VŨNG TÀU (CTM Media) – Theo những người sống sót sau vụ tông chìm tàu kể lại, sự việc xảy ra vào tối ngày 11 tháng Sáu, đang lúc đánh bắt cá tại vùng biển cách Côn Đảo 120 hải lý theo hướng Đông Nam thì bị tàu không rõ số hiệu tông vào. Cú đâm trực diện khiến tàu bị chìm ngay sau đó. 13 thuyền viên trên tàu bị rớt xuống biển. Chiếc thuyền bị nạn có số hiệu BV- 4507TS do ông Nguyễn Tấn Văn (tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) làm thuyền trưởng.
Rất may, tàu cá BV- 4506TS đang đánh bắt gần đó đã kịp thời chạy đến để vớt 12 thuyền viên lên. Riêng ngư phủ Lê Quang Thứ (27 tuổi, ngụ huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu) đã mất tích không tìm thấy.
Dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng do đêm tối, sóng gió rất lớn nên không thể tìm thấy thi thể ngư phủ Lê Quang Thứ.
Cũng trong ngày 11 tháng Sáu, tại vùng biển cách đảo Cù Lao Chàm khoảng 15 hải lý, tàu cá có số hiệu QNg- 11876TS đã bị tàu không rõ số hiệu tông chìm. Vụ tông tàu diễn ra vào 2h sáng nên cá ngư phủ trên tàu không nhìn nhận diện được.
Cú tông quá mạnh khiến cho anh Huỳnh Ngọc Rân, thuyền viên trên tàu rơi xuống biển mất tích. Dù đã nỗ lực tìm kiếm nhưng thi thể của anh Rân vẫn chưa tìm thấy.
Vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa trước đây là ngư trường truyền thống của ngư dân Việt Nam. Nay với sự hung hăng của Trung Cộng, ngư dân Việt Nam đành bỏ ngư trường truyền thống này để sang tận vùng biển gần Mã Lai, Indonesia để đánh bắt.
Với các ngư dân Bình Thuận, Bình Ðịnh, Phú Yên, Ðà Nẵng… chuyên đánh bắt hải sản ngoài Trường Sa, việc “chạm trán” tàu Trung Quốc từ tàu cá, tàu kéo, khảo sát biển, hải cảnh, hải giám, hải tuần và cả tàu chiến đấu… đã trở thành “cơm bữa.”
Trước thời điểm 2013, các tàu cá Trung Quốc đi thành tốp 3-5 chiếc với tàu hậu cần để hỗ trợ nhau đánh bắt dài ngày. Nhưng hiện nay, do đã cơ bản hoàn tất việc xây dựng trái phép ở các bãi đá, các tàu cá thường đi riêng lẻ và dễ dàng cập vào âu tàu trong bãi để tiếp tế, nghỉ ngơi. Ðặc biệt, nhiều tàu cá bọc sắt không chỉ đơn thuần đánh bắt hải sản mà thường xuyên đi sát các đảo của Việt Nam dò la.
Tàu đánh cá khủng của Trung Quốc trên vùng biển Trường Sa, được gọi là “tàu mẹ.” Mỗi khi tới điểm đánh bắt, “tàu mẹ” dừng lại thả các “tàu con” (xuồng nhỏ) xuống biển, tỏa đi đánh bắt, xong lại cẩu hoặc kéo “tàu con” đến điểm đánh bắt khác. “Tàu mẹ” còn có chức năng bảo đảm hậu cần dài ngày và thu mua hải sản…
Chưa hết, thời gian gần đây còn xuất hiện nhiều tàu cá Trung Quốc xóa số hiệu, cùng với nhiều tàu hải cảnh, hải giám, hải tuần và cả tàu chiến đấu hoạt động quanh các đảo trong toàn quần đảo Trường Sa của Việt Nam như “sân nhà” của mình.
Tình trạng tàu cá của ngư dân Việt Nam bị tông chìm, phá hoại tài sản trong thời gian qua đáng báo động. Chỉ trong vòng hai năm, nhưng đã có hơn 4 000 tàu cá bị tông chìm, phá hoại tài sản, 2 300 ngư dân bị thương vong, mất tích trên biển.
Leave a Comment