Khách mời của John Kerry bị chặn: Người Mỹ nghĩ sao?
Quảng Cáo
Bảy tháng sau vụ công an CSVN thẳng tay chặn khách mời của Tổng thống Obama khi ông đến Hà Nội, đến lượt ngoại trưởng của Obama là ông John Kerry cũng lâm vào tình trạng tương tự.
John Kerry đến Sài Gòn đúng vào “thứ Sáu ngày 13” của tháng Giêng năm 2017 – một thời điểm mà cách nào đó ứng với vận “xui xẻo” trong truyền thuyết thế giới. Một số khách mời của Ngoại trưởng John Kerry, trong đó có luật sư Lê Công Định, đã bị Công an TP.HCM bao vây và cấm ra khỏi nhà. Hình ảnh này rất tương đồng với thói công an ngăn chặn các nhà bất đồng chính kiến Việt Nam tiếp xúc với những phái đoàn quốc tế trước đây.
Không chỉ khách mời của John Kerry, cả khách mời Lê Văn Sóc (Phật giáo Hòa Hảo) của ông Saperstien, Đại Sứ Lưu Động Đặc Trách Tự Do Tôn Giáo của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, cũng bị công an tỉnh Vĩnh Long ngăn chặn bất hợp pháp.
Chính phủ Mỹ thêm một lần nữa bị đàn áp nhân quyền ngay tại quốc gia, mà nói như Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius: “quan hệ Việt – Mỹ chưa bao giờ sáng sủa như lúc này” và “không có gì là không thể!”.
Quả là “không có gì là không thể”. Bầu không khí dân chủ mà giới quan chức chính phủ và ngoại giao Hoa Kỳ cảm nhận được ở đất nước họ, thì đã bị biến thái một cách lộn ngược tại quốc gia cựu thù. Những gì mà chính quyền Obama đã hy vọng sẽ làm cho giới lãnh đạo Việt Nam thay đổi về não trạng nhân quyền có vẻ chỉ nhận được kết quả công cốc. Thậm chí đến nước Mỹ chủ nợ của Việt Nam còn bị xúc phạm nặng nề.
Thế nhưng trước tình cảnh bị công an CSVN trắng trợn xúc phạm, nhà ngoại giao John Kerry vẫn… cười. Cũng như Tổng thống Obama vẫn điềm nhiên đi dạo phố Hà Nội và ăn bún chả sau sự cố có đến 6/15 khách mời của ông bị công an cấm cửa đến gặp ông.
Nhưng Quốc hội Hoa Kỳ thì hình như không còn cười nổi. Chẳng phải vô cớ mà sau chuyến công du bị cấm đoán cục bộ của Obama tại Việt Nam, Nghị viện Liên minh châu Âu đã tung ra một nghị quyết lên án những vi phạm nhân quyền tại Việt Nam với lời lẽ và văn phong mạnh mẽ chưa từng có.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà vào cuối năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã bỏ phiếu thông qua Luật Nhân quyền Magnisky Toàn Cầu và Tổng thống Obama đã ký chính thức. Không thể khác hơn, luật này nhằm chế tài đối với các quan chức vi phạm nhân quyền ở nhiều nước, trong đó có Việt Nam. Những ai vi phạm sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ và bị đóng băng tài sản ở nước ngoài.
Không chỉ Hoa Kỳ, một số quốc khác như Canada, Na Uy… cũng đang có khuynh hướng vận dụng Luật Nhân quyền Magnisky Toàn Cầu vào nước họ.
Không chỉ người Mỹ cảm thấy bị tổn thương và bị xúc phạm, mà thế giới dân chủ đang bị thách thức bởi những giá trị hoàn toàn phi dân chủ.
John Kerry đã thực hiện chuyến đi cuối cùng trong nhiệm kỳ của mình đến đất nước Việt Nam, nơi ông coi là “thân thiện”. Nhưng có lẽ không bao giờ ông quên được ký ức tại đất nước đó ông đã bị “dằn mặt” về giao tiếp xã hội đến thế nào.
Leave a Comment