Trong buổi diễn thuyết tại Đại học Harvard năm 1943, Winston Churchill nói: “Các đế quốc trong tương lai sẽ là những đế quốc của trí tuệ”. Ông nói thêm, những cuộc chiến trong tương lai sẽ là cuộc chiến vì nhân tài.
Giáo sư Niall Ferguson là một trong những sử gia trẻ giỏi nhất thuộc thế hệ ông, với khả năng có thể kết hợp và biện giải mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị học bằng loại ngôn ngữ diễn đạt dễ hiểu đến mức sinh viên không cần làm bài tập vẫn theo kịp bài giảng.
Câu chuyện Niall Ferguson là một trong những ví dụ cho thấy nhân tài cần được tôn trọng như thế nào. Con người luôn là yếu tố cốt lõi của phát triển. Không nguồn vốn nào quan trọng bằng nguồn vốn nhân lực. Đây không chỉ là cuộc chiến giữa những công ty (đang cạnh tranh về nguồn nhân lực) mà còn là cuộc chiến giữa các quốc gia (đang lo lắng về “cân bằng nhân tài” cũng như “cân bằng quyền lực”). Mức độ phát triển quốc gia giờ đây không chỉ tính bằng GDP hay tỷ lệ FDI mà còn là “kỹ năng” thu hút nhân tài. Nước nào càng lôi kéo được nhiều nhân tài thì càng phát triển thành công.
…
Không thể không lo lắng cho tương lai đất nước khi Việt Nam ngày càng thất bại trong cuộc chiến nhân tài. 12/13 quán quân chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” đã ở lại nước ngoài làm việc thay vì trở về nước. Khó có thể trách các bạn trẻ có cơ hội du học đã không quay về phục vụ. Môi trường làm việc lạc hậu và chế độ đãi ngộ thấp kém là vài trong số lý do khiến du học sinh chọn con đường xa quê. Trong khi đó, tính đến giữa năm 2016, có đến 225.000 cử nhân và thạc sĩ thất nghiệp! Hệ thống đại học bùng nổ (412 trường, với khoảng 2,2 triệu sinh viên) đã không thật sự đóng góp cho việc xây dựng nguồn nhân lực nước nhà.
Thiết hụt nguồn con người, làm thế nào có thể xây dựng quê hương? Nhân lực và nhân tài là yếu tố hàng đầu để phát triển. Đã quá muộn để thiết kế một chiến lược xây dựng nguồn nhân lực. Sự thịnh vượng một quốc gia không chỉ nhờ sản xuất và giao thương. Nó còn phải đặt trên nền tảng xây dựng con người, và xây dựng con người phải đặt trên nền tảng một chính sách giáo dục đúng đắn trong đó phải nhấn mạnh đến sự khai phóng, tự do tư duy và tự do sáng tạo.
Hãy chọn thế hệ trẻ để đặt tương lai vào họ chứ không phải để những bộ não cằn cỗi cai quản họ. Hãy để tương lai đất nước đi lên như những cỗ máy cấp tiến hiện đại, chứ không phải nhẹ rơi như những tờ bướm mà các bạn sinh viên thất nghiệp đứng phát ở các ngã đường vô vọng.
………
Bản đầy đủ của bài viết này đăng trong Người Đô Thị số Xuân. Nhân tiện xin được “quảng cáo trá hình” luôn thể. Giai phẩm này có sự góp mặt của các cây bút “số má” trong chốn giang hồ: Ngô Thế Vinh, Trương Trọng Nghĩa, Nguyễn Quang Lập, Phạm Công Luận, Nguyễn Thị Hậu, Ngô Thị Kim Cúc, Tuấn Khanh, Trác Thúy Miêu, Nguyễn Vĩnh Nguyên, Lê Hồng Lâm, Thúy Hà… Báo phát hành toàn cõi Việt Nam ngày 9-1.
Leave a Comment