HÀ NỘI (CTM Media) – Như nhiều quốc gia khác, tại Việt Nam, bảo hiểm xã hội là một kênh nhận đóng góp từ các nơi sử dụng nhân lực và cá nhân đang đi làm rồi chi trợ cấp nhằm hỗ trợ cho những người thất nghiệp, hưu trí,…
Tuy nhiên, hàng loạt sai lầm trong việc hoạch định chính sách lao động và an sinh xã hội (cho nghỉ hưu quá sớm, mức đóng góp quá thấp trong khi lương hưu trả cho các viên chức của hệ thống công quyền và sĩ quan của lực lượng vũ trang quá cao,…), người ta dự đoán, bốn năm nữa, Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam bắt đầu thâm thủng và đến 2034 sẽ vỡ !
Chưa kể, sẽ có khoảng 371 000 người mất việc khi chính quyền Việt Nam nâng mức nộp bảo hiểm xã hội, và hàng loạt tác động bất lợi khác và giới lãnh đủ vẫn là những người lao động nghèo.
Cần nhắc lại, tỉ lệ phải đóng góp cho Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội tại Việt Nam vốn đã từng được xem là cao đến phi lý. Các doanh nghiệp đang phải đóng cho Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam đến 18% trên tổng quỹ lương, còn cá nhân thì phải đóng cho bảo hiểm xã hội đến 8% trên tổng thu nhập. Chưa kể, ngoài bảo hiểm xã hội, tính trên tổng quỹ lương, các doanh nghiệp còn phải nộp thêm 3% cho bảo hiểm y tế, 2% cho hệ thống công đoàn nhà nước, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp.
Những cá nhân đang đi làm cũng không khá hơn, họ bị ép phải đóng đến 10.5% tổng thu nhập. Ngoài việc phải nộp 8% tổng thu nhập cho bảo hiểm xã hội, những cá nhân đang đi làm phải nộp 1,5% cho bảo hiểm y tế, 1% cho bảo hiểm thất nghiệp và 1% cho hệ thống công đoàn nhà nước.
Theo ông Trương Văn Cẩm, tổng thư ký Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, thì chính sách hiện hành tại Việt Nam về bảo hiểm xã hội và phí công đoàn đã ngốn của cả doanh giới lẫn người đang đi làm đến 35%. Mức này dẫn đầu Ðông Nam Á, cao hơn các quốc gia khác từ ba đến bảy lần.
Năm 2014, cơ quan kiểm toán của chính quyền Việt Nam từng công bố kết quả một cuộc kiểm toán Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam, theo đó, tính đến năm 2013, việc lấy tiền trong Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội cho các doanh nghiệp nhà nước vay đã làm Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội mất trắng 1 052 tỉ đồng. Chưa kể so với năm 2007 thì đến năm 2013, chi phí cho việc quản lý quỹ này đã tăng gấp năm lần, tương đương 3% tổng thu.
Chưa biết Quỹ Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam sẽ còn hay vỡ nhưng bất kể quỹ này thế nào thì những người đang làm việc quần quật cũng chỉ mất chứ chẳng được gì.
Leave a Comment