Vì sao không tinh giản Bộ Công an?

- Quảng Cáo -

Trung Khang

Tinh gọn bộ máy là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm với nhiều khẩu hiệu mạnh mẽ vài tháng cuối năm 2024, nhằm kêu gọi cả hệ thống chính trị vào cuộc. Thông điệp của ông Tô Lâm được cho là rất quyết liệt như “Vấn đề rất cấp bách, bắt buộc phải làm!”, “Càng làm sớm càng có lợi cho dân, cho nước”

Về bản chất, việc tinh gọn này là nhằm cắt giảm gánh nặng về ngân sách, theo lời Tổng Bí thư Tô Lâm là để có tiền chi cho đầu tư phát triển để đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình.

Thế nên việc Tổng Bí thư Tô Lâm chừa ra Bộ Công an, cơ quan ngốn tiền ngân sách bậc nhất của bộ máy nhà nước, là rất khó hiểu.

- Quảng Cáo -

Xuất thân từ ngành công an, và cũng bước lên đỉnh cao quyền lực từ cơ quan này, do vậy, theo một cựu Đại úy Công an, người không muốn nêu tên vì lý do an toàn,  thì yếu tố phe cánh là lý do Bộ Công an thoát được làn sóng tinh gọn.

“Tô Lâm xuất phát từ Bộ Công an, phải bảo vệ Bộ Công an để khẳng định vị thế của mình. Bây giờ trong nội bộ của họ cũng đấu đá với nhau,  bảo vệ Bộ Công an để nắm tất cả những vấn đề điều tra, nắm thông tin đối thủ… Tô Lâm nắm được Bộ Công an thì không một thế lực nào can thiệp vào để điều tra chính bản thân Tô Lâm và gia đình.”– Vị cựu sĩ quan công an nói.

Khi còn giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, ông Tô Lâm vào tháng 11 năm 2023 từng khẳng định, chủ trương của Bộ Công an là không giảm công an khu vực, sẽ tiếp tục tăng cường công an cấp trên về cấp xã, đặc biệt là các xã biên giới. Trong khi lực lượng công an địa phương cấp cơ sở là lực lượng đông nhất.

Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Ngay khi luật này có hiệu lực, lực lượng này ở các địa phương trên toàn quốc đã đồng loạt tổ chức Lễ ra mắt rầm rộ với gần 300.000 thành viên tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở.

Với quân số đông như vậy, cộng với nhiều đãi ngộ và dụng cụ hỗ trợ, số tiền tiêu tốn ngân sách không phải là nhỏ, lên đến hơn 6.000 tỷ đồng mỗi năm, theo tính toán của một đại biểu quốc hội.

Nhưng những khẩu hiệu kêu gọi ‘tinh giản bộ máy mạnh mẽ’ thời gian gần đây của Tổng Bí thư Tô Lâm lại không hề nhắc đến.

“Việc Bộ Công an không nằm trong kế hoạch tinh giản bộ máy phản ánh sự ưu tiên bảo vệ chế độ và chiến lược cá nhân của ông Tô Lâm. Với tư cách Tổng Bí thư, ông Tô Lâm cần một lực lượng trung thành để thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện lần hai của Đảng. Tuy nhiên, ông không thể dựa vào lực lượng nào khác ngoài Bộ Công an – nơi ông đã gắn bó hơn 40 năm và từng lãnh đạo.” – Luật sư Vũ Đức Khanh từ Canada nói với RFA.

Bộ Công an đóng vai trò quan trọng trong bảo vệ quyền lực và ổn định chính trị, nhưng việc duy trì ngân sách lớn cho lực lượng này lại mâu thuẫn với mục tiêu phát triển kinh tế. Khi chi thường xuyên chiếm 70% ngân sách, chỉ 30% còn lại cho đầu tư phát triển, các lĩnh vực giáo dục, y tế, và hạ tầng – nền tảng tăng trưởng bền vững – đều bị thiếu hụt nguồn lực. Do đó, để đạt được mục tiêu thực sự, ông Tô Lâm cần một chiến lược tái cơ cấu toàn diện.- Theo Luật sư Khanh.

“Chiến lược này đòi hỏi không chỉ tinh giản bộ máy nhà nước mà còn cân đối lại ưu tiên ngân sách, chuyển nguồn lực từ an ninh sang các lĩnh vực thúc đẩy phát triển. Quan trọng hơn, ông cần thay đổi cơ chế quyền lực: thay vì phụ thuộc vào bộ máy an ninh, ông nên xây dựng quan hệ với các lực lượng quần chúng xã hội, như giới trí thức, doanh nhân, và các nhóm cải cách. Điều này sẽ tạo sức ép từ bên dưới (trong nước) lên Đảng để thúc đẩy cải cách chính trị.” – Ông Khanh cho biết thêm./.

Bai trích đoạn.

- Quảng Cáo -