Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng vừa thi hành lệnh tạm giam hai đại tá: Đỗ Văn Sang (Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Tổng Công ty 15) và Phạm Văn Giang (Chỉ huy trưởng kiêm Giám đốc Công ty 72).
Có lẽ chỉ Việt Nam mới có các ông tướng, ông tá là tư lệnh, phó tư lệnh, chỉ huy trưởng, phó chỉ huy, chính ủy của một… tổng công ty hay… công ty! Tuy không giống ai nhưng lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam thường xuyên khẳng định điều đó… đúng đắn!
***
Tổng Công ty 15 là… tên giao dịch của Binh đoàn 15. Binh đoàn 15 là một đại đơn vị đảm nhiệm vai trò… phát triển kinh tế gắn với xây dựng thế trận an ninh, quốc phòng ở khu vực biên giới phía bắc Tây Nguyên”.
Binh đoàn 15 có khoảng mười… công ty, một sư đoàn, hai trung đoàn (còn gọi là Đoàn Kinh tế – Quốc phòng), có quân y viện, trường dạy nghề và một lô, một lốc nhà máy, trại sản xuất, khách sạn, chi nhánh ở cả Việt Nam, Campuchia… Công ty 72 là một doanh nghiệp thành viên của Tổng Công ty 15 hay nói cách khác, Công ty 72 là một đơn vị của Binh đoàn 15.
Nhờ giỏi… khai thác mủ cao su, cà phê mà Binh đoàn 15 được phong tặng danh hiệu… “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” trong thời kỳ đổi mới (1) và Công ty 72 vừa mới được tặng… Huân chương Bảo vệ tổ quốc hạng nhì (2).
Vậy thì tại sao Đại tá Sang và Đại tá Giang bị bắt? Báo chí Việt Nam dẫn tin từ Ủy ban Kiểm tra của Quân ủy Trung ương cho biết, vì hai ông đại tá liên quan đến việc mua giống cao su với giá cao gây thiệt hại 12 tỉ và thiếu trách nhiệm khi ký hợp đồng mua đất ở Campuchia khiến hoạt động canh tác không hiệu quả, có nhiều khả năng sẽ mất hàng nghìn héc ta đất, trị giá 39 tỉ đồng (3),…
***
Từ năm ngoái đến nay, khá nhiều đại tá của Quân đội nhân dân Việt Nam bị tống giam, phạt tù vì đủ thứ sai phạm khi thay mặt quân đội… làm ăn. Chẳng hạn hồi đầu năm nay, Đại tá Trần Văn Đồng (Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Chi nhánh Đầu tư – Xây dựng miền Nam của Tổng công ty Xây dựng Lũng Lô) bị phạt 9 năm tù vì “giả mạo trong công tác” và “sản xuất, buôn bán hàng giả” (pha chế bán ra thị trường 75 triệu lít xăng giả) (4).
Trước nữa thì có vụ Đại tá Vũ Duy An, Chủ nhiệm Hậu cần Sư đoàn 363 của Quân chủng Phòng không – Không quân (PKKQ) bị phạt ba năm tù vì “vi phạm các qui định về quản lý đất đai” (5). Hai đại tá: Nguyễn Hải Châu (Chính ủy) và Phạm Ngọc Dũng (Chỉ huy trưởng Sư đoàn 375) của Quân chủng PKKQ bị cảnh cáo vì “thiếu trách nhiệm, buông lòng quản lý để xảy ra nhiều vi phạm trong sử dụng đất quốc phòng” (6)…
Còn cách chức, cảnh cáo vì lạm dụng danh nghĩa quốc phòng để xây dựng quân đội vững mạnh toàn diện rồi trục lợi như Đại tá Trần Lưu Huỳnh, Đại tá Nguyễn Đình Cường (xin đất ở huyện Krong Ana (tỉnh Đắk Lắk) để thực hiện các kế hoạch phục vụ quốc phòng nhưng sau đó đem đất đi liên kết kinh doanh sân bóng đá mini và xây dựng nhà hàng, cửa hàng) (7)… thì khó mà kể hết trong một bài viết!
