Hồ sơ Panama tiết lộ là có người thân của 8 thành viên của giới lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng sản Trung Quốc sử dụng các công ty rửa tiền nước ngoài (offshore).
Tài liệu cho thấy cháu gái của một lãnh tụ đầy quyền lực trở thành cổ đông duy nhất của hai công ty tại British Virgin Island khi còn trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Lý Jasmine chỉ mới vào đại học Stanford ở Mỹ khi các công ty này được đăng ký dưới tên cô vào tháng Mười Hai năm 2010. Ông của cô là Giả Khánh Lâm lúc đó là lãnh tụ đứng hàng thứ tư tại Trung Quốc.
Những nhân vật nổi bật khác sử dụng các công ty rửa tiền nước ngoài gồm có anh rể của chủ tịch nước Tập Cận Bình, và con rể của Trương Cao Lệ, một thành viên khác của Bộ Chính Trị đảng Cộng sản Trung Quốc.
Họ thuộc thành phần “quý tộc đỏ”, với tầm ảnh hưởng vượt xa lãnh vực chính trị. Những người khác có con gái của Lý Bằng, người chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát đẫm máu người biểu tình ở Thiên An Môn, và Cốc Khái Lai, vợ của Bạch Hy Lai, một cựu thành viên bộ chính trị bị tù chung thân về tội tham nhũng và lạm quyền.
Những người bà con họ hàng có các công ty là thân chủ của công ty cố vấn luật Mossack Fonseca. Trong tài liệu không có gì để cho thấy là các lãnh tụ nói trên có lợi ích gì với các công ty liên quan đến người thân của họ.
Kể từ hôm thứ Hai, giới kiểm duyệt Trung Quốc đã ngăn cấm không cho truy cập thông tin tiết lộ về gia đình của các lãnh tụ cao cấp này. Có tin là giới kiểm duyệt xóa hàng trăm thông tin đăng trên mạng xã hội Sina Weibo và Wechat, và một số tổ chức truyền thông kể cả CNN cho biết là một phần trang mạng của họ bị chận lại.
Những tiết lộ này xảy ra trong lúc Tập Cận Bình trừng trị những hành vi có thể làm xấu mặt đảng Cộng sản.
Thêm hai nhân vật có nhiều quan hệ lớn – anh của cựu phó chủ tịch nhà nước Tăng Khánh Hồng và con của cựu thành viên bộ chính trị Điền Kỉ Vân – là giám đốc của một công ty giấu tiền. Họ trước đây bị dính đến một vụ án cho thấy các “thái tử đỏ” của Trung Quốc dùng quan hệ để gây lợi riêng.
Những thông tin này đến từ các dữ kiện nội bộ của công ty cố vấn luật Mossack Fonseca, do tờ báo Đức Süddeutsche Zeitung có được và chia sẻ với Tổ Hợp Quốc Tế của Ký Giả Điều Tra (International Consortium of Investigative Journalists – ICIJ) tại Washington cùng với báo The Guardian, BBC và các báo khác.
Trung Quốc và Hồng Kông là hai nguồn khách hàng lớn nhất của Mossack Fonseca, với thân chủ có liên quan đến tổng cộng 40.000 công ty hiện nay và trong quá khứ. Khoảng một phần tư trong số đó vẫn còn hiện hữu: trong năm 2015, hồ sơ cho thấy công ty luật này thâu phí của gần 10.000 công ty có liên hệ đến Hồng Kông và Trung Quốc. Mossack Fonseca có văn phòng tại tám thành phố Trung Quốc.
Có một số lý do chính đáng để dùng công ty offshore. Những ai sống ở nhiều nơi thì đây là điều thuận lợi, và tại Trung Quốc chúng thường được dùng như là cách để thu hút và bảo vệ đầu tư từ ngoài. Tuy không có chỉ dấu nào cho thấy gì sai trái, việc tiết lộ này gây chú ý ngoài ý muốn đến sự giàu có của gia đình các lãnh tụ.
Mặc dầu giới chức ra sức quảng bá việc chống tham nhũng triệt để bằng lùng xục tài sản ở nước ngoài và kiểm tra thân nhân của các viên chức, họ lại rất nhạy cảm với việc tiết lộ những lợi ích kinh doanh của gia đình các lãnh tụ cao cấp.
Trong năm 2014, trang web của báo The Guardian và những báo khác bị tường lửa trong nhiều tháng trời sau khi tiết lộ những tài sản offshore tương tự. Em rể của Tập Cận Bình và con gái của Lý Bằng là Lý Tiểu Lâm được nêu tên lúc đó. Hồ sơ mới này do đó lại cho thấy họ có nhiều tài khoản offshore.
