Đối với gia đình liệt sĩ, dù sự ưu đãi của Nhà nước và xã hội bao nhiêu cũng không bù đắp được nỗi đau thương mất mát. Nhưng cách thực hiện chính sách sao cho hợp tình, hợp lý là điều cần chú ý.
Trong lúc gia đình liệt sĩ Khải đau đớn, tang gia bối rối, tập trung hết tình cảm, sức lực vào lo đám tang, thì mọi sự thông cảm, giúp đỡ hay thực hiện chính sách sao cho tế nhị, không làm xáo động tâm trạng tang gia… Nếu ông Chủ tịch Hà Nội quan tâm, thì đến thăm viếng, chia buồn và nói riêng, hoặc để lại dòng chữ cho vợ liệt sĩ, rằng xin chị an lòng, sẽ sắp xếp chị vào làm giáo viên Hà Nội… Việc gì ông phải tuyên bố rùm beng, đưa vào trường Chu Văn An, rồi cho báo đài đưa tin ầm ĩ? Người ta có quyền nghĩ, ông lợi dụng việc này để quảng cáo cho ông là chính!
Khó coi nhất là cái ông doanh nhân nào đó, trong lúc nhà người tang gia bối rối, mà mời cả gia đình người ta ra hội trường, với đủ các ban ngành để ông quảng cáo, trao căn hộ … đang còn xây! Rồi quay phim, chụp ảnh đưa tùm lum lên tivi, báo đài khắp nơi. Người thực sự có tấm lòng với nhau, ai lại làm như thế? Người ta nghĩ, ông chỉ lợi dụng để quảng cáo cho ông!
Đức Phật nói, bố thí cũng có mười mấy động cơ lệch lạc, chỉ có một động cơ duy nhất đúng là sự thấu cảm, thương người như thể thương thân, với lòng từ bi… Cứ từ từ, tế nhị, sao phải vội vã, sỗ sàng thế!
Chính việc ông Chung tuyên bố “đặc cách” mời vợ liệt sĩ Khải về dạy ở trường trọng điểm Hà Nội, Chu Văn An, nên cô giáo Hà ở trường Trần Nhân Tông mới nêu ý kiến không tán thành. Vì một giáo viện dạy trường chất lượng cao, phải được tuyển chọn là người có năng lực đáp ứng, sao ông Chủ tịch dám tự quyết định cảm tính như vậy. Ông là Chủ tịch, giải quyết mọi việc công đều phải theo đúng các quy định của pháp luật; ưu tiên, chính sách cũng phải theo pháp luật chứ! (Nếu chuyện riêng của cá nhân ông thì muốn sao tùy ý).
Rồi cái ông Tùng, hiệu trưởng kiêm bí thư chi bộ trường THPT Trần Nhân Tông, của cô giáo Hà, sao cũng phải hùng hổ, vội vã, hấp tấp đến thế: “Chi bộ nhà trường đã tổ chức họp khẩn, tại đây cô Trần Thị Mỹ Hà có đọc bản tường trình sự việc và lấy ý kiến của tập thể. Sau khi phân tích hành vi, dựa trên những quy định của Đảng, chi bộ thống nhất mức phạt đối với cô Hà là cảnh cáo” (Infonet 23/6/2016). Vợ liệt sĩ Khải đọc tin này sẽ thấy tâm trạng thế nào? Riêng ông Tùng chắc được trên ghi nhận thành tích rất mẫn cán, và thành chuyện lạ: Họp kỷ luật nội bộ chi bộ cũng được tung hê trên các báo đài (?). Như thế là cô giáo Hà bị cảnh cáo trước toàn dân, chứ không phải trong nội bộ đảng.
Việc thực hiện chính sách thương binh, liệt sĩ cũng phải theo đúng Luật; phải nhìn trong bối cảnh chung sao cho công bằng, hợp lý, hợp tình. Nhân chuyện tuyên truyền đặc biệt, quan tâm ưu đãi với Liệt sĩ Khải thì rồi đối với 9 liệt sĩ tử nạn trong chiếc máy bay CASA, có ưu ái được đều khắp như vậy không?
Rồi chạnh lòng nhớ đến hàng ngàn liệt sĩ hy sinh trên mặt trận chống Trung cộng xâm lược 1979, đặc biệt là trên mặt trận huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang, giai đoạn từ 1983-1989, đến nay vẫn chưa được tìm kiếm hài cốt. Mà cái Đền xây để vọng thờ vong linh các anh, Nhà nước cũng không xây, để các đồng đội cũ và nhân dân quyên góp, chắt chiu xây dựng nên nơi tưởng nhớ những người con dũng cảm, chống Trung cộng xâm lăng đến viên đạn cuối cùng, vì nước quên thân.
Rồi những ngư dân là “Cột mốc sống của chủ quyền quốc gia” trên biển, bị Trung cộng giết hại, tức tưởi trở về, được nhà nước tuyên dương, thực hiện chính sách thế nào?
Về phía chính quyền, khi muốn dùng một việc này để tuyên truyền, thì cũng phải nghĩ đến các trường hợp khác sao cho thỏa đáng.
Còn tấm lòng của nhân dân bao giờ cũng công bằng với bất kỳ người con nào của đất nước này hy sinh vì Tổ quốc.
24/6/2016
Leave a Comment