Vì công an Việt Nam chỉ được đào tạo một nửa, đó là các kĩ năng để đối phó với tội phạm nhưng lại không được đào tạo các nguyên tắc ứng xử của thế giới tiến bộ để bảo vệ con người. Đây là một thiếu sót chết người!
Trước đây, đã từng nhiều lần xảy ra chuyện công an đánh người đến chết trong các đồn, bốt của họ, từ công an huyện đến công an xã, dường như đã xảy ra chuyện đánh chết người không ít lần. Các hãng truyền thông quốc tế cũng từng phản ảnh và lên án chuyện này nhiều lần, mọi chuyện tạm vãn đi, giảm bớt mức độ bạo lực của nó trong vài năm, từ 2020 đến nay. Những tưởng mọi chuyện có chiều hướng tiến bộ, nhưng kì thực, nó còn ghê gớm hơn rất nhiều.
Bởi xâu chuỗi trở lại, trong vòng ba năm, từ 2020 đến nay, thì Tết 2023 là cái Tết đầu tiên được đi lại tự do, được sinh hoạt, hội hè, đình đám thoải mái sau khi đại dịch bùng phát, và đây cũng là cái Tết khá là bất an, bất ổn nhìn từ nhiều hướng. Bởi sau quá nhiều khó khăn, thậm chí cay đắng, chết chóc, phải chạy tới chạy lui giữa thành phố và quê nhà như một bầy vịt, phải vắt những đồng bạc cuối cùng ra để chọc, ngoáy mũi mà qua cửa khẩu tỉnh, cửa khẩu huyện, rồi phải chịu cảnh tang thương, mất người thân, người chết chồng chất chờ được hỏa thiêu… người ta trở nên bất cần, bất sợ, bất chấp trước mọi thử thách trong cuộc sống, bằng chứng của việc này là chưa năm nào pháo bông lại đốt nhiều, người ta nhịn ăn để đốt, người ta nhịn ăn để mua bia như năm nay. Say và vỗ tay như một cách đàn hồi tâm lý của đại bộ phận người nghèo, cho dù chưa biết nó đàn hồi đến đâu.
Đương nhiên, đây cũng là quãng thời gian mà trật tự xã hội trở nên rối ren hơn bao giờ, mọi thứ tai nạn giao thông hay tai nạn rượu bia, tai ương do đói kém và nghiện ngập diễn ra khắp mọi nơi, không chừa nơi nào. Sự thít chặt an ninh trong từng mét vuông của chính quyền Cộng sản Việt Nam thực sự có hiệu quả về mặt trật tự xã hội. Nhưng đây cũng là con dao hai lưỡi, bởi nó đặt đất nước vào tình trạng báo động từ hai phía, người dân và nhân viên công lực. Điều đó có nghĩa rằng không riêng gì phía công lực của nhà cầm quyền đặt xã hội vào tình trạng báo động mà người dân cũng thấy rằng họ đang sống trong mối nguy hiểm đến từ nhà cầm quyền thông qua hệ thống an ninh, mà chuyện này chỉ xảy ra ở một số nước độc tài.
Bởi lẽ, có một thứ mà nhân viên công lực chế độ độc tài mới có được, mới nếm phải và nó cho ra một tương lai an ninh hết sức đen tối. Đó là nền giáo dục, trong đó, quá trình giáo dục quá đặc biệt của nhân viên công lực Việt Nam, cụ thể là các trường an ninh. Hầu hết các trường an ninh (Thủ Đức và Hà Nội là hai trường lớn) đều nhắm đến mục tiêu đào tạo những nhân viên an ninh lọc lõi và tinh ranh, có thể nắm thóp bất kì đối tượng bất hảo nào. Và đương nhiên, các giáo trình (bí mật, không được mang về nhà, học xong thì bỏ vào ngăn kéo của trường, khóa lại, có sự quản lý chặt chẽ của nhà trường) đều nghiên cứu rất kĩ hành vi, thủ đoạn và chiêu trò của tội phạm. Nghĩa là tội phạm tinh ranh, biết lừa đảo cỡ nào thì nhân viên an ninh phải tinh ranh, biết chiêu trò này khá hơn tội phạm một chút. Ngoài việc nghiên cứu, rút kinh nghiệm các chiêu trò của tội phạm, kĩ năng phân tích tâm lý và võ thuật của nhân viên an ninh cũng được chú tâm huấn luyện, một nhân viên an ninh khi tốt nghiệp, ngoại trừ loại con ông cháu cha, vào ra trường an ninh để du lịch, chờ ngày lên ngồi ghế thì dường như nhân viên an ninh nào cũng có kĩ năng võ thuật rất tốt, có thể đối kháng bất kì tình huống nào.