Chiến dịch chống tham nhũng gắt gao của họ Tập đã đánh gục nhiều nhân sự cao cấp. Vào tháng Mười Hai, ông Tập kêu gọi thành viên bộ chính trị “giáo huấn nghiêm khắc và giám sát con cái và những người khác trong gia đình cũng như thuộc cấp, và sửa đổi vấn đề nhanh chóng”. Ông kêu gọi 25 thành viên bộ chính trị chẳng những phải giữ tính chính trực mà còn phải “tránh xa những hưởng thụ thô tục và làm gương cho các cán bộ và quần chúng.” Nói cách khác, tránh làm sai chưa đủ, ấn tượng cũng quan trọng.
Con gái của họ Tập là Tập Minh Trạch, học Harvard nhưng sống kín đáo, dùng tên khác. Ngược lại Lý Jasmine gây chú ý của công chúng khi báo thời trang Vogue đăng hình cô với bộ áo đầm Carolina Herrera trong buổi tiệc ra mắt hàng năm tại Paris năm 2009.
Vào năm 2010, hồ sơ ghi rằng Lý Jasmine là cổ đông duy nhất của hai công ty đăng ký tại British Virgin Islands, Harvest Sun Trading Limited và Xin Sheng Investments Limited. Các công ty này có ít nhất hai kinh doanh tại Bắc Kinh với số vốn tổng cộng là 300 ngàn đô la.
Anh rể của chủ tịch nước
Đặng Gia Quý, anh rể của chủ tịch nước Tập Cận Bình, là một cổ đông trong hai công ty tại British Virgin Island, Wealth Ming International và Best Effect Enterprises. Hai công ty này hiện hữu khoảng 18 tháng trước khi đóng cửa vào năm 2011 và 2010.
Đặng lấy người chị lớn của họ Tập, và hai vợ chồng có được một tài sản kếch xù qua việc đầu tư vào bất động sản và khoáng sản. Vào năm 2012, tài sản của họ vào khoảng 376 triệu đô la và có 18% cổ phần trong một công ty khai thác khoáng sản trị giá 2 tỉ đô la. Từ khi họ Tập lên làm chủ tịch nước, họ đã rút ra khỏi nhiều vụ đầu tư.
Nữ hoàng điện lực
Cựu thủ tướng Lý Bằng được biết đến như là đao phủ thủ Bắc Kinh vì vụ thảm sát người biểu tình tại Thiên An Môn năm 1989. Vào năm 1994, một công ty British Virgin Island mang tên Cofic Investments Limited do cô con gái của Lý Bằng, Lý Tiểu Lâm, làm chủ.
Tài sản của cô ước lượng vào khoảng 550 triệu đô la và cô tạo tên tuổi mình thành “nữ hoàng điện lực” vì sự nghiệp kinh doanh các nhà máy điện lực. Cô là phó giám đốc tổ hợp công ty điện lực nhà nước Datang.
Em trai phó chủ tịch nước
Tăng Khánh Hồng từng là phó chủ tịch nước cho đến năm 2008. Người em trai, Tăng Khánh Hoài, được biết nhiều ở Hồng Kông. Hồ sơ Panama tiết lộ Tăng Khánh Hoài là giám đốc của công ty Chinese Cultural Exchange Association Ltd, đăng ký ở hòn đảo tí hon Niue vùng Nam Thái Bình Dương, rồi sau đó ở Samoa. Ông trong cùng ban quản trị với một thái tử đỏ khác, Tian Chenggang, con của cựu phó thủ tướng và thành viên bộ chính trị Tian Jiyun.
Những người khác
Trong hồ sơ còn có Hồ Đức Hóa, con trai của Hồ Diệu Bang, tổng bí thư của đảng Cộng Sản bị loại vào năm 1987 vì quá cởi mở. Hồ Đức Hóa Hu Dehua là cổ đông duy nhất của công ty Fortalent International Holding.
Lý Thánh Bát, một doanh nhân Hồng Kông, lấy con gái nuôi của Trương Cao Lệ, phó thủ tướng Trung Quốc. Là thành viên của Ủy ban thường vụ Bộ chính trị, Trương là một trong bảy người chính trị gia thế lực nhất của Trung Quốc. Lý Thánh Bát Lee Shing Put là cổ đông của các công ty Sino Reliance Networks Corporation, Glory Top Investments và Zennon Capital Management.
Khi báo The Guardian liên lạc các nhân vật có tên bên trên từ hồ sơ Panama thì không một ai lên tiếng trả lời.
Hoàng Thuyên lược dịch
Leave a Comment