Chuyện kể rằng, một ngày kia có một chàng trai đi dạo trên biển. Thuỷ triều buổi sáng rút nước ra xa bờ làm lộ một khoảng bờ cát rộng mênh mang. Trên mặt cát ẩm ướt, lẫn giữa những vết lốm đốm do còng biển tạo ra có những chú sao biển nằm chờ chết. Chỉ giây lát nữa thôi, khi mặt trời lên cao soi chiếu những tia nắng xuống đây thì đó là giờ phút tồn tại cuối cùng của sao biển.
Chàng trai bèn đi dọc bờ cát, nhặt những con sao biển lên rồi ném xuống nước. Và rồi cứ thế, vào mỗi buổi sáng chàng trai lại ra biển làm công việc đó. Có một ông già sống gần đó nhìn thấy hết chuyện này.
Một hôm ông hỏi chàng trai: “Sao con lại làm chuyện vô ích như vậy? Con có biết là có đến hàng trăm, hàng ngàn bờ biển kéo dài hàng dặm không, chưa kể là có đến hàng triệu con sao biển nữa. Con không thể tạo nên sự khác biệt nào đâu?”.
Chàng trai vẫn im lặng và cúi xuống nhặt một con sao biển khác lên nhìn nó rồi ném xuống đại dương. Cậu nói: “Ông thấy chứ, con vừa tạo một điều khác biệt với con sao biển đó đấy ông”.
Thế rồi một lúc sau, ông già cũng cúi xuống nhặt những con sao biển ném xuống nước cùng chàng trai. Một người khách du lịch nữa trên bờ cũng nhìn thấy, và rồi cũng bước xuống bờ cát đi ném sao biển… Chẳng bao lâu sau có hàng vạn con sao biển được về nhà!
Đây chỉ là một câu chuyện đầy ẩn ý hay được nhắc tới trong các lớp học về đào tạo kỹ năng con người. Nhưng lần đầu tiên khi nghe câu chuyện này, tự dưng tôi lại nhớ đến những người đi đấu tranh trong xã hội. Hôm nay ngày 10/7/2018, ở Hà Nội có một phiên xét xử phúc thẩm với ông Vũ Quang Thuận, Nguyễn Văn Điển và sinh viên Trần Hoàng Phúc. Vào lúc 21h, phiên toà mới kết thúc, kết quả là: Y án.
Vũ Quang Thuận 8 năm tù – 5 năm quản chế
Nguyễn Văn Điển 6 năm tù – 4 năm quản chế
Sinh viên Trần Hoàng Phúc 6 năm tù – 4 năm quản chế.
Những người đấu tranh trong xã hội Việt Nam này giờ đây không còn cảm thấy choáng ngợp trước các bản án đầy bất công mà chế độ cộng sản chụp lên đầu những người lên tiếng trước các vấn đề xã hội.
Từ những vụ gần đây như Trần Thị Nga, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh… cho đến Nguyễn Văn Đài, Cấn Thị Thêu, Ba Sàm, Bùi Thị Minh Hằng, Đỗ Thị Minh Hạnh… hay xa hơn nữa là các bản án dành cho Điếu Cày, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, linh mục Nguyễn Văn Lý… Trong hàng chục năm qua, vì chống lại bất công xã hội, vì bảo vệ chủ quyền biển đảo, vì đòi tự do dân chủ, có hàng trăm người đã phải chịu tù đày khốc liệt. Nhưng sẽ còn rất nhiều người khác nữa vẫn tiếp tục đấu tranh, tiếp tục lên tiếng. Họ như những người đi nhặt sao biển trên bờ cát buổi sáng, hết người này thay người khác. Họ không nói ra, nhưng tôi nghĩ họ đều đồng ý với tôi một điều rằng:
Chúng tôi thà chết để trao cho các bạn điều đúng đắn còn hơn sống để tất cả cùng dối trá. Điều đúng đắn từ từ trong dài hạn mới mang lại thành quả có giá trị cho chúng ta, và vì thế cuộc đời ngắn ngủi của chúng ta mới có ý nghĩa.