Sau công tác tự do hải hành của Hoa Kỳ, Trung Quốc còn có thể tiếp tục gìn giữ được bao lâu những chủ quyền mà họ chưa thực sự tuyên nhận?
Thi sĩ người Pháp Baudelaire từng nói rằng đòn ma mãnh nhất của quỹ vương là làm chúng ta tin rằng hắn không hiện hữu. Đòn ma mãnh nhất của Trung Quốc có thể là làm chúng ta tin rằng những tuyên nhận của họ trên Biển Đông là thật. Những phát biểu chính thức về “chủ quyền không thể chối cãi trên Biển Đông” nghe như lập trường chắc nịch của Trung Quốc. Và việc Trung Quốc chiếm đóng nhiều hòn đảo trong vùng, cảnh sát biển rượt đuổi các tàu đánh cá nước ngoài, và các công trình bồi đắp đảo quy mô cho thấy sự hiện diện thường trực trong vùng.
Nhưng với ngoại lệ của đảo Hoàng Sa giữa đảo Hải Nam và Việt Nam, Trung Quốc chưa từng có những tuyên nhận pháp lý hợp lệ trên Biển Đông. Thay vào đó sự mập mờ của Trung Quốc được sắp xếp để truyền thông quốc tế đưa tin tạo ấn tượng các tuyên nhận chủ quyền nhiều hơn là họ có. Lối nói thường được nhắc đến (như cái gọi là “sự kiện” Trung Quốc tuyên nhận 80 phần trăm Biển Đông) giúp Trung Quốc chính danh hóa những hoạt động lấn lướt trong vùng mà không phải mở rộng tư thế pháp lý của họ. Không có những thế pháp lý chính thức đó, Trung Quốc cho đến nay đã khéo léo tránh bị đẩy vào thế kẹt chiến lược trong vùng Biển Đông mà không cần phải dùng đến quân sự để bảo vệ các tuyên nhận mà họ chưa từng thực sự làm.
Nhưng giới hạn của chiến lược này đã biểu lộ. Việc đưa tin đặc biệt trước chuyến công tác tự do hải hành của chiến hạm USS Lassen xuyên qua vùng đảo Trường Sa hồi tháng Mười năm ngoái khiến người ta chú ý nhiều đến các vấn đề chiến lược, pháp lý, lãnh hải tại Biển Đông. Áp lực công luận đó đã gây khó khăn cho Trung Quốc phản ứng một cách quân bằng giữa tư thế pháp lý và nhu cầu giữ ấn tượng tốt trên toàn cầu và thỏa mãn những mong đợi từ giới dân tộc chủ nghĩa trong nước. Tuy các phát biểu vẫn có vẻ kiên định, Trung Quốc rõ ràng không muốn cơ nguy đối đầu với quân đội Hoa Kỳ, dầu ở cấp thấp, vì những tuyên nhận trên Biển Đông.
Sau chuyến công tác của chiến hạm Lassen, tin tức bình luận trái ngược nhau về chuyến đi này là hình thức qua lại không gây hại cho đến những phân tích dựa vào các dữ kiện địa dư sai trật. Dầu sao đi nữa, người ta đồng ý là chuyến đi của Lassen quả thật là một “thách thức đối với các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc” vì Trung Quốc “tuyên nhận gần toàn bộ Biển Đông” là chủ quyền của họ.
Nhưng, theo đúng nguyên tắc, thì không phải vậy.
Tin tức về vùng này thường đưa thông tin rằng Trung Quốc “tuyên nhận 80 phần trăm Biển Đông”, một “sự kiện” mà chính quyền Trung Quốc chắc chắn là hoan nghênh và không cần làm gì để phản bác nó. Tin tức về chuyến đi tự do hải hành của chiến hạm Lassen cũng thường nhắc đến phạm vi 12 hải lý quanh các đảo Trường Sa. Khi hai ý niệm trên đi chung với nhau trong tin tức tường thuật, rõ ràng là có vấn đề với lối nhìn này. Để Trung Quốc tuyên nhận 80 phần trăm Biển Đông, họ cũng phải tuyên nhận hầu hết vùng biển vượt xa phạm vi 12 hải lý của các đảo.
Trung Quốc tuyên nhận những gì?
Vậy các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc là gì? Trái ngược với ấn tượng trên truyền thông, Trung Quốc chưa có tuyên nhận những gì gần với ấn tượng đó. Một số bình luận gia lưu ý là có nhiều mơ hồ về các tuyên nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông vì Trung Quốc chưa chính thức hóa hoặc làm sáng tỏ các tuyên nhận đó. Điều khoản 16 của Luật Biển của Liên Hiệp Quốc đòi hỏi các quốc gia phải công bố các tuyên nhận chủ quyền lãnh hải và đường cơ sở (lằn ranh mà các tuyên nhận lãnh hải được đo lường) và cung cấp cho Liên Hiệp Quốc hoặc trên “bản đồ … đủ để khẳng định vị trí của chúng” hoặc trong một “danh sách tọa độ địa dư”. Nhưng dầu với nhiều tranh cãi như thế, các dữ kiện mà Trung Quốc nộp cho Liên Hiệp Quốc không có những tuyên nhận rõ ràng.
Trong bản tuyên bố lãnh hải năm 1958, Trung Quốc tuyên nhận đường cơ sở quanh Trường Sa và các đảo khác, nhưng không nhận dạng phạm vi nới rộng của các đảo đó hoặc cung cấp tọa độ địa dư của đường cơ sở. Thiếu vắng dữ kiện cụ thể cho các giới đi biển, vẽ bản đồ, luật sư để làm việc có nghĩa là trên thực tế, các đường cơ sở của Trung Quốc và lãnh hải chỉ hiện hữu đến phạm vi nào mà các bên tôn trọng. Để cho người khác ước đoán các điều này không phải là một nền tảng pháp lý vững chắc. Đến năm 1996 Trung Quốc rốt cuộc cung cấp cho Liên Hiệp Quốc toạ độ của các đường cơ sở. Dữ kiện bao gồm tọa độ của quần đảo Hoàng Sa, đảo Điếu Ngư (Senkaku/Diaoyu) ở Đông Hải. Nhưng lần đệ nạp cho Liên Hiệp Quốc năm 1996 không có dữ kiện gì cho quần đảo Trường Sa hay các nhóm đảo nào khác tại Biển Đông.
Tìm cách biến tuyên nhận chủ quyền thành sự đã rồi
Thay vì tuyên nhận chủ quyền trên Biển Đông trên phương diện pháp lý, Trung Quốc tìm cách xây dựng tư thế trên thực tế bằng cách xây đảo và dùng cảnh sát biển để thuyết phục người khác nhìn nhận quyền kiểm soát của Trung Quốc trên thực tế chứ không trên pháp lý. Có lẽ không chắc là họ có thể kiểm soát được bao nhiêu cho nên Trung Quốc đã chọn không nêu rõ rệt lằn ranh chủ quyền dùng pháp lý. Thay vào đó họ dùng quan hệ công chúng để giới truyền thông vô hình chung toa rập trong việc bình thường hóa vùng kiểm soát của Trung Quốc trên toàn Biển Đông bằng cách lập đi lập lại những tuyên nhận chủ quyền không chính thức.
Đường Chín Vạch được biết đến (đôi khi xuất hiện với mười hay mười một vạch) có lẽ là thành công nhất của Trung Quốc về mặt thông tin chiến lược mà giới truyền thông đưa tin. Đường này xuất hiện chính thức trong một ghi chú nộp cho Liên Hiệp Quốc bày tỏ sự phản đối của Trung Quốc về tuyên nhận chủ quyền chung giữa Việt Nam và Mã Lai. Đường chín vạch này khoanh vùng gần hết Biển Đông, nó có lẽ là nguồn dữ kiện mà giới truyền thông và bình luận gia cho rằng Trung Quốc tuyên nhận toàn bộ hay hầu hết (80 phần trăm) vùng biển này. Nhưng ghi chú là những thông tin ngoại giao không chính thức, không phải là tuyên nhập chính thức có chữ ký. Hơn thế nữa, bản đồ này không đáp ứng tiêu chuẩn địa lý đòi hỏi theo Điều khoản 16 về tuyên nhận chủ quyền lãnh hải.
Page: 1 2
Leave a Comment