Khi nhiều đại tá có thể thi nhau đem “sự nghiệp quốc phòng toàn dân” ra bán sỉ và lẻ tới mức phải xử lý thì tất nhiên không thể bỏ qua các ông tướng. Tuy nhiên mới chỉ có một Đô đốc (Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Quốc phòng, cựu Tư lệnh Quân chủng Hải quân), một Phó Đô đốc (Nguyễn Văn Tình, Chính uỷ Quân chủng Hải quân), một Chuẩn Đô đốc Lê Văn Đạo (Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân), một Thượng tướng (Phương Minh Hòa, Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân), hai Trung tướng (Nguyễn Văn Thanh, Chính ủy Quân chủng Phòng không – Không quân và Nguyễn Hoàng Thủy, Tư lệnh Quân khu 9), hai Thiếu tướng (Phan Tấn Tài, Phó Tư lệnh Quân khu 7 và Đặng Ngọc Nghĩa Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội, cựu Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên – Huế),… bị cách chức, cảnh cáo, phê bình vì để đất quốc phòng đổi chủ, hoặc vì những quyết định liên kết kinh doanh mà chỉ đối tác hưởng lợi còn quân đội ta thì mất cả chì lẫn chài (8)!..
***
Không phải tự nhiên mà trước nay, rất nhiều người, thuộc nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài Việt Nam, liên tục khuyến cáo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam nên loại bỏ chủ trương “quân đội làm kinh tế”.
Sở dĩ thiên hạ khẳng định sự phối kết giữa quốc phòng với làm kinh tế chỉ tạo ra quái thai vì đó là cội nguồn của nhiều vấn nạn: Dễ bị các cá nhân lạm dụng để trục lợi. Làm vẩn đục môi trường kinh doanh, nguy hại cho nỗ lực phát triển kinh tế, xã hội. Đặc biệt là suy giảm khả năng quốc phòng do nhân tâm xáo trộn, quân đội cần được dân chúng tin – yêu – hỗ trợ thì lại tạo ra bất bình, nội bộ phân hóa vì một bên gánh chịu gian nan, khổ cực trong khi bên còn lại thì giàu có “nứt đố, đổ vách”, ăn chơi phè phỡn. Chưa kể “quân đội làm kinh tế” sẽ khiến lãnh đạo quân đội bị khuynh đảo vì lợi…
Tuy nhiên cả giới lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền tại Việt Nam lẫn lãnh đạo Bộ Quốc phòng vẫn khăng khăng, khẳng định “quân đội làm kinh tế” là “đúng đắn”, là “đặc thù của quân đội nhân dân Việt Nam”.
Tháng 6 năm 2017, sau scandal Đồng Tâm (nông dân xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội rào làng, giữ con tin,… phản đối việc dán nhãn “đất quốc phòng”, tịch thu đất để giao cho Viettel – Tập đoàn Viễn thông Quân đội, một doanh nghiệp của Bộ Quốc phòng) và scandal sân golf Tân Sơn Nhất (nhân danh “sự nghiệp quốc phòng”, Bộ Quốc phòng khăng khăng thủ giữ 157 héc ta thuộc phạm vi phi trường Tân Sơn Nhất để tiếp tục cho thuê làm sân golf, bất kể phi trường này nghẽn cả trên trời, lẫn tắc ở dưới đất vì không thể mở rộng), trước sự phẫn nộ của dư luận, ông Lê Chiêm, Thượng tướng, Thứ trưởng Quốc phòng dõng dạc cam kết: Quân đội sẽ thôi, không làm kinh tế nữa (9).
Thế nhưng chỉ nửa tháng sau, một Thượng tướng khác, cũng đảm nhiệm vai trò Thứ trưởng Quốc phòng như tướng Lê Chiêm là Nguyễn Chí Vịnh “đăng đàn”, phủ nhận cam kết của đồng đội. Theo đó, tướng Lê Chiêm không thay mặt quân đội (?) mà chỉ nêu quan điểm cá nhân. Quan điểm cá nhân của tướng Lê Chiêm “cũng đúng nhưng không đầy đủ”. Tướng Vịnh thay mặt quân đội “nói lại cho rõ” là: “Quân đội sẽ tiếp tục làm ‘kinh tế quốc phòng’, thậm chí “sẽ còn ‘làm’ mạnh hơn nữa (10)”!
