HÀ NỘI (CTM Media) – Trước tình trạng giá dầu thô tiếp tục tuột dốc đưa đến giảm thu ngân sách từ nguồn xuất khẩu dầu thô, Bộ Tài chính đang ‘nghiên cứu’ biện pháp tăng thuế đánh vào xăng dầu tiêu thụ nội địa để bù đắp lỗ hổng ngân sách nhà nước.
Biện pháp nầy, nếu được áp dụng, sẽ được thực hiện qua hình thức – một lần nữa – tăng thuế “bảo vệ môi trường” đánh vào mặt hàng xăng dầu tiêu thụ nội địa.
Theo phương án nầy, thuế đánh vào hai mặt hàng xăng dầu thông dụng và tiêu thụ nhiều nhất là xăng và dầu cặn (diesel) sẽ tăng 33%.
Cụ thể, thuế mặt hàng xăng tăng 1.000 đồng/lít (từ 3.000 lên 4.000 đồng/lít) và thuế dầu cặn tăng 500 đồng /lít (từ 1.500 lên 2.000 đồng /lít).
Các mặt hàng dầu còn lại cũng bị áp mức thuế cao hơn. Mỗi lít dầu Mazut, chẳng hạn, sẽ chịu mức thuế “bảo vệ môi trường” là 1.500 đồng/lít, tăng thêm 600 đồng so với 900 đồng thuế hiện nay.
Phương án tăng thuế “bảo vệ môi trường” lần nầy của Bộ Tài chính, nếu được áp dụng từ ngày 1 tháng Tư, 2016, sẽ mang lại tăng thu cho ngân sách nhà nước khoảng 9.000 tỉ đồng trong năm nay. Trong đó, khoản tăng thu cho ngân sách trung ương là 3.000 tỉ đồng.
Đối lại, người dân tiêu dùng xăng A92 hằng ngày sẽ phải bóp bụng góp phần “bảo vệ môi trường” vô cùng cao trong giá mỗi lít xăng họ đổ vào bình xăng (gần 1/3). Đó là dựa trên giả thiết giá xăng không tăng sau khi áp mức thuế mới. Với giá bán ra hiện nay là 13.750 đồng/lít thì thuế môi trường mới của Bộ Tài chính (4.000 đồng) chiếm đến 29% trong giá bán.
Hiện chưa biết được phản ứng của dư luận ra sao.
Nếu mức phản đối của dân chúng chỉ ở mức ‘vừa phải’ như các lần trước, chắc hẳn phương án tăng nguồn thu để bù đắp lỗ hổng ngân sách nhà nước qua hình thức tăng thuế đánh vào xăng dầu tiêu thụ nầy của Bộ Tài chính sẽ lại được áp dụng như đã từng được áp dụng Tháng Năm năm ngoái. Khi đó cũng bởi áp lực thất thu ngân sách do giá dầu thô thế giới xuống thấp.
Leave a Comment