Không phải tình cờ, Việt Nam vừa có cuộc đón tiếp trọng thể, gần như cùng lúc, người đứng đầu của hai nước Israel và Singapore. Cũng giống như mọi cuộc đón khách cấp nhà nước, đủ nghi lễ trọng thị, hội đàm, hội kiến, bắt chân bắt tay, mời nhau sang thăm, nhận lời và cười vui vẻ.
Điều đáng nói, đây là hai nước nhỏ. Nhưng nhỏ mà không nhỏ, nhỏ mà có võ, bé hạt tiêu. Rất giàu và mạnh, vào loại hàng đầu thế giới, tiếng nói rất có sức nặng, giá trị. Cả hai nước được hàng trăm quốc gia trên quả địa cầu này coi là hình mẫu, đích phấn đấu của mình. Ở chừng mực nào đó, ngay cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, chứ chưa cần kể ra Nga, Trung Quốc, Pháp, Hàn, cũng phải học tập họ (Israel, Sing).
Để trở thành giàu có, Israel và Singapore chỉ trước sau đi theo con đường phát triển kinh tế tư bản, chưa có 1 phút vướng vào lối đi kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Hai nước này vốn cực kỳ nghèo tài nguyên. Không có rừng vàng biển bạc. Không có lợi thế núi tiền chôn dưới lòng đất. Chỉ có sa mạc, nắng cháy, cát bỏng (như Israel), đất đai chật chội, ngay cả nước cũng cực kỳ thiếu thốn, phải tiết kiệm từng giọt (cả hai nước). Dân ít, nguồn lao động không dồi dào. Luôn bị nước ngoài đe dọa đánh nhau, phải căng ra mà chống đỡ (Israel)… Có nghĩa là để đi lên được, trở thành giàu có, mạnh mẽ không dễ chút nào. So với họ, xứ này còn thuận lợi hơn nhiều.
Nay thì hai nước ấy nằm trong tốp đầu của những nước giàu có nhất thế giới, còn xứ ta thì ai cũng biết, chả cần nói ra đây.
Trước kia thì còn bảo tại chiến tranh, đổ cho chiến tranh và hậu chiến. Giờ đã qua gần nửa thế kỷ rồi, đổ vậy không ổn, bèn đổ cho… Trung Quốc. Lý do, ở bên cạnh nó, nó nham hiểm, nó phá phách, nó đạp thúng đụng nia, nó v.v.. Tức là tại khách quan hết, không phải tại mình. Mình lúc nào cũng đúng, đường mình đi chả bao giờ sai.
Tôi nhận thấy, khi khen nhau đãi bôi mấy câu vừa lòng chủ khách, ngoại trừ khách là mấy ông Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, thì chưa có vị khách nào đứng đầu nước khác lại khen Việt Nam thành công nhờ con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Họ chỉ chúc mừng những thành tựu Việt Nam đã đạt được, hy vọng đạt được nhiều hơn nữa (văn mẫu nó vậy). Cứ qua hai ông Tổng thống Israel Reuven R.Rivlin và Thủ tướng Lý Hiển Long nói gì mấy ngày vừa rồi là rõ ngay.
Một quốc gia muốn độc lập, tự chủ thì quốc gia ấy phải mạnh. Muốn mạnh thì phải chọn con đường đi đúng. Nhỏ và nghèo như Israel và Singapore nhưng họ đã chọn đường đi đúng nên đã thành công. Nâng tầm cao và đi vào chiều sâu phải như thế.Xứ này cứ miệt mài dấn bước vào con đường mịt mờ chủ nghĩa xã hội, đi mà không biết sẽ tới đâu, ru ngủ là chính, tự lừa mình, lừa nhau, lừa dân, cứ đi, đi mãi không đến đích. Dù có lý sự bảo rằng đó là áp dụng sáng tạo vào hoàn cảnh Việt Nam, mang đặc trưng, bản sắc Việt Nam, kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa… mà cứ hết thập niên này đến thập niên khác trôi đi trong vô vọng, thử hỏi được cái gì.
Một đường lối đã chọn, đi từ hết đói nghèo này đến nghèo đói khác, có đáng để tồn tại, dây dưa, dai dẳng mãi không?
Đảng muốn cầm quyền, cứ cầm quyền, nhưng lôi cả dân tộc vào cuộc thí nghiệm thế kỷ không có kết thúc thì quả thật nhẫn tâm. Xung quanh ta, thế giới tiến lên vùn vụt, còn ta cứ loay hoay với mớ bòng bong chủ nghĩa xã hội, nếu là kẻ có trí, thức thời thì chả thế bao giờ.
Muốn biết con đường các vị chọn có đúng hay không, ai hơi đâu tranh cãi làm chi, mà chả thể nào cãi nổi kẻ cai trị có vũ lực, cách đơn giản nhất là tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đàng hoàng, khách quan, tử tế để dân lựa chọn.
Dân chúng không cần đường lối chính trị này nọ. Họ thiết thực, họ chỉ cần dân giàu nước mạnh, hạnh phúc, tự do. Cái gì đem đến những điều ấy thì họ chọn. Họ muốn nó có trên đời chứ không nằm mãi trong mấy câu khẩu hiệu.
Nguồn: Blog Nguyễn Thông
—
Video: Vì sao có nước cứ mãi nghèo?
Leave a Comment