Đối phó EVFTA: Việt Nam đang ‘sửa’ Bộ luật Lao động ra sao? (*)
- Phạm Chí Dũng – VOA
Bí mật gì?
Ngay sau khi kết thúc chuyến đi Pháp và Bỉ vào cuối tháng 3 năm 2019 để vận động cho EVFTA, Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch quốc hội Việt Nam – đã chủ trì một phiên họp quốc hội. Được báo Sài Gòn Giải Phóng tường thuật, bà Ngân đã “Tỏ ra rất sốt ruột về việc chưa nhận được hồ sơ trình dự án sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động, trong khi chương trình xây dựng pháp luật năm 2019 đã có dự án này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rõ: “Chúng ta đã cam kết với Nghị viện châu Âu về thời hạn xem xét sửa đổi Bộ luật Lao động. Đó chính là cơ sở quan trọng để Nghị viện châu Âu xem xét thông qua Hiệp định EVFTA, vậy mà bây giờ các bước cần thiết vẫn chưa được tiến hành. Thay vì trình hồ sơ dự án thì cơ quan trình lại chỉ báo cáo, xin ý kiến của UBTVQH về một số vấn đề, như thế có phải là làm ngược quy trình hay không?!”.
‘Bí mật’ đã lộ hẳn ra: suốt từ cuối năm 2018 – thời điểm tái khởi động quy trình ‘chuẩn bị ký kết và phê chuẩn EVFTA’ cho đến nay, các bộ ngành đã gần như không làm gì cả đối với việc sửa đổi nội dung của Bộ luật Lao động để đáp ứng đòi hỏi của Hiệp định EVFTA.
Nếu tính cả thời gian trước đó liên quan đến việc Việt Nam tham gia vào TPP (Hiệp định Đối tác kinh tế Xuyên Thái Bình Dương), và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, thay thế cho TPP mà không có vai trò của Mỹ), Bộ luật Lao động đã chỉ được các bộ ngành và chính phủ Việt Nam lôi ra nhét vào ngăn kéo đầy bụi bặm như một động tác thuần đối phó với cộng đồng quốc tế, chỉ làm cho có, miễn sao gia nhập được hiệp định kinh tế và được ‘ăn sẵn’ lẫn ‘ăn ngay’.
Những yêu cầu của EVFTA về sửa đổi Bộ luật Lao động Việt Nam cũng có thể khá tương đồng với yêu cầu trong CPTPP.
Vào cuối năm 2018, để được tham gia vào CPTPP, lần đầu tiên Nguyễn Phú Trọng và chế độ độc trị của ông ta đã phải nhượng bộ chấp nhận điều kiện về cho phép người lao động được tự do thành lập các tổ chức nghiệp đoàn tự do để tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình, tức về thực chất sẽ có một hình thái tổ chức nghiệp đoàn độc lập, hay còn gọi là công đoàn độc lập, tồn tại song song với hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam từ trung ương xuống các địa phương. Không những thế, công nhân còn được thành lập nghiệp đoàn tự do không chỉ giới hạn ở từng khu vực mà còn trên cả nước, và các nghiệp đoàn độc lập này được kết nối với nhau…
Việt Nam sửa Bộ luật Lao động chỉ nhằm đối phó EVFTA
Theo quy định bắt buộc của EVFTA, nếu chính quyền Việt Nam không chịu sửa Bộ luật Lao động theo đúng yêu cầu của EU (Liên minh châu Âu) thì sẽ không được Nghị viện châu Âu chấp nhận cho tham gia vào hiệp định này.
Cuối cùng sau nhiều lần cố tình trì hoãn, vào cuối tháng Tư năm 2019 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã phải công bố dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có một số nội dung được điều chỉnh. Theo lộ trình, dự luật này sẽ được đưa ra Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 5, lấy ý kiến đến ngày 28/6/2019 và thông qua vào kỳ họp tháng 10.
Điểm mới nhất trong dự thảo luật này là lần đầu tiên bổ sung các quy định về việc thành lập tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam.
Theo đó, người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động trong tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở. Tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở thành lập và hoạt động hợp pháp sau khi gia nhập hệ thống Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký.
Trường hợp đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì người đại diện của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở gửi hồ sơ đăng ký theo quy của pháp luật cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký…
Nhưng cách thức dùng từ ngữ và việc mô tả nội dung điều chỉnh trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) lại cho thấy bản dự thảo này còn rất thiếu thiện chí trong việc đáp ứng các yêu cầu của EVFTA. Trong khi cả CPTPP và EVFTA đều dùng cách gọi ‘công đoàn tự do’ dành cho quyền được tự thành lập công đoàn của người lao động, thì dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) chỉ dùng cụm từ “tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở” một cách lập lờ và giấu đi thực chất của loại hình công đoàn độc lập. Với cách dùng từ như thế, sẽ có nhiều công nhân tưởng rằng công đoàn tự do (hay công đoàn độc lập) về thực chất vẫn là loại hình công đoàn cơ sở thuộc Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, do vậy họ sẽ không quan tâm đến việc tự thành lập công đoàn tự do nữa.
Dự thảo trên cũng cũng không mô tả, hoặc mô tả không rõ những quyền của người lao động mà đã được Hiệp định CPTPP quy định như:
– Cho phép người lao động làm việc trong một doanh nghiệp được thành lập tổ chức của người lao động /Công đoàn ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ. Để hoạt động, tổ chức này hoặc gia nhập vào Tổng Liên đoàn Lao động VN hoặc đăng ký hoạt động độc lập với cơ quan nhà nước có thẩm quyền (do Chính phủ quy định) tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.
– Các tổ chức công đoàn – người lao động này được quyền không kém hơn so với Công đoàn cơ sở; thuộc hệ thống của Tổng Liên đoàn Lao động VN.
– Tổ chức này có thể yêu cầu và nhận sự trợ giúp kỹ thuật và đào tạo từ các tổ chức hoạt động về lao động đang hoạt động hợp pháp tại VN.
– Lộ trình: Chậm nhất từ 5 đến 7 năm; kể từ khi CTTPP có hiệu lực; các tổ chức người lao động – Công đoàn có thể gia nhập/ hoặc thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như: cấp ngành, cấp vùng lãnh thổ theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định.
Ngoài ra còn có những nội dung mới liên quan đến vấn đề lao động ở Việt Nam như vấn đề đình công: hiện tại Pháp luật Việt Nam chỉ cho phép đình công trong các doanh nghiệp; đình công chỉ được thực hiện với tranh chấp lao động tập thể về lợi ích; trong khi đó CTTPP sẽ cho phép đình công cấp ngành, đình công hưởng ứng và có thể có đình công “phản đối chính sách kinh tế – xã hội”…
Dự thảo trên cũng không làm rõ “cơ quan nhà nước có thẩm quyền để đăng ký” là cơ quan nào. Với quy định quá chung chung và mập mờ như thế, công nhân sẽ không thể biết đâu là cơ quan ‘có trách nhiệm’ để đăng ký thành lập công đoàn độc lập, khiến họ vẫn phải phụ thuộc vào Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, bất chấp việc tổ chức này từ lâu đã tự đặt ra một quy định trong Luật Công đoàn để ‘ăn’ đến 3% trên tổng quỹ lương của doanh nghiệp như một hình thức ăn cướp trên xương máu người lao động.
Với bản dự thảo quá sơ sài trên, cũng có thể thấy rõ về ý đồ của chính thể độc đảng ở Việt Nam là chỉ đưa ra bản dự thảo này cho có và thông qua để Việt Nam được tham gia vào EVFTA, nhưng trong quá trình thực hiện thì sẽ dựng lên một bức thành thủ tục hành chính cao ngất, theo đúng tinh thần ‘hành là chính’, để người lao động không thể đáp ứng được và do đó hồ sơ đăng ký thành lập công đoàn tự do của họ sẽ tất yếu bị gạt ra.
(*) Tựa nguyên thủy của tác giả