Anh Vũ – RFI
Hôm 2/9 vừa qua, Hoa Kỳ thông báo hợp đồng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,1 tỷ đô la. Trung Quốc đại lục, luôn coi hòn đảo là một phần lãnh thổ của mình, ngay lập tức đã yêu cầu Washington hủy bỏ thương vụ vũ khí lớn này với Đài Bắc. Tại sao lại Hoa Kỳ lại cam kết mạnh mẽ như vậy? Đâu là nguy cơ leo thang căng thẳng? RFI phỏng vấn nhà nghiên cứu chính trị và Trung Quốc Stéphane Corcuff, một chuyên gia về eo biển Đài Loan.
RFI: Trung Quốc đòi hỏi hủy hợp đồng mua bán vũ khí giữa Hoa Kỳ và Đài Loan thông báo hôm 2/9. Cần rút ra kết luận nào từ vụ bán vũ khí mới này cho Đài Bắc đang khiến Bắc Kinh tức giận?
Stéphane Corcuff: Vụ việc này khẳng định một xu thế mà người ta đã thấy từ cuối thời của chính quyền Trump, và được Tổng thống Biden khẳng định. Người Mỹ không còn bận tâm với những thận trọng ngoại giao do chính sách “một nước Trung Quốc duy nhất” của họ. Người Mỹ quyết định thăm chính thức Đài Loan nhiều hơn và nắm bắt vấn đề quân sự một cách rõ ràng hơn trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng áp lực quân sự trong eo biển Đài Loan.
Thương vụ vũ khí này khẳng định rõ lập trường của Hoa Kỳ trong khuôn khổ, không thay đổi, của chính sách một nước Trung Quốc duy nhất. Không phải Hoa Kỳ chuẩn bị công nhận Đài Loan. Nhưng họ nắm bắt vấn đề quân sự trong bối cảnh nếu chiến tranh phải nổ ra thì sẽ có thể dẫn đến một cuộc chiến tranh thế giới.
RFI: Trung Quốc nói sẽ kiên quyết có các “biện pháp đáp trả chính đáng và cần thiết” theo tình hình. Ta có thể dự tính đó là các loại biện biện pháp gì?
Stéphane Corcuff: Gần như không thể trả lời câu hỏi này bởi trước tiên đó là cách diễn đạt mập mờ, mơ hồ và có tính hệ thống. Mỗi khi cảm thấy bị xúc phạm là Trung Quốc phản ứng bằng kiểu diễn văn như vậy, không có gì cụ thể cả. Theo ý kiến tôi, không có gì to tát (ở) đây.
Hoa Kỳ có nghĩa vụ hợp pháp bán vũ khí tự vệ cho Đài Loan như họ đã cam kết hồi năm 1979. Hợp đồng bán vũ khí được thông báo hôm thứ Sáu (2/9) vừa rồi cụ thể là bán các loại vũ khí tự vệ, trong đó chủ yếu là các tên lửa, các phương tiện cải thiện khả năng radar của họ. Chính xác đó là các cơ cấu phòng thủ. Nhiều loại tên lửa sẽ được bán cho Đài Loan, đó là vấn đề cốt lõi.
Đài Loan là vùng đất trên thế giới có mật độ tên lửa phòng không tính trên km² cao nhất, bởi Trung Quốc cũng chĩa hàng nghìn tên lửa về phía Đài Loan. Sẽ rất khó có được các hệ thống lá chắn phòng không hiệu quả cho Đài Loan nếu Trung Quốc quyết định bắn một lúc 1.700 quả tên lửa, nhưng Trung Quốc sẽ không làm điều đó. Điều chủ chốt với Đài Loan là trong hệ thống phòng thủ có các đơn vị tên lửa phòng không cực kỳ hiện đại và vụ mua bán vũ khí vừa qua nằm trong hướng đó.
RFI: Tại sao Hoa Kỳ đầu tư vào Đài Loan nhiều như vậy?
Stéphane Corcuff: Hoa Kỳ đã cam kết một cách hợp pháp bán vũ khí cho Đài Loan, từ lâu nay rồi, vì nhiều lý do. Thứ nhất, vì giờ đây họ coi Trung Quốc không chỉ là đối thủ cạnh tranh chiến lược mà có thể là kẻ thù, nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan. Quan điểm của Hoa Kỳ và Trung Quốc về vấn đề Đài Loan khác nhau căn bản, cho dù Hoa Kỳ đã chấp nhận chính sách một nước Trung Quốc duy nhất.