Nếu nói về đào tạo và trang bị kĩ năng cho một nhân viên an ninh chính quy, có thể nói rằng Việt Nam thuộc vào hàng “rất đạt”. Thế nhưng, có một thứ vô cùng quan trọng, nó đóng vai trò cốt tủy, xương sống của ngành an ninh thì tại Việt Nam, các nhân viên an ninh không được trang bị, đó là các giá trị con người, thang đo phẩm hạnh đạo đức cùng các giá trị nhân bản. Bởi, với chủ trương của ngành công an Việt Nam, còn đảng thì còn mình, ngành an ninh sắm ra không phải để bảo về các giá trị làm người, các quyền tự do, nhân bản của người dân mà họ dành để thiết lập trị an với mục đích cuối cùng là bảo vệ đảng. Thế nên, nhiệm vụ bảo vệ đảng là thứ nhiệm vụ tối thiết, vô cùng quan trọng và họ tuyệt đối không được xao nhãng, những nhiệm vụ khác có tính trang bị, phụ họa họ có thể được bỏ qua, được chăng hay chớ hoặc giả làm tượng trưng. Chính vì mục tiêu lớn trong bảo vệ đảng được đề cao, cấp thiết vào mục tiêu bảo vệ trị an được xem là thứ yếu nếu như vấn đề trị an không có tính đảng, nên chi, mọi hành tung, hành vi trị an của công an Việt Nam hoàn toàn không chuyên nghiệp, nếu như tính chuyên nghiệp trong bảo vệ đảng cao bao nhiêu tình tính chuyên nghiệp trong trị an xã hội của công an Việt Nam thấp bấy nhiêu.
Tính chuyên nghiệp trong bảo vệ đảng của công an Việt Nam thể hiện rõ trên quan điểm và hành động “còn đảng còn mình” của họ. Sự thiếu chuyên nghiệp trong trị an xã hội của công an Việt Nam nằm ở chỗ họ hoàn toàn không được trang bị các kiến thức về giá trị nhân quyền, phẩm hạnh, giá trị nhân bản hoặc các yêu cầu cấp thiết của một thể chế có tự do trong hành xử trị an. Chính vì thiếu các phần tri kiến căn bản vừa nêu trên nên công an Việt Nam giỏi đấm đá, giỏi quát nạt, giỏi đe nẹt nhưng lại không giỏi hiểu biết, thu phục lòng người, mãi cho đến bây giờ, nhìn vào mối quan hệ chẳng mấy thiện chí, thiện cảm giữa công an và nhân dân cũng đủ thấy sự thiếu hụt trong giáo dục đào tạo của họ. Chính vì không được đào tạo các giá trị nhân bản, nhân văn nên công an Việt Nam cho dù về mặt hình thức vẫn rất tự hào rằng họ là người bảo vệ trật tự, trị an, mang lại hạnh phúc, bình yên cho nhân dân, nhưng kì thực, bản chất hành động của họ lại côn đồ hơn cả côn đồ, bởi họ được đào tạo theo cách phải côn đồ hơn côn đồ mới trị được côn đồ.
Và cho đến lúc này, videoclip một nhân viên công an (được cho là ở Bến Tre) đã đánh đập một người đàn ông trước mặt con nhỏ của anh ta trong khi anh ta bị còng tay, không có phản ứng nào trước những cú đòn đấm, đá phang ngang có thể gây gãy tay, bể phổi, dập là lách… của tay nhân viên công an… Và các cú đòn ác nghiệt kia chỉ dừng lại khi kẻ đánh người phát hiện ra có một cái camera đang quan sát hành vi của hắn. Và, cũng mới đây thôi, hình ảnh một tay cảnh sát giao thông kẹp cỗ, đánh đòn ác với một người dân, mà sau cú đòn này, người dân kia có thể về nhà, ba tháng sau sẽ tự giãn gân dần mòn rồi bại liệt, bởi vì đây là cú đòn tử, trong giới nhà võ không bao giờ dùng đến, trừ khi dùng nó với kẻ quá độc ác, đã từng gây tội ác với nhiều người… Mà đâu chỉ riêng những hình ảnh đau lòng trên, còn rất nhiều câu chuyện, mảnh rời số phận con người đã rơi lại trong đồn công an sau một cái giấy triệu tập, sau một cái lệnh bắt!
Vì đâu? Vì công an Việt Nam chỉ được đào tạo một nửa, đó là các kĩ năng để đối phó với tội phạm nhưng lại không được đào tạo các nguyên tắc ứng xử của thế giới tiến bộ để bảo vệ con người. Đây là một thiếu sót chết người!