Lấp ló xung đột Mỹ – Trung tại Thái Bình Dương

Gideon Rachman, Financial Times - Hoàng Thuyên lược dịch

Hình: James Ferguson
- Quảng Cáo -

Những câu hỏi hiện nay xoay quanh mối quan hệ giữa ông Trump và Nga rất giật gân và hấp dẫn. Nhưng chúng lại khiến người ta không chú ý đến một sự việc quan trọng và nguy hiểm hơn: đó là có nhiều chỉ dấu cho thấy chính quyền Trump đang tiến đến đấu đá với Trung Quốc – mà có thể dẫn đến xung đột vũ trang.

Biểu thị mới nhất xảy ra trong cuộc điều trần phê chuẩn ông Rex Tillerson, người được đề cử làm Bộ Trưởng Ngoại Giao Hoa Kỳ. Ông Tillerson bày tỏ thái độ cứng rắn hơn của Hoa Kỳ đối với các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh xây dựng trong Biển Đông. Ông ví việc xây đảo với việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp của Nga và cho biết là chính quyền Trump có ý định gửi một tín hiệu rõ rệt đến Bắc Kinh là “không cho phép quý vị vào các đảo đó”.

Điều đó nghe có vẻ như lời hăm dọa bao vây các đảo này. Trung Quốc chắc chắn sẽ tìm cách phá vỡ vòng vây bằng đường biển hoặc đường bay. Tình hình xem chừng giống như một phiên bản tân thời của cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba. Ngay sau đó truyền thông nhà nước Trung Quốc phản ứng một cách kịch liệt với lời phát biểu của ông Tillerson. Tờ Thời Báo Toàn Cầu cảnh báo về “một cuộc chiến ở tầm vóc lớn”, trong khi tờ Trung Quốc Nhật Báo nhắc đến một cuộc đối đầu tàn khốc giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Rất có thể là ông Tillerson để lộ ra nhiều hơn dự tính khi điều trần trước Quốc hội. Lời phát biểu của ông có vẻ mâu thuẫn với lập trường chính thức của Hoa Kỳ, tức là mối quan tâm duy nhất của Hoa Kỳ là tự do hải hành trong vùng Thái Bình Dường và Hoa Kỳ không có ý kiến về chủ quyền tại Biển Đông. Tuy thế ông Tillerson đã không rút lời hoặc làm sáng tỏ phát biểu này. Phát biểu của ông Tillerson không phải là chỉ dấu duy nhất về ý định đối đầu với Trung Quốc. Những thay đổi về chính sách của Hoa Kỳ đối với Đài Loan và về giao thương cũng đi về cùng hướng.

- Quảng Cáo -

Từ khi Hoa Kỳ và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1979, Hoa Kỳ đã tôn trọng chính sách Một Trung Quốc của Bắc Kinh, trong đó nhấn mạnh Đài Loan chỉ là một tỉnh chống đối. Vì thế, không có vị lãnh đạo Hoa Kỳ nào tiếp xúc với lãnh đạo Đài Loan trong nhiều thập niên qua. Nhưng vào tháng Mười Hai, ông Trump phá bỏ tiền lệ này khi điện đàm với nữ Tổng thống Thái Anh Văn của Đài Loan. Có một số gợi ý cho rằng ông Trump chỉ vấp phải một sai lầm. Nhưng vào tuần rồi, khi trả lời một cuộc phỏng vấn, ông Trump nhấn mạnh rằng chính quyền ông rất có thể vất bỏ chính sách Một Trung Quốc, trừ khi Bắc Kinh nhượng bộ về mặt giao thương. Nhưng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiều lần là họ thà có chiến tranh hơn là chấp nhận sự độc lập của Đài Loan, đây là một chính sách có rủi ro cao.

Đối với ông Trump, điều tối hậu có lẽ là giao thương. Trong lúc vận động tranh cử, ông lên tiếng đả kích – “Chúng ta bị thâm thủng mậu dịch 500 tỉ đô la với Trung Quốc… Chúng ta không thể tiếp tục để Trung Quốc cưỡng hiếp nước chúng ta.” Những ai hy vọng là sau khi thắng cử ông Trump sẽ bỏ ý định bảo hộ mậu dịch đã thất vọng. Vì ngược lại, ông Trump bổ nhiệm ông Peter Navarro, một người chủ trương bảo hộ mậu dịch và tác giả của quyển “Chết Bởi Trung Quốc”, đứng đầu Hội Đồng Giao Thương Quốc Gia của Tòa Bạch Ốc. Hiện đã có những bàn thảo về việc áp đặt thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc và thuế nhập khẩu mới.

