Hôm 25 Tháng Giêng Trung Tâm Y Tế Dự Phòng Sài Gòn đã có bản phúc trình với kết quả là trong 10 mẫu nước nguồn được kiểm tra trong năm 2015, thì chỉ có 3 mẫu (chiếm 30%) đạt chỉ tiêu vi sinh (70% chưa đạt) và 1 mẫu (chiếm 10%) đạt chỉ tiêu hóa lý (90% chưa đạt).
SÀI GÒN – Theo Trung tâm, nguồn cung cấp nước cho thành phố Sài Gòn chính yếu từ sông Đồng Nai và sông Sài Gòn qua chế biến của Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy nước Tân Hiệp. Tất cả các nguồn nước trên sau khi giải quyết sẽ theo hệ thống đường ống cấp nước đến từng nhà dân.
Tuy nhiên, thực tế chất lượng nguồn nước theo giám sát của Trung tâm cho thấy nước chưa qua chế biến và cả phương cách đến tay người dân đều không đạt các tiêu chuẩn về vi sinh và hóa lý.
Tại các khu vực chưa có mạng lưới cung cấp nước sạch, người dân phải sử dụng nước giếng khoan, thì tỷ lệ đạt các tiêu chuẩn về vi sinh, hóa lý rất thấp.
Nước đã qua thanh lọc cũng chưa đạt 100% ở các trạm cấp nước.
Điều này dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh về nhiễm trùng tiêu hóa cho người dân khá cao. Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm trùng máu…
Trung tâm cũng cho biết qua kiểm tra 547 cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá ở Sài Gòn, chỉ có 115 cơ sở là có “giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh và an toàn thực phẩm”. Xét nghiệm 22 mẫu nước đá đang bày bán thì cho kết quả có tới 12 mẫu nhiễm khuẩn có thể gây bệnh liên quan đến hệ tiêu hóa.
Leave a Comment