Bạn Nguyễn Phượng, giảng viên Trường Đại học sư phạm Hà Nội đưa ra một bảng thông báo bằng tiếng Pháp của một trường học ở châu Âu, vừa bình vừa dịch:
“Phụ huynh Việt Nam sẽ phản ứng thế nào khi nhận được một tờ trát từ nhà trường “hách dịch” như thế này?
Lại chả chửi ầm lên ấy à.
Lại chả chất vấn ầm lên: chúng tôi đóng học phí cho con không phải để quý thày quý cô đùn đẩy công việc này cho chúng tôi!
Bla bla…
Tạm dịch:
CHÚNG TÔI NHẮC NHỞ PHỤ HUYNH RẰNG:
– Chính ở nhà là nơi bọn trẻ cần học những từ ngữ “thần kì”:
xin chào, làm ơn…, tôi có thể…, xin lỗi, cảm ơn.
– Cũng chính là ở nhà bọn trẻ cần học: tính trung thực, không nói dối, tử tế, đúng giờ, không nói tục, biết đoàn kết, biết tôn trọng bạn bè, người già và các giáo viên.
– Cũng vẫn là ở nhà mà bọn trẻ cần được học: tính sạch sẽ, không nói khi miệng đang đầy đồ ăn, không vứt rác ra đường.
– Nhà cũng là nơi bọn trẻ cần học: tính tổ chức, biết bảo vệ đồ đạc của mình và không động chạm vào đồ đạc của người khác.
Ở đây, tại trường học, chúng tôi sẽ dạy bọn trẻ: toán, khoa học, địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, vật lý.
Và chúng tôi sẽ củng cố những gì bọn trẻ đã được dạy từ nhà.”
(hết trích)
Tôi khen hay và đúng lắm!
Tất nhiên, hay và đúng ở cái thông báo và cách giải quyết vấn đề của nhà trường người ta. Không hay và đúng ở lời bình của anh Nguyễn Phượng đối với phụ huynh Việt Nam.
Một là, nhiều người không nhìn thấy cái tiền giả định, tức sự thật mà nhà trường người ta đang đối mặt. Chắc chắn ở họ đã từng có không ít phụ huynh cũng “chất vấn ầm lên: chúng tôi đóng học phí cho con không phải để quý thày quý cô đùn đẩy công việc này cho chúng tôi!”. Nếu ở họ, phụ huynh phân biệt rạch ròi giữa trách nhiệm gia đình và nhà trường, thì họ ra thông báo này để làm gì? Vô nghĩa và lảng nhách!
Chắn chắn khi ra thông báo ấy, chương trình giáo dục của người ta đã phân định rõ ràng trách nhiệm. Nôm na là nhà trường không ôm việc nhà của thiên hạ. Chương trình của họ không dạy điều mà gia đình người ta phải làm. Ngoài dạy khoa học, họ chỉ “củng cố những gì bọn trẻ đã được dạy từ nhà” như họ đã ghi trong thông báo.
Câc bạn cũng phải biết điều này: ở nước người ta, trẻ em giải quyết mọi việc học tập ở nhà trường, không có bài tập về nhà. Trẻ có nhiều khoảng trống để vui chơi và học từ việc nhà.
Hai là, ở ta lâu nay, “nếu” có chuyện phụ huynh chửi hay chất vấn ầm lên như bạn Nguyễn Phượng phê phán là có lý do. 1) Từ khi diễn ra cả loạt cải cách đến nay, chương trình do các nhà cải cách không phân biệt việc nhà và việc trường, ôm đồm vơ lấy luôn việc nhà của người ta để tạo ra cái gọi là “phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực”. Đâu chỉ toán, khoa học, địa lý, lịch sử, ngôn ngữ, vật lý mà gì cũng biến thành sách rồi nhồi vào đầu con trẻ, đến mức bài vệ sinh “rửa tay”, “đánh răng”… cũng phải học thuộc lòng để trả bài, Không tin cứ mở sách tiểu học ra xem, 2) Đã ôm đồm như vậy, nhưng mỗi khi học sinh có sự cố, dù là sự cố thuộc trách nhiệm của nhà trường như không chép bài, không thuộc bài, ồn trong giờ học…. là nhiều giáo viên mời phụ huynh đến họp để mắng vốn, sỉ nhục rằng, bố mẹ không biết dạy con. Tôi chưa bị mời họp phụ huynh, nhưng từng bị cô giáo gọi điện thoại mắng vốn như vậy.
Cách tạo chương trình, sách giáo khoa và giải quyết vấn đề của nhà trường ta như vậy thì còn trách ai? Một nền giáo dục mà cái gì cũng nhập nhèm thì việc đổ lỗi qua lại là chuyện đương nhiên. Nhập nhèm để dễ đổ lỗi là chủ trương? Giáo dục nào sinh ra con người ấy. Mới có chuyện quan chức phạm lỗi, không ai nhận lỗi, đổ một hồi đến đổ vấy cho thằng đánh máy. Thậm chí gây tai nạn chết người còn đổ lỗi cho nạn nhân uống rượu.
Ở Việt Nam, bọn trẻ ngoài việc học ở nhà trường, cả đống bài tập được giao về nhà, bọn trẻ phải học cua học kèm suốt ngày và làm bài suốt đêm thì chỗ trống đâu mà học và làm việc nhà?
Trong nội dung 2, chữ “nếu” tôi đặt trong ngoặc kép là một giả định chưa, và tôi tin, không diễn ra. Vì dù nhà trường tỏ ra đầy trách nhiệm trong “giáo dục toàn diện”, và dù phụ huynh hay bị triệu tập đến trường mắng vốn, nhưng ai cũng ngoan ngoãn vâng ạ, ngoan hơn con của họ để… con họ không bị đày!
Phàm đã tìm hiểu nước văn minh, ca ngợi người để phê phán ta, thì cũng nên tìm hiểu có đầu có đuôi. Hiểu không đầu không đuôi, cắt ngang phè sự thật rồi bảo phụ huynh học sinh Việt xấu so với người ta, cũng là cách nhập nhèm, đổ lỗi tùy tiện, thậm chí dọn đường cho những sai trái từ phía nhà trường./.
Chu Mộng Long