Gộp ba việc này lại – Đài Loan, Tillerson và Giao Thương – không còn ngờ vực gì về việc nước Hoa Kỳ dưới tay ông Trump đang tiến đến đối đầu với Trung Quốc. Điều này lại càng có xác suất cao xảy ra khi mà Trung Quốc, dưới tay Tập Cận Bình, cũng đi về hướng chủ nghĩa tự ái dân tộc.

Trong bài diễn văn tại Davos tuần này, họ Tập chắc chắn sẽ tô vẻ cho mình là tiếng nói bình tĩnh tại Thái Bình Dương. Trong thực tế, Trung Quốc đang áp lực về cả quân sự, ngoại giao, và kinh tế lên các đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á. Những quốc gia như Nam Hàn và Singapore thường nghĩ là họ có thể vừa có được quan hệ kinh tế gần gũi với Trung Quốc, trong cùng lúc được Hoa Kỳ bảo vệ an ninh. Nhưng điều đó cũng đang thay đổi. Trung Quốc hăm dọa sẽ đối xử phân biệt với các công ty Hàn Quốc trừ khi chính quyền Seoul đảo ngược quyết định triển khai giàn hỏa tiễn phòng thủ của Hoa Kỳ tại Nam Hàn.

Trong khi đó Singapore bị áp lực ngưng quan hệ với Đài Loan, nơi mà binh sĩ Singapore thường tập dượt. Trung Quốc đã tỏ dấu hiệu không hài lòng bằng cách tịch thâu một số tàu thuyền chở binh sĩ Singapore trên đường về từ Đài Loan.

Vào tuần rồi, Trung Quốc gửi một hàng không mẫu hạm xuyên qua eo biển Đài Loan, khiến không quân Đài Loan phải đưa phi cơ nghênh chiến. Trước đó, không quân Nhật Bản và Nam Hàn cũng đưa phi cơ nghênh chiến trước những động thái quân sự của Trung Quốc.

Cho đến nay chưa có đối đầu tương tự giữa hai hải quân Hoa Kỳ và Trung Quốc. Nhưng nếu ông Trump và họ Tập vẫn giữ lập trường hiện nay, xảy ra đối đầu chỉ còn là thời gian.

Những cuộc đối đầu như thế sẽ đặt các đồng minh của Hoa Kỳ tại Châu Á và nơi khác vào sự chọn lựa khó khăn. Trong thời ông Obama, Hoa Kỳ có thể cậy nhờ vào sự hậu thuẫn ngầm của các đối tác an ninh tại Châu Á khi đối đầu với Trung Quốc. Nhưng không rõ là các đồng minh trước giờ của Hoa Kỳ có chịu sát cánh với một chính quyền Trump thất thường, không đoán được và bảo hộ mậu dịch và có vẻ muốn đối đầu với Bắc Kinh. Nếu một nước Hoa Kỳ dưới tay Trump choảng nhau với Trung Quốc, họ không thể kỳ vọng có được sự thông cảm của thế giới.

Gideon Rachman
16-1-2017

- Quảng Cáo -

2 CÁC GÓP Ý

  1. Hòa thằng này để đánh thằng kia cũng là điều bình thường trong binh pháp. Hơn nữa, thằng Nga giờ giống thằng nghiện chỉ còn chút hơi tàn, đấu với nó vô nghĩa, thằng tàu mới là mối nguy thực sự tại khu vực Châu Á TBD và cần phải có biện pháp cứng rắn và nếu cần thiết thì phải dùng vũ lực. Tất nhiên sẽ không một ai phù hợp hơn ông Trump trong lúc này, nếu như tinh thần bài tàu của ông là thật.

Chúng Tôi Mong Có Góp Ý Kiến Thêm Từ Quý Vị

Please enter your comment!
Please enter your name here