Ngay sau đó, không chỉ khẳng định quân đội sẽ tiếp tục “tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” vì đó là “chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội”, Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng còn gọi tất cả những người khuyên quân đội nên thôi, đừng làm kinh tế là “chúng”, là một kiểu chống phá của các thế lực thù địch. Ông Lịch nhấn mạnh: “Nguyên tắc của chúng ta là Đảng lãnh đạo tuyệt đối về mọi mặt đối với quân đội, không giao cho tổ chức, cá nhân nào lãnh đạo, điều hành quân đội” cho nên “trách nhiệm chính trị của Đảng bộ quân đội là phải làm tốt và làm tốt hơn nữa trong sản xuất, kinh doanh” để “chứng minh rằng chủ trương xây dựng các doanh nghiệp quân đội của Đảng ta là đúng đắn” (11).
***
Năm ngoái trước những trận bão dư luận về tình trạng đất quốc phòng bị “chia năm, xẻ bảy”, đổi chủ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Thượng tướng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, phân bua: Đất quốc phòng vốn có nguồn gốc đa dạng. Vấn đề cơ bản là cần được quản lý và sử dụng tốt. Thực tế, một số vị trí đất quốc phòng chưa sử dụng ngay thì anh em có thể đưa vào sản xuất, phục vụ kinh tế quốc phòng nhưng đã có thiếu sót và thiếu sót đến đâu thì xử lý nghiêm túc đến đó (12).
Có thể thấy rất rõ, nếu không có chủ trương để “quân đội tham gia sản xuất, xây dựng kinh tế” xem đó là “chức năng, nhiệm vụ hết sức quan trọng của quân đội” thì “đất quốc phòng” sẽ không trở thành vấn nạn nhức nhối và không có những sai phạm kiểu như sai phạm của Binh đoàn 15 – Tổng Công ty 15, không khiến người ta âu lo, thắc mắc, ngân sách cấp cho phòng vệ quốc gia đã được sử dụng ra sao, hiệu quả thật sự thế nào?
Chẳng riêng “những thế lực thù địch, phản động”, cử tri thành phố Đà Nẵng cũng đã yêu cầu các đại biểu của họ tại Quốc hội thay họ chất vấn Bộ Quốc phòng về trách nhiệm của Bộ trưởng Quốc phòng khi có hàng loạt cán bộ, tướng lĩnh vi phạm pháp luật?
Có bao nhiêu người tin Bộ Quốc phòng trung thực khi trả lời chất vấn vừa kể, đại ý: Các tướng lĩnh quân đội bị xử lý không phải do tham nhũng. Các sĩ quan cao cấp của quân đội vi phạm pháp luật và đã bị kỷ luật chỉ là vì “buông lỏng lãnh đạo, thiếu trách nhiệm trong tổ chức thực hiện các quy định của nhà nước, của quân đội trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng” và những vi phạm ấy “tập trung chủ yếu ở các nhiệm kỳ 2005 – 2010, 2010 – 2015” (13)?
Song tham nhũng trong quân đội, lạm dụng những ưu đãi, các nguồn lực dành cho quốc phòng để làm ăn chưa phải là điều đáng bận tâm nhất. Phải thấy rằng, những vi phạm pháp luật như đã biết của các sĩ quan cao cấp trong quân đội khác xa vi phạm pháp luật của những công dân bình thường, bởi rõ ràng những vi phạm ấy làm suy giảm năng lực bảo vệ chủ quyền quốc gia của một dân tộc.
Nếu giới lãnh đạo quân đội vẫn kiên định với con đường biến quân đội thành một lực lượng “sản xuất, xây dựng kinh tế”, vẫn khẳng định con đường đó là “đúng đắn” thì chính họ phải chịu trực tiếp chịu trách nhiệm về hậu quả phát sinh từ chủ trương này với tư cách “người đứng đầu”. Tha giới lãnh đạo Bộ Quốc phòng chỉ vì đó là những cá nhân “trung với đảng” sẽ chẳng khác gì tiếp sức cho kẻ thù làm quân đội mục ruỗng!
Chú thích
(1) https://vi.wikipedia.org/wiki/Binh_đoàn_15,_Bộ_Quốc_phòng_(Việt_Nam)
(5) https://vov.vn/nhan-su/de-nghi-ky-luat-mot-cuu-dai-ta-quan-doi-vi-pham-phap-luat-981202.vov
(8) http://danviet.vn/tin-tuc/nhung-vi-tuong-quan-doi-nao-sai-pham-bi-ky-luat-trong-nam-qua-990527.html
(9) http://dantri.com.vn/blog/mung-vi-quan-doi-se-khong-lam-kinh-te-20170626040806638.htm