Quảng Cáo

Cần sớm luật hóa quyền biểu tình theo Hiến pháp năm 2013

Quảng Cáo

(VNTB)- Mặc dù nhà cầm quyền đã dốc toàn lực ra ngăn cản, lập chốt canh giữ những người mà họ cho là có tầm ảnh hưởng tới số đông để ngăn chặn, nhưng cuộc biểu tình vẫn nổ ra khắp nơi trên cả 3 miền Bắc – Trung – Nam.

***

Cuộc biểu tình hôm Chủ nhật 5-3-2017 đã biến lời kêu gọi của Linh mục Nguyễn Văn Lý thành hành động. Người dân đã nhận thức được hiểm họa môi trường độc hại tràn lan trên cả nước, sự tụt hậu mọi mặt của nền kinh tế-văn hóa-xã hội, sự tha hóa của nạn tham ô-tham nhũng và đặc biệt là nguy cơ xâm lược thâm độc của Trung Quốc đã cận kề.

Biểu tình là Hiến định

Quyền biểu tình là một quyền dân sự, chính trị quan trọng của con người, được ghi nhận trong Hiến pháp của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, quyền biểu tình được ghi nhận trong các bản Hiến pháp từ năm 1959 đến năm 2013. Hiến pháp năm 1946 tuy không ghi nhận trực tiếp quyền này, nhưng có thể hiểu quyền biểu tình là nội hàm của quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp theo quy định tại Điều thứ 10.

Từ quy định tại Điều 69 (Hiến pháp 1992) và Điều 25 (Hiến pháp 2013), cũng như các quy định ở trong Chương V (Hiến pháp 1992), trong Chương II (Hiến pháp 2013) về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, có thể rút ra một số nhận định sau:

Thứ nhất. Biểu tình là việc nhân dân bày tỏ chính kiến của mình nhằm thực hiện quyền làm chủ (Điều 2), quyền tham gia quản lý nhà nước và xã hội (Điều 53, Hiến pháp 1992; Điều 28, Hiến pháp 2013) của mình, góp phần thúc đẩy sự công bằng, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Thứ hai. Hiến pháp “là luật cơ bản của Nhà nước, có hiệu lực pháp lý cao nhất. Mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với Hiến pháp” (Điều 146, Hiến pháp 1992; Điều 119, Hiến pháp 2013).

Hiến pháp 1992 và Hiến pháp 2013 hoàn toàn không trao cho Chính phủ quyền ban hành Nghị định để hạn chế quyền công dân. Do vậy, việc chính quyền ban hành và viện dẫn Nghị định quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng số 38/2005/NĐ-CP và Thông tư số 09/2005/TT-BCA để ngăn cản biểu tình là vi phạm Hiến pháp.

Thứ ba. Cụm từ “theo quy định của pháp luật” (Hiến pháp 1992), “do pháp luật quy định” (Hiến pháp 2013) có nghĩa là tuân theo những quy định thuộc về pháp luật khi đã có hiệu lực, chứ không phải chưa có hiệu lực.

Như vậy, nếu chưa có quy định của pháp luật tương ứng thì điều đó có nghĩa rằng, quyền biểu tình của công dân theo Điều 69 Hiến pháp 1992 và Điều 25 Hiến pháp 2013, không có bất cứ hạn chế nào.

Ở Việt Nam, biểu tình là một “quyền treo”

Mặc dù quyền biểu tình luôn được ghi nhận trong Hiến pháp, nhưng trên thực tế, quyền này hầu như chưa được thực hiện ở Việt Nam. Vì chưa có Luật về biểu tình, nên dẫn đến cách hiểu về biểu tình, cách thức thực hiện quyền biểu tình khác nhau.

Với tâm lý e ngại bất ổn, biểu tình luôn được hiểu là tụ tập đông người, là gây rối trật tự công cộng, là chống đối. Việc không có luật lại không được hiểu theo cách hiểu chung của thế giới là quyền đó không bị giới hạn, mà lại được hiểu là người dân chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện quyền của mình trên thực tế. Tình trạng này đã dẫn đến một thực tế là những người không hiểu biết pháp luật thì nghi ngại, người hiểu biết pháp luật thì dù hiểu là mình có quyền biểu tình theo Hiến pháp, nhưng lại e dè khi nghĩ rằng mình hiểu đúng, nhưng chắc gì chính quyền đã hiểu như mình. Tâm lý này tạo ra một vòng luẩn quẩn trong cách thực hiện quyền biểu tình của người dân. Chính quyền thì trì hoãn, còn nhân dân thì e dè và khi bức xúc, không có cách nào khác là biểu tình tự phát.

Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng.

Tuy nhiên, Nghị định này lại nhằm để điều chỉnh hành vi “tập trung đông người ở nơi công cộng” chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình. Cần phải hiểu rõ việc tập trung đông người ở nơi công cộng có thể là một hình thức của biểu tình nhưng chưa chắc đã là hoạt động biểu tình.

Theo quy định của Nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi có sự “cho phép” Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền. Quy định này là hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Biểu tình là một quyền tự do, người dân chỉ cần “thông báo” đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là “xin – cho”.

Đồng thời, các quy định của Nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý, chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định để điều chỉnh.

Là kênh giao tiếp giữa người dân – nhà cầm quyền

Luật Biểu tình không chỉ là đòi hỏi của một xã hội văn minh, dân chủ và pháp quyền mà Luật Biểu tình còn là kênh quan trọng nhằm duy trì trật tự xã hội. Không ai có thể phủ nhận những đóng góp tích cực của các cuộc biểu tình. Đó là kênh giao tiếp quan trọng giữa nhân dân với chính quyền, nó góp phần làm các bên hiểu biết và dễ chia sẻ với nhau hơn.

Với các cuộc biểu tình ủng hộ, đương nhiên, Nhà nước tìm thấy trong đó những tiếng nói khích lệ, sự đoàn kết, ủng hộ của dân chúng với các chủ trương đúng đắn. Còn với các cuộc biểu tình phản đối, phải hiểu đó không phải là sự chống đối của người dân, mà đó chính là kênh quan trọng để người dân bày tỏ quan điểm một cách hòa bình, góp phần để Nhà nước phát hiện ra những sai sót, yếu kém trong quản lý để từ đó nhanh chóng khắc phục.

Biểu tình chính là một kênh phản biện xã hội quan trọng cần có trong một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Không ai có thể chối cãi rằng, quyền biểu tình là quyền hiến định quan trọng của nhân dân và Hiến pháp luôn luôn có hiệu lực trực tiếp. Việc chưa có Luật Biểu tình không có nghĩa là người dân không được phép biểu tình, mà theo tinh thần của nhà nước pháp quyền, việc chưa có Luật Biểu tình phải được hiểu là quyền biểu tình của người dân chưa bị hạn chế bởi bất cứ quy định pháp luật nào. Như vậy, tư duy lo ngại có Luật Biểu tình sẽ đồng nghĩa với việc có một kênh hợp pháp cho nhân dân chống phá Nhà nước là một tư duy hoàn toàn sai lầm và cần loại bỏ.

Cần phải hiểu, có Luật Biểu tình nghĩa là có một kênh quan trọng để nhân dân thực hiện quyền tự do của mình trong khuôn khổ pháp luật, và cũng là một kênh quan trọng để Nhà nước thực hiện việc quản lý của mình.

Có Luật về biểu tình có nghĩa là người dân có thêm một công cụ để thực hiện quyền của mình. Có Luật về biểu tình có nghĩa là nhân dân và Nhà nước đã trở thành những đối tác tin cậy để cùng nhau xây dựng nhà nước pháp quyền.

Luật Biểu tình chính là một biểu hiện của cung cách ứng xử văn minh và sòng phẳng giữa cả hai bên Nhà nước và dân chúng.

***

Nguyễn Linh Giang – Nguyễn Phúc – http://www.ijavn.org/2017/03/vntb-can-som-luat-hoa-quyen-bieu-tinh.html

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux