Nhớ có lần, trong một cuộc họp Quốc hội, một ông nghị nào đó đã rất nhiệt tình, hào hứng khuyên Nhà nước, Chính phủ nên tận thu nhân dân bằng chiêu thức vặt lông vịt, phải biết vặt từ từ để “nó khỏi kêu”. Và hình như, sau đợt bùng phát dịch, mặc dù phải trải qua rất nhiều tai tiếng, nghiệt nỗi miếng cũng thiếu mà tiếng cũng mang, ngân sách hạn hẹp, chính phủ tiến hành vặt lông, nhưng có vẻ như vặt không được êm và khéo cho lắm, nên mới vặt lông được vài con đã nghe kêu om sòm, kêu thất thanh…
Chuyện là từ năm 2020, chính sách thuế của Việt Nam đã có một bước điều chỉnh đáng kể, việc điều chỉnh này kéo theo cả một hệ thống rối loạn phía sau nó – thuế phi nông nghiệp. Đây là loại thuế đánh vào đất ở, tất cả các gia đình có nhà đất đều phải đóng thuế. Và chuyện đóng thuế gây ra lắm nỗi éo le.
Dưới đây là một trích đoạn của chính sách thuế phi nông nghiệp hiện hành, gồm những đối tượng đóng thuế và đối tượng miễn thuế:
“Căn cứ Điều 1 Thông tư 153/2011/TT-BTC, đối tượng chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp gồm:
(1) Đất ở tại nông thôn, đất ở tại đô thị.
(2) Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp gồm:
– Đất xây dựng khu công nghiệp bao gồm đất để xây dựng cụm công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu sản xuất, kinh doanh tập trung khác có cùng chế độ sử dụng đất.
– Đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh bao gồm đất để xây dựng cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; xây dựng cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ và các công trình khác phục vụ cho sản xuất, kinh doanh (kể cả đất làm mặt bằng xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghệ cao, khu kinh tế).
– Đất để khai thác khoáng sản, đất làm mặt bằng chế biến khoáng sản, trừ trường hợp khai thác khoáng sản mà không ảnh hưởng đến lớp đất mặt hoặc mặt đất.
– Đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm bao gồm đất để khai thác nguyên liệu và đất làm mặt bằng chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm.
(3) Đất phi nông nghiệp thuộc mục (2) được các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích kinh doanh.
Như vậy, người sử dụng đất thuộc đối tượng chịu thuế và không thuộc trường hợp được miễn sẽ phải nộp thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Bên cạnh đất thuộc đối tượng chịu thuế thì Thông tư 153/2011/TT-BTC cũng quy định rõ đối tượng không chịu thuế đất phi nông nghiệp.
Cụ thể Điều 2 Thông tư này quy định rõ đất phi nông nghiệp không sử dụng vào mục đích kinh doanh thuộc đối tượng không chịu thuế bao gồm:
(1) Đất sử dụng vào mục đích công cộng.
(2) Đất do cơ sở tôn giáo sử dụng bao gồm đất thuộc nhà chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động.
(3) Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa.
(4) Đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng.
(5) Đất có công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ bao gồm diện tích đất xây dựng công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ theo khuôn viên của thửa đất có các công trình này.
Trường hợp này, đất phải thuộc diện đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.”
Đến ngày 19 tháng 10 năm 2020, Chính Phủ ban hành nghị định 126/2020/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý thuế. Theo đó, từ năm 2021, các địa phương bắt đầu truy thu thuế phi nông nghiệp.
Theo tinh thần của qui định về thuế phi nông nghiệp trên đây, thì tất cả những người dân đều phải đóng thuế, cứ có nhà cửa, đất đai tư nhân thì phải đóng thuế phi nông nghiệp.
Biểu thuế theo qui định hiện hành, những giấy chứng nhận quyền sử dụng đất còn ghi mục đích sử dụng là Thổ Cư thì biểu thuế được đánh 300m2 đất ở, diện tích còn lại bị xem là đất vườn và miễn thuế. Điều này mới nhìn tưởng là nhẹ gánh nhưng nếu có đền bù giải tỏa thì diện tích thổ cư còn lại (ví dụ như trước đây Thổ Cư = Đất Ở là 1000m2) bỗng dưng chỉ còn 300m2 đất ở (vì nó có thuế), diện ích 700m2 còn lại bị xếp vào đất vườn (theo định nghĩa mới, đất thổ cư là đất vườn và đất ở) và đền bù với giá rẻ mạt.
Có nhiều trường hợp đi đổi sổ và trước đó chấp nhận đóng thuế chuyển mục đích sử dụng toàn bộ Thổ cư thành Đất Ở. Ví dụ như có 1000m2 Thổ Cư thì khi đổi bià đỏ sẽ được chuyển sang đất ở 300m2 theo diện tự động, số 700m2 còn lại muốn chuyển sang đất ở phải đóng thuế khá cao, theo biểu thuế chuyển mục đích sử dụng do nhà nước áp. Mà hầu hết nông dân muốn bán bớt đất đều phải qua thủ tục này, vì nếu chỉ với 300m2 đất ở để bán thì không tài nào cắt lô được, bởi nhà làm theo kiểu quê, ba gian, hai chái gồm nhà phụ, nhà bếp chiếm diện tích ngót nghét 300m2 mặc dù công năng sử dụng rất thấp. Vì lẽ này, hầu hết dân quê muốn bán đất đều phải chuyển mục đích sử dụng từ Thổ Cư sang Đất Ở.
Và đây cũng là đầu mối khiến nhiều người dở khóc dở cười với chính sách thuế phi nông nghiệp. Có ông nông dân mỗi tháng thu nhập chừng hai triệu đồng từ việc làm ruộng, nuôi gà, nuôi heo, làm thuê đủ các công việc đã tá hỏa khi nhận tờ phiếu báo thu gần mưới triệu đồng cho tiền đất ở, bởi bìa đỏ của ông ghi diện tích 100% đất ở!
Lúc này, một câu hỏi đặt ra với người nông dân này là: Mảnh đất có ba đời, bốn đời cắm dùi của gia đình ông, từ thời ông cố ông cho đến ông nội, đến cha ông rồi đến ông, có bao giờ phải đóng thuế khủng khiếp như lúc này, như thời của ông sống?
Và, đất đai, mọi khoản thuế đã được tích hợp khi chuyển mục đích sử dụng đất, người nông dân muốn chuyển nhượng, mua – bán mảnh đất nhiều đời của mình thì phải đóng một khoản thuế rất cao, ngay cả việc xây dựng nhà cửa cho con cái ngay trên mảnh thổ cư nhiều đời của mình, họ cũng phải đóng một khoản thuế chuyển mục đích sử dụng sang đất ở. Đụng đâu cũng gặp thuế, nhưng vẫn chưa đủ với nhà nước này hay sao mà người ta tiếp tục đánh thuế vaò đất ở với cái tên mỹ miều “thuế phi nông nghiệp”?!
Liệu người nông dân chưa đủ khốn khổ, chưa đủ khó, đó là nông dân nói riêng, nói chung, người dân Việt Nam này chưa đủ khổ, chưa đủ đau đớn với hàng trăm loại thuế thừ thuế VAT trong mỗi món hàng cho đến thuế môn bài, thuế trước bạ, rồi nạn đóng thuế sức khỏe trong đợt dịch vừa rồi bằng cả sinh mạng, bằng chọt mũi, bằng chết chóc đau đớn, bằng tiêm vaccine mà không biết hiệu quả tới đâu, mọi thứ đều phải gồng lưng đóng thuế, giờ lại thêm thuế phi nông nghiêp. Một cổ người dân có bao nhiêu cái tròng thuế đây?
Đó là chưa nói đến việc chống tham nhũng, chống gian lận đã hoàn toàn thất bại kể từ khi thuế phi nông nghiệp được áp dụng. Bởi hiện tại, việc khai gian thuế phí nông nghiệp tại Việt Nam là hết sức dễ dãi, đơn giản, người ta có thể kê khai khống, có sự toa rập giữa người kê khai và cán bộ áp dụng thuế, chỉ cần đẩy lùi con số mét vuông diện tích đất ở thành thổ cư và áp theo định mức nhà nước 300m2 cho mỗi gia đình (có ăn chung đủ với cán bộ) là mức thuế lùi từ vài triệu đồng còn chưa tới một trăm ngàn đồng. Đó là chưa nói đến chuyện hầu hết cán bộ đều dùng bìa đỏ có diện tích nhỏ nhất để khai thuế, bìa có diện tích lớn mà họ đang sử dụng lại được giấu đi, và mức thuế họ đóng cũng tròm trèm vài chục ngàn đồng. Chỉ riêng các chi tiết này, việc gian lận và khai man chồng chất gian lận và khai man, cái tệ, cái dở thêm phát triển.
Và có thêm một kẽ hở khác, một mảnh đất có diện tích lớn, hoàn toàn đất ở, cho dù chủ nhà có xây dựng trên vài trăm mét vuông thì vẫn đóng thuế phi nông nghiệp trên một ngàn mét vuông đó mặc dù số mét vuông còn lại dùng để trồng cây (nông nghiệp). Và để lách luật, người ta lại tiến hành tách bìa. Vì theo qui định của luật thuế, những diện tích chưa sử dụng thì không phải đóng thuế (chừa điểm mù cho thị trường bất động sản, nếu đánh luôn vào khoản này thì bất động sản Việt Nam sụp đổ ngay tức thời!). Mọi thứ lại thêm rối mù…
Như vậy, từ thời phong kiến đến thời Pháp Thuộc, rồi thời Việt Nam Cộng Hòa – Cộng sản, cuối cùng là Cộng sản xã hội chủ nghĩa, một mảnh đất đi qua nhiều đời, nhưng hầu như các đời trước chẳng biết tiền thuế là gì, chỉ đến thời Cộng sản xã hội chủ nghĩa thì người chủ đất mới biết rằng đất ông bà để lại cho mình không phải là của mình, mà là của toàn dân, mình chỉ được sử dụng lâu dài, và nếu muốn ở, muốn sử dụng lâu dài thì phải đóng thuế!
Vặt lông đến cỡ đó mà không có tiếng kêu la mới là chuyện lạ! Không chừng, người ta còn quay ra cắn điên, cắn loạn và chẳng thèm kêu la nữa là đằng khác!