Bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền ra đời năm 1948 sau khi nhân loại đã trải qua thế chiến thứ hai đã mang lại thiệt hại khủng khiếp về người và của.
Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, con người chính thức thừa nhận là được hưởng những quyền tự do căn bản như tự do ngôn luận, lập hội, cư trú, tôn giáo, … Đặc biệt, nhân phẩm mỗi con người, không phân biệt màu da, sắc tộc, tôn giáo được tôn trọng. Mỗi công dân đều có quyền được luật pháp bảo vệ.
Trên thực tế, nói chung ở các quốc gia phát triển, bản Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền này là chuẩn mực để chính quyền đối xử và phục vụ người dân một cách đúng đắn.
Tuy nhiên, Việt Nam không thuộc về những quốc gia tôn trọng nhân quyền. Sau nửa thế kỷ chấm dứt chiến tranh, người dân Việt Nam hầu như không được hưởng quyền tự do gì. Không được quyền lập hội, công đoàn, đảng phái độc lập với nhà cầm quyền. Không có báo chí tư nhân; lên tiếng trên mạng xã hội cũng bị ngăn chặn, sách nhiễu, thậm chí tù đày như trường hợp bao nhiêu tù nhân lương tâm đã và đang bị giam cầm trong điều kiện khắc nghiệt vì dám lên tiếng đòi công bằng, quyền người dân vốn phải có.
Nhà cầm quyền CSVN vì tham quyền cố vị, muốn giữ chặt quyền lực độc tôn nên sẵn sàng dùng công an, tòa án và nhà tù để đàn áp và triệt tiêu mọi ý kiến trái chiều vốn rất cần thiết để xã hội phát triển mọi mặt như ở các siêu cường trên thế giới.
Hơn 3 triệu người Việt sống rải rác khắp nơi cũng đã chứng minh một điều rất rõ ràng: Nếu có một thể chế tự do, dân chủ, người Việt sẽ nhanh chóng đưa đất nước mình lên hàng cường quốc trong thời gian ngắn.
Điều này người Hoa ở Singapore, Đài Loan, Hongkong, người Hàn, Nhật … đã làm được thì người Việt hẳn cũng làm được khi có điều kiện./.