Điều đó có nghĩa là Mỹ không phủ nhận chủ quyền của Đài Loan, nhưng họ vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Nhưng Trung Quốc chủ trương đòi lại đất, cho rằng Đài Loan thuộc lãnh thổ mình, cho dù không có thỏa thuận quốc tế nào cho phép Trung Quốc nói lên điều đó. Hoa Kỳ cho rằng nếu Trung Quốc đại lục tấn công Đài Loan, thì đó là hành động xâm phạm của một quốc gia có chủ quyền đối với một quốc gia có chủ quyền khác.
Tiếp đó, Đài Loan giờ là cây đèn biển của tự do, dân chủ và nhân quyền ở châu Á. Trước mặt Đài Loan, bên kia eo biển chỉ cách 300 km, là một trong những nước độc tài nhất, thô bạo nhất thế giới trong lĩnh vực trấn áp nhân quyền. Đó là điều quan trọng với Hoa Kỳ dù đó là chính quyền Dân Chủ hay Cộng Hòa. Tại Mỹ trong các cuộc tranh luận chính trị, vấn đề nhân quyền và những tiến bộ dân chủ trên thế giới luôn đóng vai trò quan trọng.
Cuối cùng, Hoa Kỳ và cả thế giới đều có lợi ích kinh tế sống còn ở Đài Loan: Đó là sự lệ thuộc vào các vi mạch điện tử, mà hơn nửa sản lượng hiện nay do Đài Loan chế tạo. Nếu ta giới hạn trong phạm vi các vi mạch thế hệ mới nhất thì sản phẩm của Đài Loan chiếm tới 80-90% thị trường thế giới.
Như vậy tất cả chúng ta đều bị lệ thuộc, Hoa Kỳ đứng hàng đầu. Thậm chí giờ đây, một trong những thách thức lớn của Mỹ là phải bảo đảm an toàn việc tiếp cận các bộ vi xử lý, bảo đảm an toàn việc sản xuất, đồng thời sao cho việc sản xuất vi mạch không bị lệ thuộc vào Trung Quốc và Trung Quốc không có được khả năng công nghệ chế tạo vi mạch. Trong một quan điểm cực đoan như kiểu chiến tranh kinh tế, thì một trong những thách thức có thể là không cho hoặc hạn chế Trung Quốc được tiếp cận các vi mạch thế hệ mới.
RFI: Đâu là những mối nguy cơ của leo thang căng thẳng?
Stéphane Corcuff: Cần phải hiểu là, cho dù vẫn bị một số người chỉ trích nhiều, Hoa kỳ là một chế độ dân chủ tự do, Pháp và châu Âu vẫn luôn sát cánh với Mỹ trên bình diện chính trị và quân sự. Ở phía bên kia, Trung Quốc là chế độ tân toàn trị, cực kỳ thô bạo trong đàn áp tự do và nhân quyền ở trong nước cũng như ở ngoại vi của họ: Hong Kong, Tây Tạng không tuyệt nhiên là thuộc Trung Quốc về mặt lịch sử như Trung Quốc vẫn nói và Tân Cương cũng không còn như vậy về mặt lịch sử.
Nếu điều này đến với Đài Loan, tức là sự cân bằng lực lượng giữa thế giới tự do và thế giới không tự do sẽ đổ vỡ và người ta không cho phép bỏ rơi Đài Loan. Vì vậy Đài Loan là một thách thức chiến lược trên mọi phương diện. Ngay cả không nói đến các vấn đề đạo lý hay thực tế pháp lý thì Đài Loan không phải như Trung Quốc vẫn nói, mà đó là một nhà nước có chủ quyền. Trung Hoa Dân Quốc đã được thành lập từ năm 1912, trước khi có Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa và nó vẫn tồn tại. Vô đạo lý khi để Đài Loan bên ngoài xã hội quốc tế.
Đó cũng là một thách thức trên bình diện lợi ích căn bản của chúng ta, của tiến bộ của thế giới dân chủ trên địa cầu và của sự lệ thuộc của chúng ta vào vi mạch bán dẫn. Điều cốt lõi là phải tránh một cuộc chiến tranh, đó có thể sẽ là một cuộc chiến tranh không chỉ là cục bộ mà là một cuộc chiến tranh khu vực và thế giới. Bị lôi cuốn vào cuộc chiến đó không chỉ có nền kinh tế Trung Quốc mà là cả nền kinh tế thế giới.