Quảng Cáo

Không mặc cảm, không ảo tưởng (phần 2)

Quảng Cáo

Kính thưa quý thính giả, phần một bài bình luận nhan đề “không mặc cảm, không ảo tưởng” của tác giả Ngô Nhân Dụng được gửi đến quý vị trong mục bình luần kỳ trước đã phân tích bối cảnh thế giới và các quốc gia liên quan đến Biển Đông, đặc biệt là thực trạng chính trị, kinh tế và và tư thế của TQ ngày nay, để chứng minh rằng hai mặc cảm sợ hãi 1/ SợTQ gây chiến với VN và 2/ sợ TQ tấn công kinh tế VN, đều không chính đáng cần phải xoá bỏ. Bên cạnh sự sợ hãi đó thì nhiều người cũng hy vọng rằng thế giới sẽ giúp VN giải quyết vấn đề Biển Đông của VN. Hy vọng này có cơ sở hay không? Mời quý vị nghe sau đây phần 2 bài viết của tác giả Ngô Nhân Dụng phân tích về những tương tác giữa các quốc gia trên thế giới để trả lời cho câu hỏi vừa kể và nhìn ra con đường hợp lý cho Việt Nam hiện nay.

********************

Tại hội nghị Shangri-La ở Singapore, Thủ Tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã tuyên bố nước Nhật sẽ hợp tác với Mỹ, Ấn Ðộ, Úc Châu, cùng bảo vệ luật pháp quốc tế và an ninh hàng hải trong vùng biển Ðông Nam Á. Ðây là một lời cảnh cáo trước cảnh Trung Cộng đem giàn khoan dầu tới vùng Biển Ðông. Nhưng mối lo của Trung Cộng không phải chỉ là việc Nhật hứa viện trợ 10 chiếc tầu thủy cho Philippines để bảo vệ hải phận, hay hứa sẽ giúp một chiếc tàu cho Việt Nam. Mối lo chính của Bắc Kinh là nhân cơ hội này ông Abe sẽ tiến hành nhanh hơn quá trình đưa nước Nhật trở lại làm một “quốc gia bình thường,” để tự vệ và bảo vệ các đồng minh, trong đó ông kể tới các nước Ðông Nam Á. Bình thường hóa, nghĩa là Nhật Bản sẽ giải thích lại bản Hiến Pháp hòa bình, tái lập quân đội, sản xuất và xuất cảng vũ khí, gửi quân ra nước ngoài. Cũng tại hội nghị Shangri-La, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ hoan nghênh các ý kiến của thủ tướng Nhật. Ác mộng của Trung Cộng là thấy một nước Nhật Bản tái vũ trang và có thể chế tạo vũ khí nguyên tử bất cứ lúc nào. Theo quyền lợi của những người lãnh đạo ở Bắc Kinh, họ có muốn giúp cho nước Nhật có thêm cơ hội liên kết với các nước Ðông Nam Á và Mỹ chặt chẽ hơn hay không?

  Phải xóa bỏ hai thứ mặc cảm sợ hãi đối với Trung Cộng. Nhưng cũng không nên nuôi ảo tưởng rằng các nước lớn như Nhật Bản, Mỹ cũng lo việc bảo vệ nước Việt Nam. Các quốc gia trên thế giới đều chỉ lo bảo vệ quyền lợi của họ. Năm 1974, Mỹ không giúp Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ Hoàng Sa, vì lúc đó họ chỉ cần thỏa hiệp để rút khỏi Việt Nam, để lại cho Trung Cộng và Việt Cộng mầm mống một cuộc tranh chấp, thanh toán lẫn nhau sau này.

Tại hội nghị Shangri-La khi Bộ Trưởng Quốc Phòng Mỹ Chuck Hagel gặp Tướng Vương Quan Trung (Wang Guanzhong), phó tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Cộng, ông nhắc nhở rằng Trung Quốc đã có những hành động đơn phương gây xáo trộn ở Scarborough Reef, tại Second Thomas Shoal, và đưa giàn khoan dầu tới quần đảo Paracels. Ông Hagel nhắc tới hai vụ gây hấn với Philippines trước, vụ xâm lấn vào lãnh hải Việt Nam sau; vì nước Mỹ có những thỏa hiệp về an ninh, quân sự với Philippines, nhưng không có ràng buộc nào với Việt Nam. Cho nên chúng ta không nên nuôi ảo tưởng rằng có thể nhờ vả vào nước Mỹ trong cuộc tranh chấp với Trung Cộng. Chính quyền Mỹ luôn luôn khẳng định rằng họ hoàn toàn trung lập về chủ quyền các đảo trong vùng Biển Ðông. Ðối với quyền lợi của dân Mỹ, các mỏ dầu khí dưới đáy biển thuộc chủ nhân nào thì cũng không ảnh hưởng đến việc mua bán của họ. Một nhà bình luận Mỹ đặt câu hỏi rằng (xin trích): “Chúng ta (tức người Mỹ) có cần quan tâm đến chuyện một công ty Trung Quốc hay Việt Nam hút dầu từ đáy biển chung quanh quần đảo Paracels rồi đem bán hay không? Chúng ta có quan tâm đến về chuyện một ngư dân nghèo người Philippine hay một ngư dân nghèo Trung Hoa đánh được cá ở Scarborough Shoal hay không? Nước Mỹ có đánh nhau với Trung Quốc về mấy bãi đá và tảng đá ngầm giữa đại dương hay không?” (hết trích)

Cuối cùng, cần xóa bỏ các mặc cảm, cũng xóa bỏ cả các ảo tưởng. Người Việt Nam chỉ có thể trông cậy vào sức mình để bảo vệ quyền lợi quốc gia, những thứ còn có thể bảo vệ được.

Chiến lược lâu dài của đảng Cộng sản Trung Hoa là gậm nhấm từng mảnh một, trong khi vẫn nói là sẵn sàng thảo luận với các nước khác trong vùng Biển Ðông, miễn là thảo luận song phương. Trong lâu dài, thủ đoạn này chỉ có lợi cho họ. Họ sẽ đặt thế giới trước những “sự đã rồi,” như việc thành lập huyện Tam Sa trước đây, và việc đem giàn khoan vào hải phận nước ta mới rồi. Thế giới sẽ dần dần chấp nhận những ‘sự đã rồi” này, hoặc chỉ phản đối lấy lệ.

Nước Việt Nam không thể để mình bị rơi vào trong cái bẫy đó. Cần có một chính phủ Việt Nam thực sự do dân Việt bầu cử tự do lập nên. Cần có một chính quyền thoát ra khỏi cái vòng dây trói buộc 16 chữ vàng và 4 cái tốt; sẵn sàng giao hảo với các nước khác mà không sợ làm mất lòng Trung Cộng. Cần một chính quyền cho dân được tự do kinh doanh, phục hồi kinh tế để dân giầu, nước mạnh. Muốn như vậy, cần phải chấm dứt chế độ cộng sản.

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux