Cả một ngày Chúa Nhật 02.10.2016, bản thân dù mệt đứ đừ nhưng có lẽ cái mệt này chả thấm thoát gì với anh chị em Nghệ Tĩnh đang căng sức chiến đấu chống lại thảm họa Formosa. Họ là những người bình thường, những nông dân, ngư dân nơi khô cằn sỏi đá đang làm nên những chiến công vĩ đại.
Tôi đã may mắn có nhiều dịp nói chuyện với người dân miền Trung, đặc biệt là người dân Nghệ An, Hà Tĩnh từ nhiều năm trước khi chưa bị bỏ tù nên cảm nhận rõ những căn tính cương trực. Họ sẵn sàng sống và cống hiến cho quê hương và cũng sẵn sàng để bảo vệ quê hương mình khi tổ quốc lâm nguy.
Hôm nay tôi hỏi họ vài câu chuyện xoay quanh việc họ xuống đường biểu tình đòi buộc Formosa phải đóng cửa vĩnh viễn tại Việt Nam. Họ trả lời tôi với một khẩu khí trầm hùng mà trải lòng chân chất.
Họ kể về những đau khổ và khó khăn từ khi Formosa gây ra thảm họa cho ngư dân Miền Trung và cho biển Việt Nam. Chị Xoan, một người dân tại Đông Yên trần tình: “Cuộc sống của chúng tôi khổ cực, nghề nghiệp đi biển bị chấm dứt, con cái đói khổ, học hành bị gián đoạn, tiền bồi thường thì chẳng đủ để cơm ăn qua ngày”.
“Mà chúng tôi không chả cần gì cái tiền bồi thường của Formosa, chúng tôi chỉ muốn một điều là Formosa phải rời khỏi Việt Nam vĩnh viễn” – chị nói tiếp.
Tôi hỏi các anh các chị có e ngại, lo sợ bị đàn áp thậm chí bị nhà cầm quyền cộng sản bỏ tù hay không ?
Mười người như một đều trả lời dứt khoát và đanh thép: “chúng tôi không sợ”.
Không sợ đi tù là vì sao? Họ nói rằng “chúng tôi đang chiến đấu, một cuộc chiến thực sự để bảo vệ cho quê hương, cho tổ quốc và cho đời con cháu chúng ta, vậy thì phải hi sinh đời mình vì quê hương và tương lai của dân tộc thì âu cũng là sự hãnh diện và vinh quang của một đời người”.
Nghe những con người quanh năm bám biển hay là bán mặt cho đất, bán lưng cho trời nói vậy mà tôi tự cảm thấy tự hổ thẹn với lòng mình và với những người anh chị em này.
Tôi hỏi họ việc xuống đường biểu tình chống Formosa có chính đáng có phải đạo, có phù hợp với luân lý?
Họ không ngần ngại mà trả lời rằng “Thứ nhất, chúng tôi xuống đường biểu tình một cách hòa bình, rất trật tự, chặt chẽ và nhân văn, chúng tôi không làm gì trái pháp luật, không gây ra bất cứ điều gì sai quấy, chúng tôi giữ căn tính của đạo Công Giáo là yêu thương và chia sẻ”.
“Thứ hai, tất cả việc làm của chúng tôi là mưu cầu hạnh phúc và mưu cầu cuộc sống chính đáng cho chúng tôi và con cháu chúng tôi, và cho đất nước Việt Nam, vì thế chúng tôi thấy việc làm của chúng tôi là hết sức chính đáng và phải đạo”.
Tại sao một nhà nước lúc nào cũng rêu rao là “của dân, do dân và vì dân” lại đẩy người dân vào những cảnh khốn cùng như vậy? Tại sao họ đang rên siết quằn quại trong đau khổ mà nhà nước đó lại làm ngơ? Tại sao cái nhà nước lại tìm mọi thủ đoạn để tuyên truyền vu khống những việc làm yêu nước thương nòi của người dân, tại sao lại ra sức đàn áp, đánh đập và thậm chí bắt bớ, bỏ tù người dân đang bị đẩy vào đường cùng ?
Đến đây, tôi chợt nhớ đến câu nói nổi tiếng “Yêu nước là phẩm chất của đức hạnh”, nhưng có lẽ cái phẩm chất đó không tồn tại trong tiềm thức, tư duy và trái tim của kẻ rước Formosa vào giày xéo đất nước.
Với sức mạnh đoàn kết của một khối người có thể chặn đứng con sóng dữ Formosa của người Nghệ Tĩnh, với sự anh dũng của đoàn đoàn lớp lớp hiên ngang tiến ra sa trường chiến đấu từng ngày từng giờ với Formosa thì những kẻ ra sức bảo vệ cho Formosa chỉ nhận cái kết đắng nếu họ không đứng về phía đoàn người mãnh dũng đó.
Người dân Hà Tĩnh nói với tôi rằng “còn Formosa thì chúng tôi còn chiến đấu”. Tôi nghĩ rằng, cả dân tộc Việt Nam cũng đang ngày đêm chiến đấu cùng với anh chị em miền Trung ruột thịt của mình.
02.10.2016
Paulus Lê Sơn
Leave a Comment