Quảng Cáo

Minh định về con đường đấu tranh!

Martin Luther King Jr. - một nhà hoạt động xã hội - đã lãnh đạo phong trào đấu tranh cho dân quyền tại Mỹ từ giữa thập niên 1950 cho đến khi bí ám sát chết năm 1968. Ảnh: Biography

Quảng Cáo

Gần đây trên trang facebook của tôi sau loạt bài phân tích về chế độ hiện tại, có nhiều comment vào hô hào cách thức lật đổ chính quyền bằng bạo lực. Đại loại những ý kiến này tập trung vào ý tưởng chờ đợi hoặc thúc đẩy khủng hoảng kinh tế ở Việt Nam, trông đợi nền kinh tế rơi vào đáy khủng hoảng và đói nghèo, trên cơ sở đó thúc đẩy sự bức xúc và tiến tới lật đổ chính quyền hoặc bằng áp lực hoặc bằng bạo lực. Tôi muốn nói rõ rằng, đó là sự ảo tưởng và ngu đần. Đó là một dạng khác của cực đoan và nó cũng xấu xa không kém độc tài cộng sản.

Hầu hết những người hô hào lật đổi chính quyền một cách cực đoan có lẽ chưa bao giờ tự hỏi: Trong 50 năm qua, các cuộc cách mạng đã diễn ra ở nhiều nước độc tài, vậy còn tại các nước tư bản có nền chính trị tự do thì sao?

Thực tế mà ít người nhận ra, số cuộc cách mạng tại các nước tư bản nhiều gấp đôi nếu không muốn nói là nhiều gấp ba các nước độc tài. Có điều rất cả các cuộc cách mạng này đều diễn ra trong hoà bình và dựa trên một nền tảng căn bản: “Sự tiến bộ về dân trí và nhận thức”.

Lấy ví dụ từ chính nước Mỹ, dù lập quốc với một bản hiến pháp về căn bản là bất biến cho đến tận ngày nay, và có một nền chính trị tự do ngay từ ngày đầu lập quốc, nhưng phải mất gần 200 năm, phụ nữ Mỹ mới có quyền bầu cử (năm 1920). Thời điểm kết thúc thế chiến thứ hai năm 1945, Mỹ vẫn là một quốc gia phân biệt chủng tộc nặng nề dù Abraham Lincon đã tuyên bố xoá bỏ chế độ nô lệ trước đó 81 năm (1861).

Và phải đến khi Martin LutherKing phát động cuộc đấu tranh bất bạo động trong nhiều năm trời, xã hội Mỹ mới bắt đầu biến chuyển. Sau khi Luther King bị ám sát năm 1968, nước Mỹ vẫn còn phải đi một chặng đường dài trong cuộc cách mạng đòi quyền bình đẳng, thậm chí chính Michael Jackson, một tượng đài âm nhạc có ảnh hưởng lớn đến văn hoá Mỹ và thế giới, cũng từng là một nạn nhân của tệ phân biệt chủng tộc.

Cho đến tận năm 2008 khi Obama thắng cử, nước Mỹ đã mất 63 năm để đạt được những tiến bộ về căn bản trong cuộc cách mạng cho sự bình đẳng của nó. Cũng trong cùng thời kỳ, có 3 cuộc cách mạng công nghệ nối tiếp nhau diễn ra trong lòng nước Mỹ. Tất cả đều dựa trên nền tảng của tiến bộ nhận thức và hoà bình. Nó mang lại những thành quả văn minh bền vững.

Nhìn vào lịch sử thế kỷ 20, có thể thấy tất cả các cuộc cách mạng về chính trị dựa trên bạo lực đều để lại hậu quả vô cùng nặng nề, phần lớn trường hợp đều không đạt được mục đích cho sự thịnh vượng, vốn là mục đích tối hậu của mọi sự tiến bộ xã hội.

Có lẽ ít ai còn nhớ rằng Iraq, Syria, Lybia đều từng là những quốc gia thịnh vượng, với mức thu nhập bình quân đầu người xếp trên mức bình quân thế giới (cao gấp hàng chục lần Việt Nam trong quá khứ). Vậy mà hiện nay, sau hàng thập kỷ tính từ cái chết của Saddam Hussein, Iraq vẫn đang trong tình trạng chiến tranh và chỉ còn là cái bóng của chính mình. Điều tương tự cũng đang diễn ra tại Syria, Lybia.

Những cuộc cách mạng dựa trên bạo lực và hoang tàn, nó không những dễ dàng thúc đẩy mà còn bị chi phối bởi những xu hướng cực đoan. Kể cả trong tình huống may mắn nhất nếu có một nền chính trị dân chủ được thành lập thì nền văn minh vốn đã từng có cũng đã bị tàn phá và kéo lùi nhiều thập kỷ bởi chiến tranh. Đây là một con đường sai lầm. Đấu tranh cho tiến bộ xã hội trước hết và bao giờ cũng phải dựa trên sự thịnh vượng và thúc đẩy thịnh vượng, bởi nếu không mang lại thịnh vượng cho người dân thì cuộc đấu tranh có ý nghĩa gì?

Có lẽ cũng rất nhiều người từng quên rằng Hàn Quốc cũng từng bị cai trị bởi những chế độ độc tài liên tiếp nhau. Trước khi có nền chính trị dân chủ như hiện nay, người Hàn Quốc cũng từng phải đấu tranh bất bạo động trong nhiều thập niên. Dù rằng nền chính trị tự do ở Hàn Quốc đã được thúc đẩy sau cái chết của tổng thống Park Chung Hee khi ông ta bị ám sát vào năm 1979, tuy nhiên về cơ bản đất nước ấy đã lật đổ được chế độ độc tài trong hoà bình. Tất cả đều dựa trên nền tảng tiến bộ kinh tế và nhận thức.

Cũng là một sự chuyển hoá hoàn toàn hoà bình, người Đài Loan sau nhiều thập kỷ nằm dưới quyền cai trị độc tài của gia tộc Tưởng Giới Thạch, cuối cùng cũng đạt được một nền chính trị tự do. Cũng chẳng hề có cuộc đấu tranh bạo lực nào diễn ra ở Đài Loan. Người dân đất nước ấy cần mẫn xây dựng nền kinh tế và đấu tranh đòi tự do chính trị trong ôn hoà. Khi thấy không thể kìm kẹp một cộng đồng đã có trình độ rất cao về tư duy, Tưởng Kinh Quốc chịu nhượng bộ và chấm dứt nền cai trị độc tài.

Có nhiều ý kiến tranh cãi, đại loại chính những khó khăn kinh tế nghiêm trọng đã dẫn tới sự sụp đổ các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu. Điều đó đúng, nhưng chỉ một phần. Xét về mặt kinh tế, dù gặp khó khăn lớn vào cuối những năm 1980 nhưng mức sống, nền kinh tế và trình độ khoa học kỹ thuật của các nước Đông Âu vẫn cao hơn mức bình quân thế giới và vượt xa Trung Quốc lẫn Việt Nam.

Vậy tại sao cộng sản lại trụ được ở Việt Nam, khi cả nước đói ăn vào năm 1985, dân phải ăn bo bo và ngửa tay xin viện trợ lương thực, lạm phát 3 con số liên tiếp đến tận năm 1991, trong khi đó cộng sản lại sụp ở Liên Xô khi chẳng ai ở đó đói vì đất quá rộng, tài nguyên quá nhiều và mật độ dân thì quá ít?

Lý do đơn giản: Dân trí của họ cao hơn nhiều ở đây. Ba Lan có khoảng 30 triệu dân mà có tới 10 triệu người xuống đường tham gia phong trào công đoàn đoàn kết, người Nga nắm tay nhau làm hàng rào sống chặn xe tăng tiến về dinh tổng thống Boris Enxin…

Trong khi đó dù đói vàng mắt nhưng ở TQ lẫn Việt Nam chẳng có gì ngoài một đám sinh viên lẻ loi bị tàn sát tại Thiên An Môn, số còn lại vẫn rất thần tượng bác Mao với lại bác Hồ. Dân trí, do đó là gốc rễ cho mọi sự tiến bộ xã hội.

Những cuộc cách mạng ấy có nhiều điểm không hoàn toàn giống nhau, diễn ra trong những bối cảnh lịch sử và văn hoá khác nhau, nhưng đều có điểm chung: Dựa trên nền tảng tiến bộ về nhận thức của con người.

Đây cũng chính là điều tôi muốn nhìn thấy ở Việt Nam. Với một đất nước có nền văn hoá tiểu nông như ở Việt Nam, đồng thời có sự chia rẽ hết sức nặng nề về chính trị và văn hoá, mọi cuộc đấu tranh dựa trên nền tảng đói nghèo và bạo lực đều sẽ chỉ dẫn đến hai hậu quả cơ bản: Trước hết là tất cả những thành quả người Việt Nam đã đạt được trong ba thập niên chuyển hướng sang kinh tế thị trường đều có nguy cơ bị xoá sổ.

Thứ hai là trong tình huống bạo lực lan tràn, đất nước rất dễ rơi vào vòng xoáy của những thế lực cực đoan, nhất là khi các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Việt Nam can thiệp phá hoại bằng cách này hay cách khác (mà chúng chắc chắn sẽ làm). Đó sẽ là một tình huống không thấy ngày mai, nó chỉ thay thế một ác mộng bằng một cơn ác mộng kế tiếp.

Mọi cuộc cách mạng hướng tới văn minh ở Việt Nam, nhất định phải được xây dựng trên nền tảng của sự tiến bộ về tư duy và bằng phương thức hoà bình.

Để thúc đẩy sự tiến bộ về nhận thức, nền tảng bền vững của nó chính là sự phát triển về kinh tế, văn hoá và đặc biệt là sự giao lưu hội nhập với thế giới văn minh. Cùng với nó là sự kiên trì nhưng bền bỉ của những công dân tiến bộ trong việc phổ biến những tư tưởng tiến bộ một cách hoà bình, thổi luồng khao khát tự do vào xã hội. Đi kèm theo đó là việc thúc đẩy các phong trào xã hội dân sự, đòi hỏi về nhân quyền, đòi chống tham nhũng, đòi chống bất công, đòi tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và cuối cùng tiến tới đòi quyền bầu cử tự do, quyền lập chính đảng và quyền tự do chính trị.

Đó chắc chắn là con đường đấu tranh đạt được thành quả bền vững nhất và cũng chỉ có nó mới là cách giúp đất nước này hướng tới sự thịnh vượng và văn minh, tránh được vũng lầy chiến tranh luôn gắn liền tàn phá và luôn là mảnh đất hứa nuôi dưỡng sự cực đoan.

Trong nhiều năm, tôi có sự chiêm nghiệm rất rõ về tiến trình thức tỉnh tư duy ở Việt Nam. Cùng với sự hội nhập với quốc tế và đặc biệt là cùng với sự xuất hiện của ngày càng nhiều các nhà đấu tranh ôn hoà, số người Việt Nam giác ngộ về nhận thức ngày một tăng theo thời gian.

Chiều hướng mà người Việt Nam từ bỏ việc công nhận tính chính danh của nền cai tri độc tài và hướng về các khao khát tự do là một chiều hướng không có sự đảo ngược. Đó là những tiến bộ xã hội bền vững.

Tôi tin rằng khi số người Việt thức tỉnh đủ lớn và sẵn sàng xuống đường tuần hành đòi quyền tự do bầu cử, đó sẽ là lúc bình minh lên ở đất nước này. Cách đây ít lâu thôi, phong trào “Một lá phiếu, một cái tên” trong cuộc bầu cử quốc hội khoá XIV đã có được sự hưởng ứng không hề nhỏ, điều vốn chưa từng xuất hiện ở Việt Nam.

Con đường đấu tranh cho Việt Nam, do đó luôn luôn phải dựa trên nền tảng thúc đẩy sự thức tỉnh về tư duy, bảo tồn và thúc đẩy sự thịnh vượng vì chẳng thể có trình độ nhận thức cao trên một nền tảng vô giáo dục và đói nghèo. Đó cũng chính là tư tưởng cốt lõi nhất của nhà tư tưởng Phan Chu Trinh, một trí tuệ vượt thời gian của người Việt. Đó cũng là con đường mà tôi đã và sẽ luôn theo đuổi.

P/S Dù luôn khuyến khích sự tự do trao đổi, nhưng trang nhà tôi nhất định và luôn luôn từ chối mọi quan điểm khuyến khích bạo lực và cực đoan. Mọi ý tưởng cơ hội và đê tiện về việc kéo lùi hoặc cô lập nền kinh tế Việt Nam cũng không phải là thứ được hoan nghênh ở đây. Tất cả những ai có quan điểm này đều sẽ bị block không thương tiếc. Tất nhiên facebook là một xã hội tự do, những người đó cũng hoàn toàn có quyền bình đẳng giống như tôi để chia sẻ bất cứ gì họ muốn trên trang nhà của họ.

FB Lang Anh (Lãng)

 

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux