Báo cáo khai mạc Hội nghị TW4/khóa XII của TBT Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Hội nghị kỳ này sẽ ra nghị quyết về: Ngăn chặn sự suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”… trong Đảng. TBT nói: “Tại các Đại hội VIII, IX, X và XI, Đảng ta đã nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống. Đại hội XII của Đảng tiếp tục cảnh báo và đặt ra yêu cầu: “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; coi đây là một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ này”… “chúng ta đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng, nhưng tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường” (TP online 9.10.2016). Ở đây có mấy điểm đáng suy nghĩ:
- Về mặt khoa học các loại viện nghiên cứu của Đảng (nhiều Viện lắm) phải “điều nghiên”, lượng hóa bằng thống kê, biểu diễn trên đồ thị xem các chỉ số về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống… của đảng viên “tự diễn biến” ra sao, theo chiều hướng thế nào, nhìn qua đó là thấy liền. (Chứ nói chung chung thì không biết đâu mà lần).
- Theo quan điểm xã hội học marxit, một hiện tượng xã hội mà nó cứ “tự chuyển hóa”, “tự diễn biến” (tích lũy về lượng đến biến đổi về chất) theo một chiều hướng nhất định, bất chấp những cản trở, thì đó là tính quy luật của sự phát triển của hiện tượng đó. Từ sự phân hóa xã hội, hình thành các giai tầng xã hội, các nghề nghiệp, các giá trị xã hội, các hệ tư tưởng, kinh tế thị trường, toàn cầu hóa… đều theo quy luật tất yếu “tự chuyển hóa”, không ai ngăn cản được…
- Quá trình “Đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; ngăn chặn, đẩy lùi những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”…” đã được Đảng quyết tâm triển khai bằng mọi biện pháp suốt từ Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đến báo cáo của TBT, ngày 09/10/2016, tức là: 5 (năm) x 4 (ĐH) + 1 (năm ĐHXII) = 21 năm. Dùng mọi biện pháp với “toàn hệ thống chính trị” và không biết bao nhiêu nguồn lực, suốt 21 năm quyết ngăn chặn một hiện tượng xã hội, mà nó cứ “tự chuyển hóa” ngày càng mạnh hơn (Nhiều người tuyên bố ra khỏi đảng, vụ đồng chí bắn chết nhau ở Yên Bái và Trịnh Xuân Thanh trốn ra nước ngoài… là những diễn biến mạnh gần đây, trước kia chưa từng có). Như vậy phải chăng hiện tượng đó “tự diễn biến” đúng quy luật?
- Trong báo cáo của TBT cho thấy hiện trạng diễn biến ngày càng trầm trọng hơn, nhưng phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp vẫn như cũ, vậy thì liệu có hiệu quả gì không? Nếu đưa ra các tiêu chí đánh giá, phân loại đảng viên một cách khoa học, trung thực theo các thang đo: “Suy thoái cao”, “Suy thoái trung bình”, “Suy thoái thấp”, “Không suy thoái”, rồi khai trừ khỏi đảng mức 1 và 2 thì liệu Đảng còn bao nhiêu đảng viên?
- Nhận định của TBT:…“tình trạng suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” vẫn chưa được ngăn chặn, đẩy lùi, có mặt còn diễn biến tinh vi, phức tạp hơn, có thể gây ra những hậu quả khôn lường”. Vậy xin kiến nghị: Khi “hậu quả khôn lường” xảy ra, thì Đảng có những kịch bản gì? Kịch bản nào khả dĩ hợp với lòng dân? Chuẩn bị đến đâu rồi?
Leave a Comment