Vụ ra lệnh tiêu hủy tranh Bùi Chát cứ làm tôi nhớ đến chuyện của Tiểu Thanh.
Tiểu Thanh sống ở đời nhà Minh, nàng vốn thông minh nên sớm am tường các môn nghệ thuật, lại có phong tư lộng lẫy hơn người. Năm 16 tuổi, nàng được gả làm vợ lẻ cho Phùng Sinh, một công tử nhà gia thế. Vợ cả hay ghen lại cay độc, bắt nàng ra sống riêng trên Cô Sơn, gần Tây Hồ. Vì đau buồn, nàng sinh bệnh rồi qua đời khi mới tròn mười tám tuổi. Những đau khổ muộn phiền được nàng gửi gắm cả vào thơ, nhưng phần lớn bị vợ cả đem đốt đi, may mắn còn sót lại vài bài. Gần 300 năm sau, Nguyễn Du vì cảm câu chuyện của nàng mà viết nên bài thơ nổi tiếng “Độc Tiểu Thanh ký”, trong đó câu hai câu: Chi phấn hữu thần liên tử hậu/ Văn chương vô mệnh lụy phần đư” (Son phấn có thần chắc phải xót xa vì những việc sau khi chết/ Văn chương không mệnh mà mang luỵ cả lúc đã thành tro).
Nghệ thuật xưa nay vốn thường mắc phải những “kỳ oan” (nỗi oan lạ lùng). Sở dĩ gọi là “oan” bởi nó vốn chẳng can dự gì vào lợi quyền của cuộc đời cả, vì “nghệ thuật đích thực đều vô dụng” (Oscar Wilde). Thơ của nàng Tiểu Thanh là bị lòng ích kỷ, tính độ kỵ, máu cuồng ghen của một người đàn bà mang đốt cháy. Mụ ta ghét Tiểu Thanh mà đốt thơ nàng, chứ mụ nào biết gì đến thơ phú! Nếu biết chút chữ nghĩa trong đời đến mức yêu được vài vần thơ thì con người khó mà ác được, nói chi đến đến đày ải, hành hạ một người con gái, cho đến đốt hết những mảnh giấy tàn!
Cái ác vốn tầm thường vì nó luôn khởi lên từ lòng vô minh, hẹp hỏi. Cái ác trong đời sống đã thế, cái ác trong nghệ thuật thì còn nực cười hơn nữa: nó sinh ra từ thói thù vặt và sự ghen tức nhỏ nhen. Ghét người thì có thể hiểu được, nhưng hủy hoại nghệ thuật của người thì chỉ minh chứng cho sự bạc nhược thảm hại.
Việc con người đối xử tệ bạc với nhau thì vốn phổ biến, chứ tiêu hủy nghệ thuật thì chỉ đặc biệt tìm thấy trong các xã hội bán khai, mông muội, lúc con người chưa thoát khỏi tuổi vị thành niên của nhân loại. Ở đó, bản năng sinh vật còn là xung lực chủ đạo, chế ngự, thống trị và điều khiển.
Muốn biết khuôn mặt của một xã hội, chỉ cần nhìn nền tầm vóc nền nghệ thuật và cái cách mà xã hội ấy đối xử với nghệ thuật. Nó là tiêu điểm, là điển hình, là đại diện cho đạo đức, văn hóa và trình độ văn minh.
Đường xa nghĩ nỗi sau này mà kinh (Nguyễn Du).
Thái Hạo