Cá nhân tôi vô cùng bất ngờ khi Bộ Tài nguyên và Môi trường công số 10 sự kiện nổi bật nhất ngành tài nguyên môi trường năm 2016 nhưng tuyệt nhiên không nhắc đến Formosa (*). Rõ ràng, những gì Formosa gây ra là một thảm hoạ môi trường nghiêm trọng nhất từ trước đến nay. Vậy tại sao họ lại trơ trẽn đến như vậy?
Hãy xem những thứ mà ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, quyết định lựa chọn nổi bật nhất là gì? Đó là Ban hành chương trình hành động của ban cán sự đảng. Đó là hội nghị trực tuyến về bảo vệ môi trường. Đó là lập quy hoạch mạng lưới các sự nghiệp công lập của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đó là điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất. Đó là thực hiện chữ ký số…
Ông Trần Hồng Hà làm quan rất to. Nhưng chắc là ông chưa được dạy rằng, làm quan là lo trước cái lo của thiện hạ, vui sau cái vui của thiên hạ.
Thế nên, trong con mắt của ông Trần Hồng Hà, hàng trăm ngàn người dân miền Trung khốn khổ phải tha hương cầu thực, chẳng thể nào có sức nặng bằng vài hoạt động của cán bộ của ngành môi trường.
Thế nên, trong con mắt ông Trần Hồng Hà, hàng ngàn lá đơn của ngư dân miền Trung kiện Formosa cũng chẳng thể nào có sức nặng bằng những thứ mang lại thành tích cho ngành môi trường.
Ngày 30-6, khi vừa công bố Formosa là thủ phạm gây ra thảm hoạ cá chết ở miền Trung, ông Trần Hồng Hà đã lập tức xây dựng hình ảnh cho mình bằng sự kể lể công sức, “Tôi vừa trải qua 84 ngày nặng trĩu”. Tôi tin có thể khi ấy ông nặng trĩu thật. Chỉ có điều, người dân không chỉ nặng trĩu như ông, mà có khi nước mắt của họ đã cạn rồi.
Một nhà lãnh đạo vội than mệt, vội kể công, trong khi người dân vẫn đang khốn cùng, liệu đất nước này có thể hi vọng được gì?
Lẽ nào, bây giờ ra triều đình làm quan lớn, ông Trần Hồng Hà đã quên vùng đất nghèo khổ Hà Tĩnh ấy là quê hương mình? Lẽ nào, bây giờ bổng lộc nhiều, ông Hà đã quên xóm giềng lam lũ?
Với người dân thì không trọn nhân, với quê hương thì không trọn nghĩa, làm người còn chưa xứng chứ đừng nói làm quan. Tôi nghĩ vậy.
——————-
(*) 10 sự kiện nổi bật của ngành TN-MT năm 2016 được công bố gồm:
Thứ nhất, ban hành chương trình hành động của Ban cán sự đảng, Ban chấp hành Đảng bộ Bộ TN-MT thực hiện nghị quyết đại hội Đảng lần thứ XII.
Thứ hai, hội nghị trực tuyến của Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường và ban hành chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31-8-2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.
Thứ ba, lần đầu tiên, quy hoạch tổng thể mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia giai đoạn 2016 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ tư, quy hoạch mạng lưới các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Tài nguyên-Môi trường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Thứ năm, Việt Nam tham gia diễn đàn tăng trưởng xanh toàn cầu (3GF).
Thứ sáu, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016 – 2020) cấp quốc gia được Quốc hội Khóa XIII, kỳ họp thứ 11 thông qua.
Thứ bảy, ký kết, phê duyệt thoả thuận Paris về biến đổi khí hậu và ban hành kế hoạch thực hiện thoả thuận.
Thứ tám, phát hiện mới về khoáng sản đồng và quặng urani tại xã Đăk Ruồng, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Thứ chín, hoàn thành bộ bản đồ đường biên giới quốc gia Việt Nam – Lào tỷ lệ 1/50.000 đính kèm nghị định thư về đường biên giới và mốc quốc giới giữa Việt Nam – Lào; hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền Việt Nam – Lào.
Thứ mười, thực hiện phương thức quản lý, chỉ đạo, điều hành trên môi trường điện tử thông qua sử dụng hệ thống quản lý văn bản, hồ sơ công việc gắn với chữ ký số và các ứng dụng công nghệ thông tin.
Leave a Comment