉ một cách ác cảm nhằm bôi nhọ hình ảnh các chiến sĩ giải phóng quân năm nào. Cụ thể như sau:
“Đàn bò vào thành phố
Đêm buồn vắng buồn hơn
Đàn bò vào thành phố
Không còn ai hỏi thăm
Đàn bò tìm dòng sông
Nhưng dòng nước cạn khô
Đàn bò bỗng thấy buồn, bỗng thấy buồn
Rồi một hôm đứng mơ mây ngàn
[…]
Con đi hoang
Con đi hoang một đời
Con đi hoang phận này
Đàn bò vào thành phố
Reo buồn tiếng hạt chuông”
Mặc dù sáng tác bài này trước 1975, nhưng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã vội vã tưởng tượng ra một hình ảnh không thích hợp với khí thế tiến công vũ bão của quân giải phóng vào các đô thị miền Nam phồn vinh giả tạo dưới thời Mỹ-Nguỵ.
Thay vì mô tả các chiến sĩ giải phóng quân bước đi hùng dũng, chẳng hạn “rầm rập bước chân ta đi rung chuyển đường phố Sài Gòn”, thì lại dùng hình ảnh “đàn bò” đi vào chỗ người ở, khiến cư dân con người trở thành “con đi hoang” bỏ xứ ra đi để khỏi sống với bò.
“Con đi hoang một đời, con đi hoang phận này” không phải là sự tiên đoán một thế hệ miền Nam vượt biên lưu vong nơi đất khách quê người sao? Tất cả là tại đàn bò vào thành phố thôi. Bò đi đến đâu, thì người bỏ đi hoang khỏi nơi đó.
Những bài hát như thế nếu không cấm vĩnh viễn sẽ có ngày tạo cảm hứng để nhạc sĩ nào đó lại khắc hoạ hình ảnh [Viet] Kong, thay vì bò, vào thành phố. Do vậy rất nên cấm!
Không biết tôi phê bình “âm nhạt” như vậy có đúng không, các bạn?
Nguồn: Fb. Lê Công Định
Leave a Comment