Quốc hội cũng… khổ lắm!

- Quảng Cáo -

Còn vài ngày nữa kỳ họp thứ 37 của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội Việt Nam khóa 14 mới kết thúc. Lần này, trong vòng mười ngày (9/9/2019 – 20/9/2019), UBTV Quốc hội Việt Nam góp ý cho 12 dự luật và dự thảo hai nghị quyết (1), trước khi chúng được đem ra trình cho các đại biểu Quốc hội khóa 14 ở kỳ họp lần thứ tám của toàn thể Quốc hội (dự trù sẽ khai mạc vào 21/10/2019 và kéo dài cho đến 20/11/2019).

Theo hiến pháp, quyền của UBTV Quốc hội rất lớn: Chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các kỳ họp của toàn thể Quốc hội. Thay mặt Quốc hội ban hành, giám sát việc thi thành các nghị quyết, pháp lệnh, giải thích hiến pháp, luật pháp. Giám sát hoạt động của chính phủ, Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Kiểm toán Nhà nước và các cơ quan của Quốc hội. Có thể đình chỉ việc thi hành văn bản của chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát và đề nghị Quốc hội bãi bỏ văn bản đó. Giới thiệu để Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch Nhà nước và các lãnh đạo Quốc hội. Giám sát, hướng dẫn hoạt động các Hội đồng nhân dân, bãi bỏ nghị quyết của các Hội đồng nhân dân, giải tán các Hội đồng nhân dân. Quyết định thành lập, giải thể, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính. Tuyên bố tình trạng chiến tranh nếu Quốc hội không thể họp toàn thể. Quyết định tổng động viên. Ban bố, bãi bỏ tình trạng khẩn cấp. Tổ chức trưng cầu dân ý theo quyết định của Quốc hội…

***

Một trong 12 dự luật mà UBTV của Quốc hội Việt Nam xem xét, góp ý ở kỳ họp đang diễn ra là Dự luật sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội. Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì vấn đề khiến UBTV Quốc hội Việt Nam bận tâm nhiều nhất đối với việc sửa Luật Tổ chức Quốc hội là có tăng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách (chỉ là đại biểu Quốc hội, không giữ bất kỳ chức vụ nào trong hệ thống công quyền) hay không (?).

- Quảng Cáo -

Theo luật thì tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách tối thiểu phải là 35% trên tổng số đại biểu Quốc hội nhưng ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, bảo rằng, hiện có hai khuynh hướng: Một đề nghị giữ nguyên tỉ lệ này, một đề nghị nâng tỉ lệ mà trên thực tế vốn chưa đạt này lên cao hơn, thậm chí nâng lên đến 50% để giảm số lượng cá nhân vừa là viên chức, vừa là đại biểu cho dân chúng tại Quốc hội.

Ông Phúc lưu ý, Quốc hội Việt Nam hiện giờ chỉ có 167/484 đại biểu Quốc hội chuyên trách (tỉ lệ 34,5% trên tổng số, thấp hơn Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành là 0,5%). Nếu “chưa tính toán kỹ về nguồn nhân sự đầu vào”, khi sửa Luật tổ chức Quốc hội, nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên “sẽ rất khó khả thi, ảnh hưởng đến hiệu lực pháp lý đối với quy định của luật”.

Trước khuynh hướng “giảm số lượng phó của các Ủy ban thuộc Quốc hội và uỷ viên thường trực tại Hội đồng Dân tộc”, ông Phùng Quốc Hiển, Phó Chủ tịch Quốc hội, lưu ý “cần cân nhắc thấu đáo” vì “nâng tỉ lệ ‘đại biểu chuyên trách’ là xu hướng chung của thế giới”. Có lẽ cần chú thích thêm, “xu hướng chung của thế giới” không phải là “nâng” mà cấm đại biểu cho dân tại Quốc hội kiêm những chức vụ khác trong hệ thống công quyền.

Trong cuộc họp của UBTV Quốc hội về Dự luật sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội, có hai nhân vật cương quyết phải nâng tỉ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách lên cao hơn là bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp và ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách. Cả hai cùng nhấn mạnh, có tăng số lượng chuyên gia trong các lĩnh vực làm “đại biểu chuyên trách” mới nâng được chất lượng hoạt động của Quốc hội.

Có một điểm hết sức thú vị là bà Nga, ông Hải cùng đề cập đến thực trạng: Khi thực hiện “quy hoạch nhân sự”, tìm kiếm – rút người từ các cơ quan khác về làm Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực các Ủy ban của Quốc hội, hoặc là làm “đại biểu chuyên trách”, phần lớn những cá nhân được chọn đều xin… “đừng đưa em vào quy hoạch”, kèm cảnh báo, nếu không tôn trọng nguyện vọng, cố đưa, đương sự sẽ xin… rút (2).

Hóa ra, Quốc hội cũng… khổ lắm chứ có sung sướng gì đâu! Chẳng hạn, chỉ kể riêng khóa này, ông Đinh La Thăng vốn được dân chúng TP.HCM bầu vào Quốc hội nhưng khi ông Thăng bị Bộ Chính trị cách chức Bí thư Thành ủy TP.HCM, điều ông về làm… đại biểu cho dân chúng Thanh Hóa, Quốc hội phải chấp hành. Tương tự, ông Nguyễn Thiện Nhân vốn được dân chúng Vĩnh Long bầu vào Quốc hội nhưng khi Bộ Chính trị phân công ông làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, Quốc hội cũng phải tán thành việc ông Nhân đương nhiên trở thành… Trưởng Đoàn đại biểu của TP.HCM ở Quốc hội (3). Hoặc ông Đinh Thế Huynh, đại biểu của dân chúng thành phố Đà Nẵng nhưng ba năm qua không tham gia bất kỳ sinh hoạt nào của Quốc hội và vì Bộ Chính trị chưa cho ý kiến nên Quốc hội không dám quyết định có miễn nhiệm hay không (4)…

***

Cần phải ghi nhận thành tâm, thiện ý của bà Nga, ông Hải trong nỗ lực gia tăng “đại biểu chuyên trách”, cải thiện chất lượng hoạt động của Quốc hội. Tuy nhiên những trăn trở của họ về nhân lực, chỉ ra một điều, Quốc hội vẫn chỉ là một trong những cái “bánh vẽ”, làm sao nhân dân có thể thể hiện quyền lực “bằng dân chủ trực tiếp, bằng dân chủ đại diện thông qua Quốc hội” như hiến định khi tất cả đại biểu đều được “quy hoạch”?

Qua “quy hoạch”, đảng “chọn mặt, gửi vàng”, giới thiệu để dân bầu… “trực tiếp” thì làm sao Quốc hội có thể trở thành cơ quan đại diện cho “ý chí, nguyện vọng của toàn dân”? Một quốc gia mà toàn bộ nhân sự của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền, hệ thống tư pháp từ trung ương đến địa phương, thậm chí nhân sự của các đoàn thể cũng được “qui hoạch” thì gọi bầu cử là trò hề có quá đáng không?

Một Quốc hội mà hơn 96% thành viên là đảng viên và 65,5% không là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương đảng thì cũng là các viên chức lãnh đạo nhà nước, chính phủ, chính quyền các địa phương, các đoàn thể thì hoạt động sẽ hướng vào đối tượng nào, dân hay đảng? Việc soạn thảo – ban hành – thực thi cả hiến pháp lẫn pháp luật sẽ vì đối tượng nào? “Công bằng, dân chủ, văn minh” sẽ theo chuẩn nào? Sẽ giám sát đối tượng nào?

Đến giờ, người ta chỉ biết, chi phí cho mỗi ngày họp chính thức của Quốc hội (họp toàn thể) khoảng một tỉ đồng (5). Cho dù chưa rõ chi phí để tổ chức, duy trì hoạt động của toàn bộ Quốc hội mỗi năm là bao nhiêu nhưng chắc chắc con số này không nhỏ! Khi đảng đã cũng như đang lãnh đạo toàn diện, tuyệt đối như thế, có cần phải dùng hơn 70% tổng chi hàng năm để nuôi Quốc hội, chính phủ, hội đồng nhân dân, chính quyền các cấp, các đoàn thể không?

Với thực trạng kinh tế, xã hội như hiện nay, bỏ hết “trang sức” dùng vào tô điểm cho “dân chủ xã hội chủ nghĩa”, thể hiện đúng bản chất – đảng trực tiếp điều hành từ lập pháp, hành pháp, đến tư pháp – dẫu không giống ai nhưng có lẽ sẽ lương thiện hơn vì không gạt ai. Chưa kể có thể giảm được một nửa chi phí, may ra nhờ vậy mà không cần phải cắt cả phúc lợi tối thiểu cho giáo dục, y tế, xén luôn an sinh xã hội tối thiểu cho những người bất hạnh, người già, đỡ phải vay mượn để “chi thường xuyên”, giảm nợ nần.

Chú thích

(1) http://baochinhphu.vn/Thoi-su/Khai-mac-Phien-hop-thu-37-cua-Uy-ban-Thuong-vu-Quoc-hoi/374719.vgp

(2) https://tuoitre.vn/tai-sao-nhieu-can-bo-tu-choi-ve-quoc-hoi-20190914162320503.htm

(3) http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170512/dbqh-dinh-la-thang-se-chuyen-ve-doan-thanh-hoa/1312950.html

(4) https://tuoitre.vn/truong-hop-dbqh-dinh-the-huynh-bo-chinh-tri-co-y-kien-moi-xem-xet-20180519094606692.htm

(5) https://news.zing.vn/moi-ngay-hop-quoc-hoi-chi-phi-1-ty-dong-post366011.html

- Quảng Cáo -

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here