Cuộc “bạo loạn” diễn ra vào ngày 28 Tháng 2, 2017 vừa qua tại công ty Hàn Quốc Samsung ở Bắc Ninh được nhận định là một biến cố “gây sốc” với số lượng công nhân đông đảo hàng mấy ngàn người mặc đồng phục công nhân, nổi loạn để bày tỏ sự bất mãn và cơn giận dữ của họ.
Theo tin của VnExpress dẫn lời một nhân chứng thì sau giờ làm việc, khi các công nhân xếp hàng làm thủ tục rời khỏi công trường thì có một công nhân người Việt đã bị lực lượng bảo vệ, cả Hàn và Việt, bắt nhốt vào phòng và hành hung mà hàng chục công nhân khác đã chứng kiến. Những công nhân này đã nổi giận kéo vào can thiệp, đập các máy quay phim và thiết bị.
Cũng trong video, người ta thấy ở nhiều đoạn, các công nhân đã nỗ lực để phá cửa mấy căn phòng, thậm chí thay phiên dùng búa để phá ổ khoá, hẳn là với ý định giải thoát cho người đồng nghiệp bị giam giữ và hành hung trong đó.
Với kỹ thuật thu hình tân tiến hiện đại, các video đã cho thấy và lột tả rõ ràng sự việc, từ xa cũng như ở gần, diễn tiến của cuộc bạo loạn.
Theo công an Bắc Ninh thì nguyên nhân dẫn đến xô xát là do “hệ thống kiểm soát an ninh tại các cổng của nhà máy hoạt động chậm, lực lượng bảo vệ có sơ suất trong khi làm nhiệm vụ, lượng công nhân thi công ở công trường đi làm nhiều, bị ùn với số lượng rất đông, tới hàng nghìn người, dẫn đến hiểu lầm và xô xát với một bảo vệ công trường”, nhưng không thấy nhắc đến việc người công nhân Việt Nam bị bắt nhốt và hành hung.
Xem kỹ các đoạn video và đọc những thông tin từ công an nhà nước CSVN thì có thể rút tiả ra một số điều sau.
Thứ nhất là số lượng đông đảo công nhân tham dự cuộc bạo loạn. Những người tham dự không hành xử như những người tham gia những cuộc biểu tình hay tuần hành bình thường trong trật tự quy củ mà tích cực tham gia vào cuộc bạo loạn, hò hét, dùng tay chân và sức lực, và di chuyển với tốc độ nhanh trong một tình trạng khẩn trương để trút ra cơn giận.
Thứ hai, người ta đã nghe thấy tiếng nổ khá lớn, và khói bốc ra nhiều lần tương tự như lựu đạn cay khiến vài lần những người biểu tình đã phải dãn ra để tránh mặc dù đã quấn che mặt bằng khăn. Rõ ràng là không khí của một cuộc biểu tình bạo loạn.
Nếu nói rằng nguyên nhân dẫn đến bạo loạn xô xát là chỉ do có sự hiểu lầm giữa công nhân và bảo vệ thì chắc chắn là không chính xác. Để kích động một số đông nhiều ngàn công nhân tham gia vào một cuộc biểu dương mạnh bạo như video đã cho thấy thì nguyên do không thể chỉ đơn giản như vậy, mà hẳn nhiên phải là một hành vi nào đó rất chướng tai gai mắt và bất công cao độ, như bắt nhốt và hành hung phi pháp, khiến cho cả một số đông công nhân phẫn uất và trút ra thành hành động bạo lực. Điều đó dường như đã được chứng thực qua lời của nhân chứng mà VnExpress đã dẫn lời.
Điều làm cho những người theo dõi cuộc bạo loạn “bực mình” chính là thái độ luôn tìm cách che giấu sự thật của nhà cầm quyền CSVN. Thay vì nói ra sự thật, đưa ra nguyên do đích thực tạo nên sự tức giận dẫn đến bạo loạn của công nhân, mà ở đây chính là hành vi phạm pháp của các nhân viên bảo vệ công ty Samsung khi bắt nhốt và hành hung công nhân, là điều luật hoàn toàn trái pháp luật. Thái độ và cách hành xử của nhà cầm quyền Bắc Ninh chỉ có thể ví với tác phong của một đám người đã bị Samsung mua chuộc, phải nói ra những lời bao che cho những việc làm rõ ràng là sai trái của Samsung.
Từ đó, nghĩ xa hơn, người ta tự hỏi phải chăng những chuyện bắt nhốt và hành hung nhân viên tại công ty Samsung này đã xẩy ra nhiều lần, đã được loan truyền từ trước, đã gây nên tình trạng bất mãn âm ỉ, chỉ chờ ngày bột phát, mà sự việc ngày 28/2 vừa qua chỉ là giọt nước làm tràn ly. Lập luận và nghi ngờ như vậy chắc cũng không làm ai ngạc nhiên vì đã từ lâu chuyện công nhân người Việt bị hà hiếp, hành hung trong các công ty do người ngoại quốc làm chủ ở Việt Nam đã được nghe nói đến rất nhiều.
Một điểm tuy nhỏ nhưng lại mang nhiều ý nghiã là lời kêu gọi của những công nhân nào đó, “đừng đánh nữa, đừng đánh nữa!”, vì nó cho thấy nét văn hoá nhân bản và nhân đạo trong cốt lõi của người dân Việt. Hành động là để ngăn cản tội ác, chứ không phải để gây thêm tội ác.
Nhưng có lẽ điều quan trọng nhất mà người xem video cảm nhận được đó chính là thấy được sức mạnh của số đông, một sức mạnh tạo cảm giác vô địch, không gì có thể cưỡng lại được, và cùng lúc sự sợ hãi dường như cũng không còn hiện hữu.
Trước Samsung Bắc Ninh, người ta nhớ lại các biến cố “cơn mưa đá lên đầu lực lượng cảnh sát cơ động” ở Samsung Thái Nguyên vào đầu Tháng 1, 2014, và cuộc phản đối công ty Nhiệt Điện Vĩnh Tân gây ô nhiễm môi trường vào Tháng 4, 2015.
Phải chăng đây là những điềm báo cho một cuộc Toàn Dân Tổng Nổi Dậy đang lấp ló ở chân trời để chấm dứt cái chế độ Cộng Sản Việt Nam đã hết thời này?
Hoàng Trường CTM Media
Leave a Comment